THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: TÁN THÀNH SỰ CẦN THIẾT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN

25/10/2022

Chiều 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về: Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.

 

 Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, Tổ trưởng Tổ 14 điều hành phiên thảo luận.

Tổ 14 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Phước. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, Tổ trưởng Tổ 14 điều hành phiên thảo luận.

Các đại biểu bày tỏ tán thành với việc sửa đổi Nội quy nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội trong tổng thể đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội; Khắc phục những tồn tại, bất cập của một số quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn; Nội quy hóa những cải tiến, đổi mới về công tác tổ chức và tiến hành kỳ họp Quốc hội đã được kiểm nghiệm có hiệu quả qua thực tiễn từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay để áp dụng ổn định, thống nhất.

Góp ý vào dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa Luật sau hơn 10 thi hành với những bất cập, hạn chế đã được chỉ rõ.

Đi vào nội dung cụ thể, đối với quy định về cập nhật thông tin nhận biết khách hàng tại Điều 1, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị cần xem xét lại quy định cụ thể chặt chẽ hơn để đảm bảo tính khả thi trong trường hợp đối tượng báo cáo là công ty kinh doanh trò chơi có thưởng như: casino, xổ số, đặt cược, trò chơi điện tử có thưởng. Bởi khách hàng của các công ty này thường không sử dụng dịch vụ thường xuyên, có tính tức thời nên việc cập nhật thông tin nhận biết khách hàng để thiết lập mối quan hệ, xác định nguồn gốc tài sản hay mức độ rủi ro sẽ rất khó khăn.

Bên cạnh đó, cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng tính khả thi của quy định đối tượng báo cáo phải thực hiện đánh giá rủi ro về rửa tiền tại Điều 15 và phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro thấp, trung bình, cao về rửa tiền tại khoản 1 Điều 16. Bởi căn cứ theo Điều 4 dự thảo, đối tượng báo cáo có phạm vi rộng và số lượng rất lớn nhất là đối với đối tượng là cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, điều này sẽ tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho cả đối tượng báo cáo và cơ quan quản lý nhà nước.

Đại biểu cũng cho rằng, cả dự thảo Luật cũng chưa có chế tài cho các trường hợp cố tình không tuân thủ các quy định, luật lệ về phòng chống rửa tiền. Do đó, cần bổ sung chế tài trong trường hợp các đối tượng báo cáo không báo cáo hoặc không cập nhật báo cáo kịp thời theo quy định nhằm tăng tính hiệu lực của quy định này.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn

Kinh nghiệm về pháp luật phòng, chống rửa tiền của Mỹ cho thấy, trường hợp các cá nhân cố tình không tuân thủ những quy tắc, luật lệ liên quan đến phòng, chống rửa tiền thì có thể xử lý về mặt dân sự, hoặc hình sự, tuỳ vào mức độ vi phạm nặng nhẹ. Về mặt dân sự, người vi phạm sẽ bị phạt nặng, có thể lên tới 250.000 USD. Về mặt hình sự có thể phạt tù tới 5 năm

Đối với quy định về yếu tố báo cáo gia dịch đáng ngờ, điểm a, khoản 1, điều 26, cần xem xét lại quy định này vì thời điểm thực hiện giao dịch thì đối tượng báo cáo không thể biết và không thể xác định ngay được khách hàng là bị can, bị cáo./.

Dương Dung