THẢO LUẬN TẠI TỔ 10: KHUYẾN KHÍCH CÁC TỔ CHỨC KINH TẾ HỢP TÁC THÀNH LẬP TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ
Toàn cảnh phiên họp tại tổ 10
Tại phiên thảo luận, đa số cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Các đại biểu cũng cho rằng, sau gần 10 năm thi hành, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, làm kìm hãm sự phát triển kinh tế- xã hội, do vậy, cần sửa đổi toàn diện Luật Đất đai để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về loại tài nguyên quan trọng này, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai.
Một số ý kiến đề nghị xây dựng dự án Luật cần thể chế hóa đầy đủ 08 nhóm nội dung về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW; cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và đã có quyết sách của Trung ương.
Các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai cần khắc phục được các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, tính kế thừa trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, doanh nghiệp, người dân; không đưa vào Luật những vấn đề phát sinh trong thực tiễn nhưng mang tính sự vụ, nhỏ lẻ; nêu cao tinh thần thực hiện phòng, chống tiêu cực trong xây dựng chính sách, pháp luật.
Các đại biểu tại phiên họp
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này có 245 Điều, nhưng có tới hơn 60 Điều giao Chính phủ, các Bộ, ngành quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thực hiện. Các đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể những vấn đề đã rõ để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong văn bản pháp luật.
Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết để khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ, nội dung này chưa được làm rõ, còn trùng nội dung giữa sự cần thiết sửa đổi Luật với căn cứ thực tiễn, căn cứ chính trị, pháp lý. Đại biểu đề nghị cần rà soát, nghiên cứu thêm để làm rõ nét nội dung về sự cần thiết xây dựng Luật trong Tờ trình.
Đại biểu Trần Văn Tiến cũng cho biết, có 112 luật, bộ luật có quy định liên quan về đất đai, trong đó có những trường hợp xuất hiện chồng chéo, mâu thuẫn. Do vậy, trong quá trình soạn thảo cần bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa dự thảo Luật Đất đai và các dự thảo luật khác có liên quan. Đại biểu đặt vấn đề, có nên ban hành Luật sửa đổi điều khoản của các Luật có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn hay không, vì nếu không có sự thay đổi toàn diện và đồng bộ sẽ dẫn tới khó khăn trong áp dụng, thi hành sau khi Luật được ban hành.
Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Tiến cũng nêu rõ, Điều 32 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác.” Đại biểu cho rằng đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng thuộc quyền sở hữu của nhân dân, tuy nhiên, trong dự thảo Luật lần này chỉ thể hiện rõ quyền sử dụng, chưa làm đậm nét quyền sở hữu đất đai của người dân. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để làm rõ nội dung này.
Về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, các đại biểu cho rằng, việc Nhà nước tiến hành thu hồi đất cho các dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở là không hợp lý, cần nghiên cứu, rà soát kỹ. Về Điều 95 quy định việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, các đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ điều kiện cần thiết về mặt kỹ thuật trước khi ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến tại phiên họp
Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Chính phủ đã tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nghị quyết 18/NQ-TW của Trung ương đã đưa ra những giải pháp cụ thể để sửa đổi Luật Đất đai, việc sửa đổi luật có tác động trực tiếp đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này vẫn chưa thể hiện được những chính sách mới như yêu cầu của Nghị quyết 18, trong báo cáo cũng chưa nêu được những bất cập của Luật Đất đai năm 2013. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần rà soát, nghiên cứu để đảm bảo các quy định trong dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và các Luật khác trong hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, việc sửa đổi Luật Đất đai cần đảm bảo tiết giảm các thủ tục hành chính, làm rõ phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quản lý đất đai, trong công tác thanh tra, kiểm tra, tránh để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách về đất đai.
Để hoàn thiện dự án Luật này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu mở rộng phạm vi lấy ý kiến nhân dân, đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình lấy ý kiến. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, không nên dùng cụm từ “giải phóng mặt bằng”, mà nên dùng cụm từ “bồi thường tái định cư” cho thống nhất với các Điều, khoản của Nghị quyết 18/NQ-TW.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị cần chuẩn hóa quy định về đấu giá sử dụng đất, tránh xảy ra xung đột pháp luật với quy định của các luật khác, đồng thời, cần hoàn thiện các bước quy trình thu hồi đất, bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, một số nội dung của Nghị quyết số 18 chưa được thể hiện cụ thể trong dự thảo Luật. Cụ thể, Nghị quyết số 18 nêu giải pháp là quy định cụ thể hơ về mục đích, phạm vi, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Tuy nhiên, Điều 86 của dự thảo Luật còn có những điểm chưa rõ ràng, định nghĩa “dự án phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” còn có phạm vi rộng, nhiều định tính, chưa quy định tiêu chí rõ ràng, chưa phân biệt rõ sự khác biệt giữa các dự án này với các dự án với mục đích kinh tế đơn thuần, trực tiếp. Đại biểu đề nghị cần làm rõ các nội dung này, đảm bảo thể hiện rõ nội dung của Nghị quyết số 18.
Ngoài ra, đối với vấn đề thông báo thu hồi đất và chấp hành quyết định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, khoản 2 Điều 91 của dự thảo Luật quy định, trường hợp người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất. Các đại biểu đề nghị cần phải làm rõ, người sử dụng đất đồng ý thì đồng ý qua văn bản, hay lời nói, hay qua hình thức nào.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Quang cảnh phiên họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai tại phiên họp
Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk tại phiên họp
Quan tâm đến vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đại biểu Lê Tiến Châu, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị quy định kéo dài thêm về thời gian, cần quy định cụ thể các hình thức xử phạt, lý do xử phạt để thu hồi đất
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, việc sửa đổi Luật Đất đai cần đảm bảo tiết giảm các thủ tục hành chính, làm rõ phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quản lý đất đai, trong công tác thanh tra, kiểm tra, tránh để xảy ra tình trạng tham nhũng chính sách về đất đai.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cho rằng cần sửa đổi toàn diện Luật Đất đai để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về loại tài nguyên quan trọng này
Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung quan trọng trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi)./.