THẢO LUẬN TỔ 9: CỤ THỂ HÓA CÁC CHÍNH SÁCH ĐỂ BẢO ĐẢM MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ

02/11/2022

Sáng 01/11, thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại Tổ 09 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Thừa Thiên – Huế và Lạng Sơn, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện và giữ tên Luật nhu hiện hành đồng thời nhấn mạnh làm rõ các chính sách của Nhà nước để bảo đảm khả thi, thực hiện được mục tiêu phát triển hợp tác xã làm nòng cốt cho phát triển kinh tế tập thể.

THẢO LUẬN TỔ 9: ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ HƠN NỮA, SÂU HƠN, PHÙ HỢP HƠN VỚI ĐẶC ĐIỂM ĐỊA PHƯƠNG

THẢO LUẬN TỔ 9: CẦN CHỈ RÕ NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN TRONG VIỆC CHẬM TRIỂN KHAI MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CỦA NGHỊ QUYẾT 54/2017/QH14

Thảo luận tại Tổ 09 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam, Phú Thọ, Thừa Thiên – Huế và Lạng Sơn

Tại Tổ 09 các đại biểu cơ bản thống nhất với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tên gọi của Luật. Theo đó giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã. Theo đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, tên gọi này vừa phản ánh được đúng đối tượng điều chỉnh. Tên có tính lịch sử, truyền thống và đáp ứng yêu cầu hiện nay. Đồng thời việc giữ tên gọi không làm ảnh hưởng đến các luật khác.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cũng đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Hợp tác xã. Làm rõ ý kiến này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết khái niệm hợp tác xã gắn với lịch sử phát triển của Việt Nam được sử dụng thường xuyên, đi vào thực tế cuộc sống. Tên gọi là Luật Hợp tác xã cũng bảo đảm  bao quát được được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết dự án Luật Hợp tác xã liên quan đến nhiều luật khác trong hệ thống pháp luật nên cần có danh mục để xác định những quy định của luật này liên quan đến bao nhiêu luật và xử lý mâu thuẫn chồng chéo nếu có, cũng như xác định nguyên tắc áp dụng pháp luật.

Ghi nhận về cơ bản các nội dung của Nghị quyết số 20 – NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đã được thể chế hóa trong 8 nhóm chính sách lớn trong dự thảo Luật sửa đổi này, song, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, vẫn còn những chính sách chung chung và đề nghị rà soát để bảo đảm tính cụ thể của Luật, tránh tính trạng sao chép nội dung của Nghị quyết vào Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Về một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhất trí với việc bổ sung quy định Tổ hợp tác vào Luật nhằm xác định địa vị pháp lý đồng thời đề nghị quy định cụ thể hơn về các điều kiện thành lập, điều kiện nguồn lực tài chính, tài sản quy mô hoạt động...Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng hiện chưa có đủ căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn để quy định thành lập Liên đoàn Hợp tác xã, nên chưa luật hóa mà nên thí điểm thực hiện theo đúng chủ trương. Trên cơ sở có kết quả thí điểm tiến hành đánh giá tổng kết để xem xét đưa vào luật sau. Cần có đánh giá tổng kết riêng để tập trung giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn; đồng thời cần bổ sung quy định giao hệ thống Liên minh Hợp tác xã thực hiện một số dịch vụ công trong việc hỗ trợ đổi mới nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ làm rõ việc sửa đổi Luật Hợp tác xã là rất cần thiết và hết sức quan trọng nhưng vấn đề đặt ra là sửa đổi như thế nào để tháo gỡ được khó khăn hiện hành. Trong điều kiện 70% hợp tác xã của Việt Nam là trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn là những địa bàn khó khăn, điều kiện khó khăn. Do đó rất cần các chính sách quan tâm của Nhà nước. Đối với tổ chức kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã ngoài chức năng kinh tế còn có chức năng xã hội. Đây là hai yếu tố cần phải bảo đảm trong các cơ chế, chính sách, quy định.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Cho ý kiến về các quy định về chính sách của Nhà nước, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng nội dung chính sách trong dự thảo hiện nay chưa đủ để tháo gỡ khó khăn. Do đó cần xem xét lại quy định về tiêu chí được hưởng chính sách để phù hợp với điều kiện của các hợp tác xã ở nước ta hiện nay. Tiêu chí mà quy định quá cao thì chính sách không đi vào cuộc sống, hợp tác xã không được thụ hưởng. Đại biểu cũng lưu ý một số chính sách được liệt kê nhưng thực tế khó khả thi. Dẫn chứng từ tổng kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 có chính sách ưu đãi về đất đai nhưng thực tế rất ít hợp tác xã được hưởng chính sách này. Do đó các quy định về nội dung chính sách như về tiếp cận tín dụng, giao đất, chuyển đổi…cần cụ thể để bảo đảm khả thi.

Nhấn mạnh mục tiêu phát triển hợp tác xã, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng pháp luật phải tháo gỡ được những rào cản cùng với đó là các ưu đãi. Đại biểu cho rằng cần có điều riêng để nêu rõ chính sách của Nhà nước về hợp tác xã. Trên cơ sở điều chung đó, các điều khoản sau cụ thể các nội dung chính sách. Đại biểu cũng đề nghị phân chia các chính sách thành 3 nhóm gồm nhóm chính sách định hướng phát triển cho hợp tác xã; nhóm tạo động lực cho hợp tác xã phát triển và nhóm phòng ngừa rủi ro.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam

Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Trần Thị Hiền – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết thực tế tại địa phương, các hợp tác xã vẫn rất khó khăn trong hoạt động, khó thu hút thành viên; gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn, tín dụng. Để các hợp tác xã hoạt động hiệu quả, cạnh tranh với khu vực doanh nghiệp không hề đơn giản. Điều này dẫn đến thực trạng ở một số địa phương, việc phát triển hợp tác xã còn mang tính phong trào, hình thức. “Khi thành lập, ra mắt thì khá rầm rộ nhưng sau một thời gian xuống kiểm tra thì hoạt động khá èo uột”, đại biểu Trần Thị Hiền cho biết. Trong bối cảnh đó, đại biểu Trần Thị Hiền kỳ vọng dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần khắc phục được điều này, có những quy định cụ thể để thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển, tăng đóng góp vào GDP.

Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ cảm thấy đáng tiếc là dự án Luật sửa đổi nhiều vấn đề về quyền, thủ tục, nhưng những chính sách hỗ trợ để hợp tác xã bứt phá còn mờ nhạt, chung chung. Đại biểu Trần Thị Hiền phân tích, Khoản 2, Điều 109 về Tiêu chí thực hiện chính sách, quy định: Ưu tiên cho tổ chức kinh tế hợp tác có nhiều thành viên là người khuyết tật hơn; có nhiều thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số hơn; có phụ nữ làm quản lý, có nhiều thành viên là nữ hoặc sử dụng nhiều lao động nữ; hoạt động thuộc địa bàn kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn theo quy định của nhà nước… Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không quy định các chính sách ưu đãi đối với những tổ chức kinh tế hợp tác theo tiêu chí này, cũng không giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Như vậy sẽ khó thực hiện. 

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ:

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận

Đại biểu Nguyễn Hải Nam - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Các đại biểu tại phiên thảo luận Tổ

Bảo Yến - Phạm Thắng