ĐẢM BẢO QUY ĐỊNH RÕ RÀNG, MINH BẠCH TRONG ĐẤU GIÁ BIỂN SỐ Ô TÔ

26/10/2022

Tại phiên thảo luận tại tổ 15 về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, các ý kiến đại biểu cho rằng, nhiều nội dung trong Dự thảo Nghị quyết cần được quy định rõ ràng, minh bạch hơn.

CẦN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐỂ TP BUÔN MA THUỘT THÀNH TRUNG TÂM ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC VÀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

THẢO LUẬN TỔ 2: NỘI QUY KỲ HỌP GÓP PHẦN THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI NGÀY CÀNG CHUYÊN NGHIỆP, BÀI BẢN

Tổ 15 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa

Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

Dự thảo nghị quyết đưa ra 5 chính sách. Cụ thể, chính sách 1 quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá. Quy định không đưa ra đấu giá đối với một số biển số xe như: biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của Quân đội, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Về chính sách 2, xác định giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá là mức giá thấp nhất, phù hợp với thực tiễn, theo đó xác định công thức tính chung, áp dụng thống nhất trong tất cả trường hợp đấu giá, là mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân với hệ số; Chính sách 3 quy định, trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó; Chính sách 4 quy định quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá: Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, trong đó xác định rõ các nhóm quyền và nghĩa vụ đảm bảo các quyền cơ bản cho người trúng đấu giá, đồng thời phải bảo đảm các quyền và nghĩa vụ cho người trúng đấu giá sau khi hết thời gian thí điểm; Chính sách 5 quy định sử dụng nguồn thu từ đấu giá, cụ thể số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương”.

Về giá khởi điểm của 01 biển số đưa ra đấu giá, dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể: vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh): 40.000.000 đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20.000.000 đồng.

Các đại biểu trong Tổ 

Phát biểu ý kiến về nội dung dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá đại biểu Quốc hội Lê Xuân Thân- Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà cho rằng, thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá là một phương thức tốt để thu thêm tiền cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên về phần nội dung, cơ quan soạn thảo, trình dự thảo cần làm rõ thêm nhiều vấn đề.

Đại biểu cho rằng, lúc chưa đấu giá thì biển số xe là tài sản công, nhưng khi đã đấu giá và thu tiền rồi thì biển số đó không còn là tài sản công theo quy định của Bộ Luật Dân sự. Và khi đó, cần có các quy định rõ về quyền và trách nhiệm của người sở hữu biển số xe đã thắng trong đấu giá. Họ có các quyền luân chuyển, thừa kế, biếu tặng, chuyển nhượng như thế nào, vẫn cần các quy định chi tiết hơn. Đại biểu đề nghị cần có những quy định cụ thể về vấn đề này…Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, thời hạn thí điểm Nghị quyết 3 năm là quá ngắn, cần điều chỉnh thời hạn thế điểm ở mức dài hơn.

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu rất kỹ dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Việc đấu giá biển số xe trước tiên là đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân để họ có thể sở hữu những biển số xe như mong đợi. Thứ hai mới là thu thêm ngân sách cho Nhà nước. Và dự thảo Nghị quyết mới là thí điểm, trước Việt Nam, đã có nhiều nước trên thế giới đã thực hiện đấu giá biển số xe. Trong quá trình đấu giá biển số xe có thể sẽ có những vấn đề phát sinh, nhưng chúng ta tìm những biện pháp xử lý những vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đại biểu cũng nhấn mạnh, dự thảo Nghị định được chuẩn bị khá công phu, tiếp thu nhiều ý kiến.

Tuy nhiên, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, việc phân tách giá khởi điểm trong đấu gía biển số xe ô tô tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh ở mức giá khác nhau là không cần thiết. “Tôi nhận thấy, nếu như cấp biển số ngẫu nhiên thì có thể phân ra hai mức giá khác nhau, nhưng khi đã đấu giá theo cơ chế đấu giá thì không có lý do gì để phân tách là biển số của tỉnh sẽ có giá khởi điểm thấp hơn biển của thành phố Hồ Chí Minh hay thành phố Hà Nội. Bởi vì khi đã đấu giá, tức là người ta có thể sẵn sàng trả mức tiền cao hơn so với mức tiền khi cấp biển số ngẫu nhiên. Do đó, đại biểu đề nghị thống nhất mức giá biển số ô tô ở một mức. Chúng ta có thể cũng cân nhắc hai mức giá là 40.000.000 đồng hoặc là 60.000.000 đồng hay một giá cụ thể nào đó”.

Hiện nay, có những quan điểm tranh cãi về có hay không có thị trường thứ cấp về trao đổi biển số sau khi đấu giá, tôi nhất trí với giải trình của cơ quan soạn thảo. Đây là một nghị quyết về thí điểm, nếu có mở ra một thị trường thứ cấp thì không phải không mở được. Nhưng theo đại biểu, có lẽ việc quản lý hành chính sẽ phức tạp hơn. Dó đó, tạm thời chúng ta chưa nên mở hoàn toàn thị trường thứ cấp cho việc trao đổi biển số.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng- Đoàn ĐBQH Quảng Trị cho rằng, việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá nhằm đáp ứng như cầu, nguyện vọng của người dân, đồng thời tăng thu cho ngân sách là hoàn toàn đúng. Nhưng trong quá trình đấu giá cần có các biện pháp nhằm bảo đảm tính công bằng cho người tham gia đấu giá và người sở hữu biển số khi thắng đấu giá. Mặt khác, cần xác định đây là tài sản công hay tài sản tư để có những quy định rõ ràng. Đại biểu cũng đề nghị, nên có mức giá chung giữa các tỉnh, thành phố để hài hòa với lợi ích của người dân.

Thu Phương

Các bài viết khác