BẮC GIANG: NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP SAU SẮP XẾP

31/08/2022

Chiều ngày 30/8/2022, Đoàn ĐBQH tỉnh giám sát tại UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2022.

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Quang cảnh buổi sát giám

Đồng chí Trần Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh - Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có các thành viên Đoàn Giám sát và đồng chí Diêm Hồng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Về phía UBND tỉnh có đồng chí Mai Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo một số sở ngành liên quan.

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh giai đoạn 2018-2022 trong việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh. Tại thời điểm 30/6/2022, tổng số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cấp, ngành và địa phương thuộc tỉnh quản lý là 858, giảm 152 đơn vị (tỷ lệ giảm là 15,05%, vượt kế hoạch đề ra 10%). Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh quản lý giảm 01 đơn vị; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở và tương đương giảm 17 đơn vị; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Chi cục giảm 33 đơn vị; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện quản lý giảm 101 đơn vị.

Đồng chí Mai Sơn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát

Số biên chế đã cắt giảm do sắp xếp tổ chức, bộ máy và thực hiên tinh giản biên chế, giai đoạn 2015-2021 là 3.960 người (đạt 10,1%). Tính riêng từ 01/01/2018 đến 30/6/2022, toàn tỉnh đã thực hiện tinh giảm được 756 biên chế sự nghiệp; giảm được 163 lãnh đạo cấp trưởng và 313 lãnh đạo cấp phó của các ĐVSNCL. Đến ngày 30/6/2022 tổng biên chế SN trên địa bàn tỉnh là 36.501 chỉ tiêu; trong đó, số người hưởng lương từ NSNN là 31.324 người, giảm 3.872 chỉ tiêu, số người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị là 5.177 người, tăng 4.968 chỉ tiêu.

Trong giai đoạn 2018-2022, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, gắn với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, do đó, sau sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, các ĐVSNCL đã từng bước có sự đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là thực hiện trách nhiệm tự chủ về tài chính.

Đồng chí Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Nội vụ phát biểu tại buổi tại sát

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát, giám sát tại UBND một số huyện, một số đơn vị sự nghiệp công lập và làm việc tại UBND tỉnh, Đoàn giám sát nhận thấy việc sắp xếp, đổi mới đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, mặc dù sau khi sắp xếp lại, tỷ lệ giảm các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tính đến nay đã đạt 15,05% (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 10%) song việc sắp xếp lại một số đơn vị sự nghiệp công lập (như trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) và chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thành công ty cổ phần còn chậm, có khó khăn, vướng mắc (đến nay mới chuyển đổi được 01/7 đơn vị). Đến nay mới có 05/10 huyện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp, Đội quản lý trật tự, giao thông, xây dựng và môi trường; song mô hình còn thiếu thống nhất, tổ chức hoạt động có một số khó khăn, bất cập. Còn một số đơn vị sự nghiệp công lập (như Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và Trung tâm Văn hóa các huyện) chưa được cơ quan có thẩm quyền (UBND huyện) ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định (do một số bộ, ngành trung ương và cơ quan chức năng của tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể, kịp thời); Tại một số đơn vị sự nghiệp công lập, việc bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo quản lý (cấp phó) dôi dư chậm, còn có trường hợp đã quá thời hạn (03 năm kể từ khi sắp xếp tổ chức, bộ máy) nhưng chưa bố trí, sắp xếp được theo quy định. Việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của nhiều đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, có khó khăn vướng mắc. Còn có đơn vị sự nghiệp công lập mới chỉ thực hiện sáp nhập về cơ học, chưa có nhiều đổi mới hoạt động sau sắp xếp, thậm chí lúng túng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Kết quả đổi mới cơ chế từ việc cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế. Việc giao thực hiện trách nhiệm tự chủ về tài chính cho các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.

Đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát phát biểu kết luận buổi giám sát

Thay mặt Đoàn Giám sát, đồng chí Trần Văn Tuấn đề nghị UBND tỉnh cần có sự chỉ đạo rà soát, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian qua trên địa bàn tỉnh. Từ đó, có các biện pháp cụ thể, nhằm phát huy những kết quả đạt được; khắc phục những hạn chế, bất cập, khó khăn tồn tại, phấn đấu thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; bảo đảm theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

UBND tỉnh có kế hoạch, phương án cụ thể đẩy mạnh việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên các lĩnh vực; thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện thành công ty cổ phần. Trước mắt, cần tập trung rà soát lại tổ chức, bộ máy của toàn bộ đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh (kể cả những đơn vị thành lập trước khi Nghị định 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực); nhất là rà soát về số lượng biên chế, số lượng và cơ cấu các đơn vị trực thuộc (các phòng), số lượng, cơ cấu lãnh đạo cấp phó của đơn vị và đơn vị trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập …; trên cơ sở đó, tiến hành sắp xếp, điều chỉnh lại cho phù hợp, bảo đảm theo đúng Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan. 

Đồng thời, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xây dựng, ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với một số đơn vị sự nghiệp công lập mới được thành lập (như các Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp và Trung tâm Văn hoá- Thể thao huyện); làm cơ sở cho các đơn vị cụ thể hoá và tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao; Chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đấy nhanh việc thành lập, phương án sắp xếp, bố trí, sử dụng cơ sở vật chất, nhất là trụ sở làm việc của các đơn vị sự nghiệp dôi dư sau sắp xếp lại. Đồng thời cần có đánh giá, chỉ đạo cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án quản lý, sử dụng tài sản công của các đơn vị sự nghiệp công lập để sử dụng vào các mục đích sản xuất, kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, góp phần nâng cao hiệu quả thu sự nghiệp của các đơn vị cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp./.

Dương Nhung