Tăng cường phối hợp giữa kiểm toán Nhà nước với HÐND và UBND các cấp

14/04/2009

Tổ chức Kiểm toán Nhà nước (KTNN) được thành lập và hoạt động đã 15 năm, theo quy định của Luật KTNN. KTNN thực hiện nhiều cuộc kiểm toán giúp HÐND, UBND các cấp đánh giá đúng đắn, chính xác tình hình thực hiện ngân sách, quản lý, sử dụng tiền và tài sản Nhà nước; có giải pháp khắc phục những yếu kém, sai phạm, hoàn thiện chính sách, cơ chế. Tuy nhiên, sự phối hợp hoạt động giữa KTNN với HÐND và UBND các cấp còn nhiều bất cập, hạn chế

Theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HÐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt, thực tế ở địa phương, KTNN chưa phát huy đầy đủ vai trò là công cụ quản lý tài chính-ngân sách của chính quyền, HÐND các cấp chưa chủ động đến với KTNN. KTNN hầu như chưa nhận được các đơn đặt hàng của HÐND mặc dù trong Luật Kiểm toán Nhà nước quy định rất rõ các cấp chính quyền có thể gửi yêu cầu đến cơ quan KTNN và đây cũng là một kênh thông tin quan trọng để KTNN xây dựng kế hoạch kiểm toán hằng năm. Mối quan hệ giữa KTNN với HÐND các cấp còn lỏng lẻo, thiếu chủ động ở cả hai phía. HÐND xuất hiện với tư cách là đối tượng bị kiểm toán nhiều hơn là cơ quan quản lý ngân sách. Trong quá trình hoạt động kiểm toán tại các đơn vị, việc thảo luận dự thảo báo cáo kiểm toán hầu như cơ quan KTNN đều làm việc với UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND mà không có sự thông tin, trao đổi, hay liên hệ với Thường trực HÐND hoặc các ban chuyên môn của HÐND. Trong thẩm tra, quyết định dự toán và phân bổ dự toán ngân sách, HÐND chưa nhận được sự trợ giúp trực tiếp  của KTNN với tư cách là cơ quan chuyên môn, trợ thủ đắc lực cho HÐND; trong thẩm định và quyết định phê chuẩn quyết toán ngân sách hằng năm, hoạt động kiểm toán giúp ích không nhiều cho HÐND vì không phải năm nào KTNN cũng thực hiện việc kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương (NSÐP) và nếu có thì thời gian thực hiện cũng muộn, kết quả kiểm toán đến với HÐND chậm hơn so với thời gian yêu cầu phải quyết toán ngân sách địa phương theo luật định.  

Cùng có ý kiến về sự hạn chế của mối quan hệ giữa KTNN với HÐND, UBND, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bắc Ninh Nguyễn Quốc Chung cho biết, thực tế là HÐND và UBND các cấp chưa có quy định mối quan hệ rõ ràng hoặc có kế hoạch phối hợp cụ thể được ký kết thống nhất giữa hai bên để hỗ trợ nhau thực hiện những vấn đề do Ðoàn KTNN yêu cầu. Trong quá trình kiểm toán, một số vấn đề phía địa phương tham gia ý kiến hoặc đề nghị với đoàn kiểm toán mà chưa được xem xét đúng mức thì địa phương vẫn phải bị động chấp thuận bắt buộc những kế hoạch hay những kết luận của KTNN. Ðiều này làm ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng kiểm toán và đôi khi cứng nhắc, xa rời thực tế, không phù hợp với tình hình, nhiệm vụ kinh tế - xã hội đặc thù của từng địa phương. Thực tế có nhiều rào cản trong việc phối hợp giữa HÐND với KTNN như: lực lượng chuyên trách của HÐND còn ít, đa số thành viên các ban chuyên môn là đại biểu kiêm nhiệm, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giám sát về lĩnh vực ngân sách còn hạn chế, thông tin đa số lệ thuộc vào sự cung cấp của cơ quan hành pháp. Ngay cả khi sử dụng báo cáo kiểm toán để phục vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, HÐND cũng bị động và lệ thuộc vì ban kinh tế - ngân sách quá mỏng, thời gian thẩm định ngắn. Sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, kiểm toán viên của Ðoàn KTNN chưa đồng đều, một số cán bộ chưa có ý thức cao trong phối hợp với địa phương, còn chủ quan, bảo thủ, chưa đi sâu phân tích, xác minh hoặc lắng nghe phối hợp giải trình của địa phương, đơn vị nên vẫn còn xảy ra một số kết luận, kiến nghị của cơ quan kiểm toán chưa thỏa đáng, tính khả thi không cao, làm khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện kết luận, kiến nghị.  

Theo cơ quan KTNN, mối quan hệ giữa KTNN với HÐND và UBND có một số hạn chế, thể hiện: sự phối hợp giữa KTNN với HÐND và UBND chưa đồng đều giữa các địa phương mà tùy thuộc vào nhận thức về hoạt động kiểm toán của lãnh đạo từng địa phương, KTNN khu vực và đoàn kiểm toán. HÐND, UBND một mặt, chưa khai thác, sử  dụng đầy đủ các thông tin trong báo cáo kiểm toán, mặt khác, cũng chưa đưa ra yêu cầu trợ giúp cho kiểm toán để phục vụ chức năng quản lý, điều hành và giám sát của mình, còn có những lo ngại về sự chồng chéo giữa hoạt động của KTNN với giám sát của HÐND. Từ khi Luật KTNN có hiệu lực thi hành đến nay, cơ quan KTNN chưa nhận được bất kỳ yêu cầu nào của HÐND và UBND các cấp trong vấn đề kiểm toán NSÐP. Mối quan hệ giữa KTNN với HÐND và UBND thiếu tính liên tục do cơ chế cung cấp thông tin  giữa địa phương và KTNN chưa được xác lập và quy định rõ ràng. Việc xây dựng, quyết định dự toán ngân sách địa phương hầu như chưa có mối liên hệ gì  giữa HÐND, UBND với KTNN. Việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị của báo cáo kiểm toán nhìn chung còn hạn chế, chủ yếu dừng ở việc xử lý tài chính, còn xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm chưa được quan tâm đúng mức và kịp thời.  

Ðể nâng cao hiệu quả phối hợp giữa KTNN với HÐND, UBND các cấp trong hoạt động kiểm toán, theo lãnh đạo KTNN và lãnh đạo một số HÐND, UBND tỉnh, thành phố cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: Hoàn thiện các quy định của pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa KTNN với HÐND và UBND các cấp trong hoạt động kiểm toán; Sớm ban hành văn bản pháp luật quy định quy chế phối hợp giữa KTNN với HÐND, UBND trong thực hiện kiểm toán NSÐP, điều chỉnh các quan hệ phối hợp lập kế hoạch kiểm toán, hoạt động kiểm toán, trợ giúp HÐND, UBND ban hành các quyết định về tài chính, NSÐP, công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị của báo cáo kiểm toán; UBND chỉ đạo, điều hành các cơ quan quản lý tài chính tổng hợp phối hợp chặt chẽ với đoàn kiểm toán nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ số liệu, tình hình và thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra; Chỉ đạo các đơn vị thụ hưởng ngân sách tỉnh, các huyện, ban quản lý dự án thuộc kế hoạch kiểm toán của KTNN thực hiện nghiêm túc kế hoạch về thời gian, bố trí đầy đủ nhân lực, chuẩn bị đầy đủ tài liệu, số liệu và những nội dung liên quan đến cuộc kiểm toán. Có thể đề nghị kiểm toán sâu một số nội dung cần thiết, đáp ứng yêu cầu quản lý.

HÐND cung cấp thông tin về NSÐP cho KTNN khi triển khai kiểm toán tại địa phương, từ những vấn đề cơ bản đến những đặc thù của ngân sách trong niên độ kiểm toán cũng như những vấn đề bức xúc. Cung cấp kết quả giám sát trong năm để KTNN có thêm thông tin, giảm bớt thời gian thu thập bằng chứng kiểm toán. Ðịnh kỳ, trao đổi với đoàn kiểm toán để có thêm thông tin phục vụ cho việc giám sát, chú ý việc thực hiện nghị quyết của HÐND, đồng thời thực hiện giám sát hoạt động kiểm toán nhằm bảo đảm hoạt động của KTNN theo đúng quy định của pháp luật. KTNN chủ động xây dựng kế hoạch và thông báo với UBND để phối hợp thực hiện, báo cáo HÐND để phối hợp giám sát thực hiện kiểm toán. Thường xuyên trao đổi với UBND, HÐND về tiến độ kiểm toán, những vướng mắc phát sinh để kịp thời xử lý. Khi lập dự thảo báo cáo kiểm toán, ngoài việc lấy ý kiến UBND theo luật định cần lấy ý kiến tham vấn của HÐND cấp tỉnh.

Ðiều chỉnh các quy định về báo cáo quyết toán năm NSÐP. Sở tài chính lập và tổng hợp báo cáo tổng quyết toán NSÐP gửi Bộ Tài chính, KTNN trước ngày 30-6 năm sau. HÐND tỉnh phê chuẩn quyết toán NSÐP trước ngày 10-12 năm sau (trùng với thời gian HÐND tỉnh quyết định dự toán NSÐP). Như vậy sẽ tạo điều kiện cho KTNN có đủ thời gian thực hiện kiểm toán trước khi HÐND phê chuẩn quyết toán. Tăng cường kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động, chú ý kiểm toán theo các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đặc thù của địa phương. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức về tài chính, ngân sách cho đại biểu HÐND, để có am hiểu nhất định về KTNN, biết đọc và sử dụng kết quả kiểm toán trong hoạt động giám sát.

MẠNH AN

(http://www.nhandan.com.vn)