TUYÊN QUANG: TỔ CHỨC HỘI NGHỊ LẤY Ý KIẾN GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) VÀ TIẾP XÚC CỬ TRI CHUYÊN ĐỀ TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 4

13/10/2022

Sáng 12/10/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) và tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TUYÊN QUANG TIẾP XÚC CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 4 TẠI XÃ KHÂU TINH, HUYỆN NA HANG

Đồng chí Ma Thị Thúy, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh chủ trì hội nghị

Chủ trì Hội nghị gồm đồng chí Ma Thị Thúy, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV tỉnh; đồng chí Âu Thị Mai, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo Sở, ngành: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố.

Sau gần 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị; tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất đến nay một số mặt còn tồn tại, hạn chế, bất cập cần sửa đổi,bổ sung.

Bố cục của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo Luật đã thể chế các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt đã thể chế hóa 03 mục tiêu tổng quát, 06 mục tiêu cụ thể, 06 nhóm giải pháp và 08 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.

Đại biểu tham dự phát biểu ý kiến

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, cụ thể như:Đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất; Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch; Hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; Hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch; Quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển; Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương và Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Tại hội nghị có 11 lượt đại biểu phát biểu góp ý kiến vào dự thảo, cụ thể như: Đề nghị cần quy định rõ hơn về kỳ quy hoạch, tăng thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước, Hội đồng nhân dân các cấp trong phê duyệt và giám sát; xây dựng tiêu chí cụ thể để làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, khắc phục tùy tiện trong thực hiện; có chế tài khi vi phạm quy định về lập, điều chỉnh, thực hiện không đúng quy hoạch; Bổ sung thêm quy phạm pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể về hoạt động của cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính về đất đai trong giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất phải chịu trách nhiệm về tính đúng đắn của quyết định ban hành; hạn chế ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, các quy định đã rõ, đề nghị bổ sung vào dự án Luật, không nên để các điều luật chung chung, khó hiểu, dẫn đến phải hướng dẫn Luật. Các đại biểu dự Hội nghị cũng tham gia góp ý vào nội dung cụ thể tại các điều, khoản của dự Luật, đồng thời nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách về đất đai và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện hệ thống Luật để đảm bảo thực hiện có tính khả thi.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Ma Thị Thúy, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh đã ghi nhận sự nghiêm túc tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến sát thực vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị để tham gia thảo luận ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV./.

Nguyễn Hạnh