ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH LẤY Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀO DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Các đồng chí: Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh; Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam đã tiếp xúc cử tri các huyện Nghĩa Hưng, Nam Trực. Các đồng chí: Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam; Trần Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) đã tiếp xúc cử tri huyện Giao Thủy, Trực Ninh. Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nam Định dự buổi tiếp xúc cử tri thành phố Nam Định; tham dự các buổi tiếp xúc cử tri có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh và các huyện, thành phố.
Các đồng chí: Lê Khánh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định; Nguyễn Thị Thúy Ngọc, Chánh Văn phòng Hội LHPN tỉnh tiếp xúc cử tri thành phố Nam Định.
Tại các điểm tiếp xúc cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đã thông báo tới cử tri về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; kết quả và hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đến nay và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; trả lời của các bộ, ngành Trung ương đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Nam Định tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV dự kiến họp tập trung tại Nhà Quốc hội (Thủ đô Hà Nội) khai mạc vào ngày 22-5-2023 và bế mạc vào ngày 23-6-2023. Kỳ họp sẽ xem xét thông qua 8 dự án Luật, 2 dự thảo Nghị quyết, cho ý kiến 8 dự án Luật, đồng thời xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát; chất vấn và trả lời chất vấn về những vấn đề được cử tri quan tâm và một số nội dung quan trọng khác.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri các địa phương bày tỏ sự đồng tình với các chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Cử tri trong tỉnh ghi nhận tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm của Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định chuyển tải đầy đủ kiến nghị của cử tri trong tỉnh tới Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền và mong muốn ĐBQH tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của mình tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV. Đồng thời kiến nghị về những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương.
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Nghĩa Hưng.
Cử tri thành phố Nam Định đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rà soát, tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ trên địa bàn thành phố Nam Định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay bởi thành phố có nhiều khu dân cư nằm trên bãi sông đã tồn tại từ nhiều năm nay như: xã Nam Phong có khu dân cư ngoài đê hữu Hồng (K164+756 – K167+294), tả Đào (K0+900 – K2+375); phường Cửa Nam có khu dân cư ngoài đê tả Đào (K2+375- K4+400); phường Trần Tế Xương có khu dân cư ngoài đê hữu Đào (K0– K1+250)… Ngoài ra trên địa bàn thành phố Nam Định còn nhiều khu vực bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng nhưng trong Phụ lục V của Quyết định 257 chỉ thống kê 2 khu vực là bối Phụ Long xã Nam Phong (K165+200 hữu Hồng – K0+900 tả Đào) và khu vực Vấn Khẩu phường Cửa Nam (K3+100 – K5+000). Nhưng hiện tại mới chỉ có 2 khu vực dân cư được thống kê là khu vực dân cư đê hữu sông Đào phường Trần Quang Khải (K3+900 – K6) và khu vực Phụ Long đê hữu sông Hồng và tả sông Đào xã Nam Phong (K165+200 hữu Hồng – K0+900 tả. Việc thống kê thiếu các khu vực dân cư này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các hộ dân và chính quyền địa phương trong công tác cấp phép cải tạo, xây dựng công trình nhà ở.
Đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri thành phố Nam Định.
Cử tri huyện Ý Yên kiến nghị gửi nhiều vấn đề liên quan đến: Sản xuất nông nghiệp; giao thông; tài nguyên môi trường và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức xã, cán bộ thôn, xóm… Về lĩnh vực nông nghiệp cử tri đề nghị Quốc hội có những quyết sách hỗ trợ cho người nông dân để kích cầu sản xuất bởi thời gian qua giá vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người sản xuất và chăn nuôi, khiến người dân không mặn mà gắn bó với đồng ruộng và đặc biệt là chăn nuôi gia súc, gia cầm. Lĩnh vực tài nguyên môi trường, cử tri đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật Đất đai sửa đổi để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, đặc biệt là những địa phương có những dự án chuẩn bị phải thu hồi đất phục vụ cho xây dựng các khu và cụm công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để nhân dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Trong lĩnh vực giao thông, cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Bến mới, cầu Đống Cao; quan tâm hỗ trợ kinh phí xây mới hoặc sửa chữa các công trình đường giao thông, cầu qua sông đã xuống cấp nghiêm trọng; giải tỏa hành lang an toàn giao thông và lắp đặt biển báo, hệ thống giảm tốc ở một số trọng điểm thường xảy ra tai nạn giao thông trên địa bàn huyện. Về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, cử tri đề nghị cần luân chuyển vị trí công tác đối với cán bộ, công chức đảm bảo phù hợp; quan tâm hơn nữa về chính sách đãi ngộ, tăng tỷ lệ hưởng BHXH khi cán bộ, công chức xã đến tuổi được nghỉ chế độ theo quy định. Nâng mức hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động chung; phụ cấp của chi hội trưởng các đoàn thể ở thôn, xóm để phù hợp với quy mô dân số, địa bàn sau khi sáp nhập. Quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trạm y tế cấp xã đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, nhất là dịch COVID-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Các đồng chí: Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam; Trần Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định) tiếp xúc cử tri huyện Giao Thủy.
Cử tri xã Giao Yến (Giao Thủy) nêu ý kiến, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn tại địa phương, xã hiện đang triển khai xây dựng một số công trình như trường học, trụ sở Đảng uỷ, UBND. Xã đã làm hồ sơ thi công, mời các đơn vị tư vấn thiết kế về hỗ trợ địa phương. Trong phương án thiết kế kỹ thuật yêu cầu thẩm định, thẩm duyệt hồ sơ của xã phải có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, các quy trình để đề xuất, thiết kế hệ thống này đang gặp nhiều vướng mắc, dẫn đến chưa thể hoàn thiện hồ sơ thi công, gây chậm trễ trong triển khai đầu tư công, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của địa phương. Cử tri đề nghị Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền có các quy định cụ thể với các công trình cần hệ thống phòng cháy chữa cháy; hỗ trợ địa phương hoàn thiện hồ sơ thi công để tránh vướng mắc, sai phạm.
Cử tri huyện Trực Ninh đề nghị các cấp, ngành giải quyết chế độ chính sách cho người tham gia điều trị cho bệnh nhân bị COVID-19 tại cộng đồng; cân nhắc triển khai mô hình bệnh viện tuyến huyện đa chức năng phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương; tổ chức lại hoạt động cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn để nâng cao vai trò khám, điều trị bệnh cho nhân dân từ cơ sở. Lĩnh vực an sinh xã hội, cử tri trong huyện kiến nghị hạ độ tuổi được hưởng chế độ người cao tuổi xuống 75 tuổi vì còn nhiều người già có đời sống khó khăn; nâng cao mức cho vay nước sạch để các hộ gia đình có điều kiện xây, sửa công trình vệ sinh, nâng cao chất lượng cuộc sống; có các chính sách mới, hiệu quả để hỗ trợ nông dân về vốn, giống cây trồng, vật nuôi trong quá trình sản xuất. Đồng thời các cơ quan chức năng có các biện pháp giám sát hoạt động xử lý nước thải của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp tránh gây ô nhiễm; xây thêm các bãi xử lý và lò đốt rác thải.
Quang cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri ở huyện Trực Ninh.
Cử tri huyện Nghĩa Hưng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, Lào sau năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc bị mất giấy tờ gốc, chỉ có xác nhận của Ban CHQS huyện về thời gian, đơn vị công tác. Sau khi thực hiện đề án sáp nhập cấp xã, các hạng mục trụ sở làm việc, nhà văn hóa xóm không còn sử dụng hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, Nhà nước cần sớm có hướng dẫn xử lý tránh lãng phí đất công cũng như tài sản công. Đề nghị Nhà nước cần có chính sách mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu, Luật Nghĩa vụ quân sự.
Cử tri huyện Nam Trực đề nghị Nhà nước và các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ cần hỗ trợ cải thiện về nhà ở; hướng dẫn hoặc có biện pháp để các xã sử dụng số tiền 50% hỗ trợ sử dụng đất trồng lúa đang còn tồn đọng chưa giải ngân được; mở rộng đối tượng vay vốn cho học sinh, sinh viên không phải là con em hộ nghèo, hộ cận nghèo; quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện cho người lao động nông thôn trên 45 tuổi tìm việc làm; hỗ trợ thêm kinh phí xây dựng NTM và phụ cấp cán bộ cấp xã loại 1, 2, 3 đồng đều như nhau; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp cho người cao tuổi từ 80 xuống 75 tuổi…
Tại các điểm tiếp xúc cử tri, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị ĐBQH tỉnh đã lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, trao đổi về những nội dung cử tri và nhân dân quan tâm. Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp đầy đủ, trình Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng Trung ương, tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Ngày 19/4, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri tại các huyện Vụ Bản, Mỹ Lộc, Hải Hậu và Xuân Trường.