PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN CHUYÊN TRÁCH ĐOÀN ĐBQH TỈNH TUYÊN QUANG MA THỊ THUÝ: ĐỒNG HÀNH, TRÁCH NHIỆM, TÍCH CỰC, KỊP THỜI CHUYỂN TẢI TÂM NGUYỆN CỦA CỬ TRI, NHÂN DÂN ĐẾN QUỐC HỘI
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy dự hội nghị.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm có 16 chương, 236 điều. So với Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật đã được đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai; dự thảo Luật cũng đã hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; xây dựng các quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất, bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với giám sát, kiểm soát quyền lực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...
Sau khi nghe đồng chí Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Tuyên Quang báo cáo những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), những nội dung trọng tâm xin ý kiến góp ý. Các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật, đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung, làm rõ một số nội dung như: Nghiên cứu, có những quy định, cơ chế cụ thể để quản lý, sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất có mặt nước là ao, hồ, đầm và đất bãi bồi ven sông, ven biển; bổ sung quy định về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cấp nhiều thửa đất nhưng chỉ cấp sai 01 hoặc vài thửa đất, GCNQSDĐ đã cấp có sai sót nhưng người sử dụng đất đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất; quy định Tổ chức phát triển quỹ đất thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện vì việc thực hiện theo mô hình trên đã và đang mang lại hiệu quả hoạt động trong công tác giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất tại địa phương; bổ sung quy định điều tiết lợi ích từ đất, vì hiện nay chính sách pháp luật đất đai của nước ta chưa có quy định nào điều tiết được địa tô chênh lệch; bổ sung mốc thời gian sử dụng đất để được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì theo quy định tại các điều khác việc sử dụng đất sau ngày 01/7/2004 là không đủ điều kiện để cấp GCNQSD đất; đề nghị bỏ cụm từ “sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp” tại khoản 3 Điều 146 do tại Nghị định số 148/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ đã quy định trường hợp người sử dụng đất hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ phát hiện GCNQSDĐ đã cấp không đúng quy định thì kiểm tra lại và quyết định thu hồi đất mà không cần kết luận của cơ quan thanh tra...
Đồng chí Ma Thị Thúy khẳng định, dự thảo Luật Đất đai là rất quan trọng. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo Luật nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; góp phần thực hiện tốt hơn việc quản lý và sử dụng đất; giải quyết những bất cập trong chính sách quản lý đất đai. Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền xã, phường trên địa bàn thành phố tập trung tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý của nhân dân vào dự thảo Luật, đảm bảo thời gian quy định.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Nho, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang khẳng định, dự thảo Luật Đất đai là dự thảo rất quan trọng, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân; góp phần thực hiện tốt hơn việc quản lý và sử dụng đất; giải quyết những bất cập trong chính sách quản lý đất đai. Đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền cấp xã, phường trên địa bàn thành phố tập trung tổ chức các hội nghị lấy ý kiến góp ý của Nhân dân vào dự thảo Luật, đảm bảo thời gian quy định./.