Hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội: Thiếu cơ chế và chuyên gia

28/03/2009

Từ khi hợp nhất Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội (cũ) và Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tây (cũ), Đoàn ĐBQH TP Hà Nội có số lượng đại biểu nhiều nhất cả nước (34 đại biểu).

Hoạt động giám sát của Đoàn đã bám sát chương trình của Quốc hội; giám sát sâu, có trọng tâm, trọng điểm mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, trước đòi hỏi thực tế và yêu cầu cần tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát, Đoàn ĐBQH Hà Nội đang gặp khó khăn do thiếu cán bộ chuyên trách, thiếu người giúp việc…

Tạo tiền đề tăng hiệu quả giám sát

Xuất phát từ những yêu cầu thực tế bức xúc, Đoàn ĐBQH Hà Nội đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát có tính chất chuyên đề, tập trung vào một số nội dung chính, liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cụ thể, Đoàn ĐBQH Hà Nội (cũ) và tỉnh Hà Tây (cũ) đã tổ chức giám sát việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở TP Hà Nội từ năm 2005 đến năm 2007. Đặc biệt, ĐBQH Hà Nội đã tổ chức giám sát 4 vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng kéo dài trên địa bàn TP Hà Nội (khi chưa hợp nhất). Sau khi đoàn giám sát làm việc với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, các cơ quan có liên quan, Đoàn ĐBQH Hà Nội đã đề nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để vụ việc kéo dài và đề ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, 1 vụ việc đã được giải quyết dứt điểm, 1 vụ việc được giải quyết theo trình tự luật định; 2 vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm do tính chất phức tạp của các tình tiết.

Sau khi hợp nhất, trên cơ sở kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc trước và sau Kỳ họp thứ tư QH Khóa XII, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã lập đoàn giám sát về tình hình chấp hành pháp luật trong thực hiện dự án đường vành đai 2, 5 đoạn qua quận Hoàng Mai. Sau đó, Đoàn đã thông báo kết luận gửi UBND TP và các cơ quan liên quan theo quy định của pháp luật, đồng thời tổ chức đối thoại công khai để thông báo cho cử tri biết kết quả giám sát.

Theo Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn ĐBQH TP Ngô Thị Doãn Thanh, thời gian gần đây, Hà Nội đã khắc phục được cơ bản việc trùng địa bàn và trùng vấn đề giám sát do Đoàn ĐBQH TP đã giữ mối quan hệ chặt chẽ với HĐND và UBND TP trong việc triển khai các hoạt động giám sát. Các cuộc giám sát của Đoàn thường xuyên có đại diện của HĐND, MTTQ… cùng tham dự. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH cũng thông báo cả việc UBND TP đã giải quyết được bao nhiêu việc, trả lời kiến nghị của người dân ra sao. Sau mỗi cuộc giám sát, Đoàn đều làm việc với UBND TP để bàn bạc, tạo tiền đề cho các cuộc giám sát có hiệu quả.

Cần có cơ chế sử dụng chuyên gia

Thực tế cho thấy, hoạt động giám sát các văn bản chưa đạt hiệu quả cao, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật. Từ khi Luật Hoạt động giám sát có hiệu lực (năm 2003) đến nay, ĐBQH và Đoàn ĐBQH TP Hà Nội chưa trực tiếp tổ chức giám sát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ĐBQH và Đoàn ĐBQH mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (thông qua các buổi tiếp xúc cử tri, các buổi làm việc với các sở, ngành) và phản ánh lại thông qua các phiên thảo luận tại diễn đàn QH hoặc các phiên chất vấn các bộ, ngành chức năng. Theo ông Đặng Văn Khanh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): "Đây là vấn đề không đơn giản bởi nếu không có chuyên môn, giám sát sai thì dân sẽ khiếu kiện ngay. Chính vì vậy, nên giao cho Viện Kiểm sát các tỉnh giám sát các văn bản pháp luật".

Đoàn ĐBQH Hà Nội có 34 đại biểu nhưng chỉ có 2 đại biểu chuyên trách, còn lại chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, có nhiều người giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, có những đại biểu không dự được nhiều cuộc giám sát. Theo Chủ tịch HĐND TP, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh, hiện không có một văn bản nào quy định trách nhiệm của đại biểu tham gia các cuộc giám sát nên Đoàn rất khó bố trí lịch và quy trách nhiệm đối với từng cán bộ. Bên cạnh đó, đội ngũ giúp việc của đoàn quá ít (6 người) nên không đủ phục vụ yêu cầu của các ĐBQH. Ông Đặng Văn Khanh cũng cho biết: "Những buổi tôi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề hay giám sát sâu về lĩnh vực xây dựng - kiến trúc đều cho thấy bất cập. Đoàn có 3 đại biểu nhưng không ai có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực này nên lý lẽ không đủ để thuyết phục người dân. Mới đây, chúng tôi đã mạnh dạn mời chuyên gia, vừa trình bày bằng văn bản, vừa chỉ ngay trên bản đồ, diễn đạt thấu tình đạt lý mới giúp người dân hiểu rõ hơn về dự án đường vành đai 2, 5 để họ đỡ bức xúc".

Về vấn đề này, nhiều đại biểu cùng chung quan điểm là nếu không thể tăng biên chế trong đội ngũ giúp việc thì phải có cơ chế sử dụng đội ngũ chuyên gia. Như vậy mới bảo đảm nâng cao chất lượng giám sát.

 

Hiền Chi

(http://www.hanoimoi.com.vn/)