THẢO LUẬN TỔ 10: LÀM RÕ NHỮNG THÀNH TỐ CỦA HOẠT ĐỘNG GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

02/11/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 02/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Tại tổ 10, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần làm rõ những thành tố của hoạt động giao dục điện tử để đảm bảo tính rõ ràng, cụ thể của dự án Luật.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: KHUYẾN KHÍCH CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC THÀNH LẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Toàn cảnh phiên họp tại tổ 10

Tổ 10 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Lào Cai.

Tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, góp phần ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch, tiết giảm các chi phí về giấy tờ, in ấn, nhân công, thời gian đi lại, công chứng, chứng thực… của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.

Một số ý kiến cho rằng, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) chỉ quy định những nguyên tắc chung cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn việc giao dịch trực tiếp, truyền thống thì vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Do đó, các đại biểu đề nghị cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lưu ý, cần tránh phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết đối với việc thực hiện các giao dịch điện tử, làm mất đi lợi thế của loại hình giao dich này, là tính đơn giản, thân thiện, thuận lợi, chính xác, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, cần quy định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử để tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định pháp luật về giao dịch điện tử; quy định rõ hơn trách nhiệm, công tác phối hợp của các cơ quan chức năng.

Các đại biểu cũng lưu ý, trong sửa đổi Luật Giao dịch điện tử cần có các quy định về nôi dung bảo mật thông tin cho cá nhân, chữ ký số... bảo đảm các giao dịch mang tính an toàn, tin cậy, tránh lộ lọt, sai lệch thông tin... Thêm vào đó, cần có quy định về phân loại dữ liệu cá nhân, chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới, ra nước ngoài, biện pháp bảo vệ với từng phương thức giao dịch để bảo đảm vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, bố cục của dự thảo Luật còn chưa cân đối và hợp lý, số điều của các chương còn chênh lệch, cụ thể có Chương chỉ có 2 Điều, nhưng có Chương lên tới 15 Điều. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để bố cục giữa các chương được hợp lý hơn, cụ thể, Chương I về giao dịch, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử cần bố cục lại thành 2 mục, mục 1 về giao tiếp điện tử, mục 2 về hợp đồng điện tử.

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng cho biết, dự thảo Luật hiện tại gồm 57 Điều, trong đó có 12 Điều giao Chính phủ và một số cơ quan quy định hoặc hướng dẫn thực hiện, tỷ lệ chiếm tới 21% số điều. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu những nội dung đã rõ thì cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật để đảm bảo tính minh bạch, công khai của văn bản Luật. Điều 3 trong dự thảo Luật, về giải thích từ ngữ có quy định, giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hoat động này có những thành tố cơ bản là gì, cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn.

Đối với Điều 17 về thời điểm, địa điểm gửi thông điệp dữ liệu, đại biểu Nguyễn Thị Xuân- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị cần làm rõ, việc nhận dữ liệu vào hệ thống thông tin thì cần nêu rõ hệ thống thông tin nào, do ai quản lý, thông tin đó cụ thể là gì và được nhập theo phương thức như thế nào.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tham gia phát biểu

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng cho biết, khoản 2 Điều 27 về sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng có quy định: Tổ chức sử dụng chữ ký điện tử dùng riêng phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn. Đại biểu đề nghị lược bỏ quy định này, tránh gây cản trở hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức, đồng thời, cần làm rõ nội hàm của dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật.

Quan tâm đến phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Lê Ngọc Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động kỹ hơn, mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật đến tất cả các hoạt động đời sống của xã hội để bảo đảm tính khả thi và bảo đảm an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử.

Thêm vào đó, đại biểu Lê Ngọc Hải cùng các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu, loại bỏ tối đa sự trùng lập, chồng chéo nếu có giữa dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với các luật khác như Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Viễn thông, Bộ luật hình sự cũng như dự luật có liên quan. Đánh giá sự tương thích của dự Luật giao dịch điện tử sửa đối với các luật khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm của các bộ luật tương tự của các nước phát triển với điều kiện kinh tế xã hội tương đồng như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản để có quy định, điều chỉnh phù hợp.

Tại Điều 7 dự thảo luật quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản quy định Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã trong hoạt động giao dịch điện tử, quản lý cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ trong các hoạt động công vụ.

Tại phiên họp tổ này, các đại biểu cũng tham gia thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp

Đại biểu Đặng Xuân Phong- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai điều hành nội dung thảo luận

Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tại phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, bố cục của dự thảo Luật còn chưa cân đối và hợp lý, số điều của các chương còn chênh lệch. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu để bố cục giữa các chương được hợp lý hơn

Đại biểu Lê Minh Nam- Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp

Tại phiên họp tổ này, các đại biểu cũng tham gia thảo luận về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)./.

Minh Hùng - Nghĩa Đức