THẢO LUẬN TỔ 14: ĐÁNH GIÁ KỸ TÁC ĐỘNG GIỚI KHI KÉO DÀI TUỔI HƯU ĐỐI VỚI SĨ QUAN CÔNG AN NHÂN DÂN

27/05/2023

Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 25/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân. Tại Tổ 14, các đại biểu cho rằng cần đánh giá kỹ tác động giới khi quy định kéo dài tuổi hưu đối với sĩ quan công an nhân dân.

THẢO LUẬN TỔ 14: CẦN GIẢI QUYẾT KỊP THỜI VẤN ĐỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG MẤT VIỆC LÀM, GIẢM THU NHẬP

Quang cảnh phiên họp

Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hải Dương, Sơn La, Bình Thuận.

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều lần gửi hồ sơ đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Chính phủ đã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Kết luận cuộc họp giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 ngày 17/3/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hồ sơ dự án Luật theo Tờ trình số 146/TTr-CP về cơ bản bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật giao “Chính phủ quy định chế độ, chính sách của công nhân công an”, nên đề nghị cần khẩn trương bổ sung văn bản quy định chi tiết về nội dung này để bảo đảm hiệu lực thi hành theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tác động về giới đối với việc điều chỉnh tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của nữ Thượng tá lên 03 tuổi và nữ Đại tá lên 05 tuổi; làm rõ nhu cầu, tính chất công việc gắn với sức khỏe của nữ sĩ quan CAND để có mức điều chỉnh tăng hạn tuổi phục vụ cho phù hợp.

Các đại biểu cũng đánh giá rằng, các quy định trong dự thảo Luật là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, cơ bản bảo đảm tính khả thi, bảo đảm tính tương quan về độ tuổi lao động theo quy định trong Bộ luật Lao động. Đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát các quy định về kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất, quy định về chế độ, chính sách có liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội để bảo đảm tính thống nhất.

Đại biểu Chá A Của – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La phát biểu

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đại biểu Chá A Của – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, tại khoản 3 Điều 1 của dự thảo luật có quy định về việc sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 25 của Luật Công an nhân dân hiện hành như sau: “Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông. Số lượng không quá 11.”

Đại biểu cho rằng, hiện chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để xác định đâu là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, nên cần bỏ cụm từ “địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự” trong nội dung này. Cùng với đó, đại biểu cũng cho rằng chưa có con số định lượng cụ thể để đánh giá địa bàn, địa phương nào là diện tích rộng, dân số đông, nên quy định này còn chung chung, chưa cụ thể.

Đối với việc sửa đổi Điều 30 trong Luật Công an nhân dân hiện hành về hạn tuổi phục vụ của công nhân công an, hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân, đại biểu cho biết, dự thảo Luật quy định, “trường hợp đặc biệt sĩ quan quy định tại khoản 1 Điều này có thể được kéo dài hơn 62 tuổi đối với nam, 60 đối với nữ theo quyết định của cấp có thẩm quyền”. Tuy nhiên, chưa rõ cấp có thẩm quyền ở đây là Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ hay cơ quan nào khác. Đại biểu đề nghị làm rõ và quy định cụ thể về cấp có thẩm quyền để đảm bảo tính rõ ràng, khả thi khi áp dụng pháp luật.

Chia sẻ quan điểm tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho biết, dự thảo Luật sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 25 của Luật hiện hành theo hướng :Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng mỗi đơn vị không quá 03. Đại biểu đề nghị tăng lên không quá 4, do Tp.Hà Nội, Tp.HCM là địa bàn đặc biệt quan trọng, dân số đông, tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp, dễ phát sinh các nguy cơ, cần có sự đảm bảo an ninh đặc biệt.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, đối với việc kéo dài tuổi hưu, cần đánh giá kỹ tác động giới, vì nữ giới khi tham gia phục vụ trong ngành thường gặp nhiều khó khăn, do các đặc điểm đặc thù của ngành. Đại biểu đề nghị cần có báo cáo đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề bình đẳng giới, xem xét kỹ tác động về giới để từ đó đưa ra quyết sách phù hợp.

Cũng quan tâm đến dự án luật này, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, ở khoản 2 Điều 1 sửa đổi bổ sung Điều 23 trong luật hiện hành, dự thảo quy định: “Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng Công an nhân dân, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập mà cấp bậc hàm hiện tại thấp hơn cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang đảm nhiệm thì được xét thăng cấp bậc hàm trước thời hạn.” Đại biểu đề nghị nghiên cứu áp dụng hình thức này đối với sĩ quan có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực giảng dạy, nghệ thuật biểu diễn.

Với quy định về kéo dài tuổi hưu, dự thảo luật sửa đổi khoản 4 Điều 30 trong luật hiện hành theo hướng: Sĩ quan Công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ theo quy định của Chính phủ. Đại biểu cho rằng việc quy định như vậy chưa đảm bảo phù hợp với Luật Giáo dục đại học và các quy định về viên chức có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Đại biểu đề nghị sửa quy định này thành: “Sĩ quan Công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp có thể được kéo dài hạn tuổi phục vụ đến hơn 62 đối với nam và hơn 60 đối với nữ trong các trường hợp đang công tác giảng dạy, nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục đại học, nếu đủ sức khỏe tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, đồng thời cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu, không được giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, không được bảo lưu phụ cấp chức vụ, đi lại, thời hạn kéo dài không quá 5 năm” để thống nhất với quy định của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 50/2022/NĐ-CP ngày 2/8/2022 của Chính phủ quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. 

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tại phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Đại biểu Dương Văn An, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận điều hành nội dung thảo luận

Đại biểu Chá A Của – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La cho rằng hiện chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để xác định đâu là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, nên cần bỏ cụm từ “địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự”

 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng việc quy định về tuổi nghỉ hưu trong dự thảo luật cần đảm bảo phù hợp với Luật Giáo dục đại học và các quy định khác của pháp luật.

Các đại biểu cho rằng cần có báo cáo đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề bình đẳng giới, xem xét kỹ tác động về giới để từ đó đưa ra quyết sách phù hợp./.

Minh Hùng - Phạm Thắng