ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC KẠN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TẠI CHỢ ĐỒN

25/08/2022

Ngày 25/8, đồng chí Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn cùng đoàn công tác tiến hành giám sát tại huyện Chợ Đồn về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 535/NQ-UBTVQH ngày 12/10/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.


Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại buổi làm việc.

Huyện Chợ Đồn hiện có 10 nhà máy hoạt động khai thác, khoáng sản trên địa bàn, trong đó có 2 đơn vị đã dừng và tạm dừng hoạt động là Xưởng tuyển nổi của Công ty TNHH Việt Trung, Công ty TNHH khai khoáng Bắc Kạn. Thực hiện Nghị quyết số 535 và các quy định pháp luật về quản lý khai thác khoáng sản, nhận thức, vai trò của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện từng bước được nâng lên, nhiều vụ việc liên quan đến vận chuyển khoáng sản trái phép đã được ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Công tác quy hoạch, cấp phép, thăm dò, thanh tra, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường được các cấp, ngành quan tâm, tổ chức thực hiện đúng quy định. Trên địa bàn không xảy ra điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép gây hủy hoại môi trường.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác trái phép, vận chuyển quá tải khoáng sản vẫn xảy ra, các quy định xử lý về môi trường vẫn chưa được thực hiện triệt để. Từ năm 2013 đến nay, Tổ liên ngành của huyện đã kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển khai thác trên địa bàn được 550 lượt, thu giữ hơn 505 tấn khoáng sản, thu nộp ngân sách với số tiền hơn 3,4 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, các đơn vị liên quan đã thảo luận, làm rõ một số nội dung như: Việc khắc phục, biện pháp xử lý, khắc phục sụt lún tại khu vực mỏ Nà Tùm, xã Ngọc Phái; tình trạng ô nhiễm môi trường khói bụi từ Công ty TNHH Ngọc Linh; việc chấp hành pháp luật, phục hồi môi trường sau khai thác. Trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng tại nơi có hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản. Công tác kiểm tra môi trường hằng năm; quản lý, vận chuyển khoáng sản; hệ thống camera theo dõi, giám sát tại các điểm mỏ…

Các đơn vị đề nghị cơ quan có thẩm quyền khi được cấp đất cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản cần làm rõ ranh giới giữa đất của doanh nghiệp và đất của người dân; cần có quy hoạch vùng chế biến khoáng sản xa khu dân cư để hạn chế những tác động xấu từ môi trường; có những giải pháp quyết liệt hơn để doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường; tạo thuận lợi về các thủ tục cấp phép để nâng cao năng lực khai thác của một số nhà máy...

Đoàn giám sát tại mỏ Nà Khắt, xã Bằng Lãng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Nam.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn yêu cầu huyện, các xã, ngành chức năng làm tốt hơn vai trò quản lý nhà nước, nhất là hoạt động vận chuyển khoáng sản trên các tuyến đường giao thông nông thôn, nơi có doanh nghiệp đặt nhà máy chế biến, khai thác. Huyện cần quan tâm, chỉ đạo các xã, doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin đầy đủ về hoạt động khoáng sản, tăng cường quản lý để hoạt động khoáng sản đi vào nền nếp.

(Theo Báo điện tử Bắc Kạn)