DẤU ẤN NGHỊ TRƯỜNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH NINH BÌNH

17/11/2022

Sau 21 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm, kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình với tinh thần trách nhiệm cao tiếp tục có những đóng góp quan trọng góp phần vào thành công của kỳ họp cũng như sự đổi mới của Quốc hội. Điều này cũng làm nên những dấu ấn của Đoàn ĐBQH tỉnh với Quốc hội và cử tri.

TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ THANH TIẾP XÚC CỬ TRI HUYỆN KIM SƠN, NINH BÌNH

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quang Đông

Tại kỳ họp, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân cả nước nói chung và nhân dân tỉnh Ninh Bình nói riêng, các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã tập trung trí tuệ, tâm huyết và tích cực tham gia đầy đủ các nội dung của kỳ họp. Trong tất cả các phiên thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội tỉnh đều tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện các dự án luật cũng như các nghị quyết, kế hoạch, đề án. Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã nghiên cứu, chuẩn bị 38 lượt ý kiến phát biểu tham gia thảo luận đóng góp vào các dự án luật, nghị quyết, thảo luận báo cáo tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước cùng nhiều nội dung khác (trong đó có 31 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại tổ; có 7 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại hội trường; 4 lượt đăng ký phát biểu ý kiến nhưng không còn thời gian, các vị đại biểu đã gửi văn bản đến Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp). Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tập trung vào nguyên tắc, mục tiêu, những quan điểm lớn, chính sách quan trọng; phân tích thấu đáo các tác động của chính sách và các nội dung cụ thể của các điều, khoản trong từng dự án luật, nghị quyết… 

Thực hiện quyền giám sát tối cao, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã chất vấn trực tiếp tại hội trường đối với Tổng Thanh tra Chính phủ; có 4 lượt đăng ký chất vấn nhưng không đến lượt, các vị đại biểu Quốc hội đã gửi câu hỏi chất vấn bằng văn bản đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. 

Đặc biệt, các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong truyền tải ý kiến, kiến nghị tâm huyết của cử tri tỉnh Ninh Bình đến Quốc hội. Một trong những bất cập mà cử tri Ninh Bình đã nhiều lần kiến nghị và đã được đại biểu Quốc hội đề cập ngay tại nghị trường Quốc hội khi thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đó là vấn đề bảo vệ di sản gắn với bảo đảm đời sống dân sinh. Trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thành Công đã dẫn chứng về việc hiện nay trong vùng lõi Quần thể Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An có tới 14.000 người dân sinh sống, là những gia đình sinh sống lâu đời từ trước khi di sản được công nhận. Đây là nét đặc biệt của Di sản nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với tỉnh Ninh Bình trong việc bảo tồn, gìn giữ tính nguyên vẹn của Di sản. Bởi thực tế, rất nhiều hộ gia đình có nhu cầu về việc sửa chữa nhà cửa hoặc có nhu cầu về đất ở khi con cái trưởng thành. Tuy nhiên, địa phương muốn giải quyết những nhu cầu chính đáng này của nhân dân hay muốn di dời các hộ dân ra khỏi vùng Di sản thì gặp khó khăn do còn thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định cụ thể hơn về việc sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trong khu vực Di sản cũng như bổ sung quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân trong trường hợp phải di dời ra khỏi khu vực Di sản. 

Ông Đỗ Phú Tú ở thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư) bày tỏ tâm đắc: Qua theo dõi kỳ họp Quốc hội, tôi rất phấn khởi vì những kiến nghị của cử tri về bất cập trong triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2013 đã được Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tiếp thu, các đại biểu đã làm tròn lời hứa chuyển tải các kiến nghị của cử tri tới Quốc hội. Tôi hy vọng từ thực tế quản lý di sản ở Ninh Bình và với những kiến nghị của đại biểu Quốc hội, các cơ quan xây dựng dự thảo Luật sẽ tiếp thu, bổ sung để hoàn chỉnh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) qua đó góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo đời sống nhân dân. 

Ngoài việc tham gia các hoạt động chính trong nội dung kỳ họp thứ tư, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình còn dành thời gian tham dự các hoạt động khác như: tham dự các phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội mà các vị đại biểu là thành viên (Ủy ban Các vấn đề xã hội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế). Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tranh thủ trao đổi, làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương để kiến nghị, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cũng như sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ngành; trao đổi kinh nghiệm với một số địa phương để thúc đẩy việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Để có những hoạt động thiết thực đóng góp vào thành công của kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV, trước đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tổ chức tiếp xúc với cử tri để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Đối với những ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, Đoàn đã chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng thời, Đoàn tổ chức nhiều hội nghị và làm việc trực tiếp với các ngành hữu quan của tỉnh để lấy ý kiến đóng góp xây dựng các dự án luật được thông qua và cho ý kiến tại kỳ họp. Đặc biệt, Đoàn đã đẩy mạnh việc lấy ý kiến chuyên gia tham gia vào những nội dung quan trọng của các dự án Luật, có ảnh hưởng rộng đến nhiều tầng lớp nhân dân để làm cơ sở cho các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia phát biểu ý kiến tại kỳ họp. 

Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV thành công tốt đẹp. Sự tham gia đóng góp tích cực của các đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, được Quốc hội, cử tri ghi nhận, đánh giá cao, tăng thêm niềm tin của cử tri đối với hoạt động của Quốc hội.

(Theo Báo điện tử Ninh Bình)