ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIÁM SÁT PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG NHÀ MÁY THỦY ĐIỆN A LƯỚI

15/03/2023

Ngày 15/3, tiếp tục thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh do Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Nguyễn Thị Sửu đã có buổi làm việc với Nhà máy thủy điện A Lưới.

ĐOÀN GIÁM SÁT ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ: PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO PHẢI GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG                             

Nhà máy thủy điện A Lưới 

Nhà máy thủy điện A Lưới là công trình do Công ty cổ phần thủy điện miền Trung làm chủ đầu tư, nằm trên sông A Sáp của huyện A Lưới, chính thức vận hành phát điện vào năm 2012. Với tổng công suất lắp máy là 170MW, sản lượng điện trung bình hàng năm gần 750 triệu KW/h.

Ngoài nhiệm vụ phát điện nhà máy còn góp phần tăng lưu lượng nước cho hệ thống sông Bồ - sông Hương vào mùa khô hạn, bổ sung nước làm gia tăng điện năng cho nhà máy thủy điện Hương Điền. Trong giai đoạn 2016-2021, đơn vị đã tích cực đóng góp vào ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế hơn 753 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị Công ty Cổ phần thủy điện miền Trung đánh giá đầy đủ 2 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước vào năm 2014 và 2021. Dù chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hạ du cũng như vận hành an toàn hồ đập nhưng sự cố là bài học kinh nghiệm sâu sắc để ứng phó với thảm họa, nhất là công trình có vai trò quan trọng như Nhà máy thủy điện A Lưới.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế làm việc với nhà máy thủy điện A Lưới

“Ngay sau khi xảy ra sự cố, chúng tôi đã mời đơn vị tư vấn giám sát đánh giá đầy đủ hiện trạng cũng như các kịch bản, phương án ứng phó trong tương lai. Hiện nay nhà máy đang vận hành đảm bảo an toàn hồ đập cũng như hạ du, mọi việc đều có thể giám sát từ xa qua internet”, ông Trương Công Giới, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần thủy điện miền Trung khẳng định.

Công ty Cổ phần thủy điện miền Trung cũng kiến nghị chính quyền huyện A Lưới sớm xử lý tình trạng người dân xây nhà trái phép trong khu vực đất bán ngập lòng hồ thủy điện. Hiện nay, UBND huyện A Lưới đang chỉ đạo các phòng chức năng, phối hợp với Công ty củng cố hồ sơ, vận động người dân tự tháo dỡ, di dời.

Đoàn giám sát đánh giá cao Nhà máy thủy điện A Lưới là điểm sáng trong phát triển năng lượng cũng như đóng góp ngân sách địa phương. Đồng thời lưu ý chủ đầu tư cần nghiên cứu phát triển thêm các loại hình năng lượng khác khi dư địa dành cho thủy điện đã bão hòa như: điện gió, điện khí.

Đoàn giám sát cũng đề nghị đơn vị tiếp tục bố trí nguồn lực, hỗ trợ chính quyền địa phương giúp đỡ các hộ dân tái định cư phục vụ thi công dự án thủy điện A Lưới .

“Hơn 100 hộ dân đã di dời đến các khu tái định cư, đời sống bà con vẫn khó khăn. Chúng tôi mong muốn với trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp, đơn vị tiếp tục hỗ trợ để chung tay với huyện. Đây vừa là trách nhiệm của đơn vị đóng chân trên địa bàn, vừa là nỗ lực làm tốt công tác an sinh xã hội, qua đó tạo sự đồng thuận của người dân đối với quá trình hoạt động của nhà máy”, bà Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.

Tiểu Bảo