THẢO LUẬN TẠI TỔ 14: BĂN KHOĂN VỀ CHẤT LƯỢNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ QUỐC GIA

06/01/2023

Sáng nay (06/01), Quốc hội thảo luận tại Tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thảo luận tại tổ 14 gồm các tỉnh: Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Phước, nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ băn khoăn về chất lượng quy hoạch tổng thể quốc gia.

 

Toàn cảnh buổi họp Tổ 14 về Quy hoạch tổng thể quốc gia

Đại biểu Trịnh Xuân An đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, về nguồn để làm quy hoạch, chúng ta có Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021-2030, các Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội 5 năm; 6 Nghị quyết phát triển vùng mà Bộ chính trị triển khai, các quy hoạch ngành, lĩnh vực… như vậy đầu vào rất đa dạng.

Theo đại biểu, nếu không xác định được phương pháp, cách thức để chọn lọc các định hướng lớn, đưa các nội dung nào vào bản Quy hoạch quốc gia thì sẽ dễ dẫn tới Quy hoạch tổng thể Quốc gia biến thành “báo cáo tổng hợp” về phát triển quốc gia. “Cộng cơ học mà không tính toán thận trọng, sẽ dẫn đến vênh với các chỉ tiêu, vênh với các định hướng mà các Nghị quyết khác, văn bản khác. Cho nên cần phải đánh giá lại hết sức cẩn trọng phương pháp làm”, đại biểu An nhận định.

Đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị quy hoạch không gian biển phải thể hiện rõ chủ quyền lãnh thổ

Cũng theo đại biểu An, về định hướng không gian biển trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, hiện nay, chúng ta xác định Việt Nam là một quốc gia về biển, một cường quốc về biển thì không gian biển, bờ biển, đảo cần phải được quy hoạch, định hướng tốt để mở rộng không gian phát triển. Làm rõ mối tương quan về định hướng không gian biển với phát triển kinh tế biển.

“Ở đây chúng ta mới nói về biển Việt Nam thôi, chúng ta có cả các đảo. Nhưng nếu chúng ta có nghị quyết của Bộ chính trị về kinh tế biển thì chúng ta phải xác định kinh tế biển ở đây nó thế nào, nó gắn với nội dung không gian biển trong này. Mà kinh tế biển không phải chỉ của vùng Việt Nam mà phải vươn ra, gắn kết với quốc tế như thế nào thì chưa thấy.  Đồng thời đã nói không gian biển của Việt Nam phải thể hiện đầy đủ các yếu tố cấu thành….bản đồ quy hoạch phải thể hiện rất rõ chủ quyền, đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, đại biểu An nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Thị Vân, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Vân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh lo ngại, đối với các quy hoạch cấp thấp hơn, như quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt trước đó sau này sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch vùng, quốc gia được phê duyệt sau. Tuy nhiên tại khoản 2, Điều 54 của Luật quy hoạch quy định trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như làm mới đối với việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch lập mới, không quy định riêng việc điều chỉnh cục bộ.

Theo đại biểu như vậy là mất rất nhiều thời gian. Không những thế, khi điều chỉnh quy hoạch sẽ phá vỡ, dịch chuyển các quy hoạch khác khi tích hợp.

Đồng quan điểm đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đặt vấn đề “ sẽ xử lý như thế nào đối với những nội dung đã được thông qua trước đó? nếu trái với quy hoạch quốc gia thì gần như phải làm lại, trong khi nhiều địa phương đã trình quy hoạch với Thủ tướng? sẽ rất tốn kém về tiền bạc.Cơ quan nào? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia làm không đầy đủ sẽ khiến cho các quy hoạch khác ở cấp thấp hơn khó mà thực hiện, điều này đồng nghĩa “chúng ta tự lấy dây trói mình”.

Đại biểu Cường băn khoăn “Quy hoạch quốc gia buộc phải có để cho các tỉnh theo nhưng nếu làm quá nhanh không lường hết được thì liệu mai mốt có gây vướng cho cho các tỉnh hay không. Đề nghị phải cân nhắc hết sức thận trọng vấn đề đó.”

Về định hướng và phân bố không gian phát triển nông nghiệp trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị, bên cạnh các định hướng Báo cáo đưa ra, cần bổ sung đẩy mạnh hình thành các chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Theo đại biểu, hiện cả nước mới chỉ có 20,3%  số doanh nghiệp nông nghiệp có thực hiện liên kết chuỗi; 35,5% tổng số hợp tác xã nông, lâm, thủy sản có liên kết với doanh nghiệp, nông dân và HTX khác. Giá trị sản xuất thông qua chuỗi chỉ chiếm khoảng 20% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm thủy sản. Những con số này, khiến chúng ta cần phải nhìn nhận, xây dựng kế hoạch, chiến lược bài bản, đồng bộ và quyết liệt hơn trong tương lai mới có thể phát triển nền nông nghiệp hiện đại theo đúng mục tiêu đề ra. Cùng với đó, cần bố trí không gian phát triển nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng công nghiệp để góp phần gắn kết giữa sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ, xuất khẩu tránh tình trạng ùn ứ giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. 

Dương Dung