THẢO LUẬN TỔ 10: ĐỀ NGHỊ CÓ CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN ĐỐI VỚI ĐỒNG BÀO DTTS LÀ NGƯỜI NGHÈO, HỘ GIA ĐÌNH NGHÈO TRỰC TIẾP SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP Ở NÔNG THÔN CÓ ĐẤT SẢN XUẤT

09/06/2023

Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Tổ 10, một số đại biểu quan tâm góp ý kiến về trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, đề nghị có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất sản xuất; bố trí đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

THẢO LUẬN TỔ 10: RÀ SOÁT QUY ĐỊNH VỀ QUỸ PHÁT TRIỂN ĐẤT VÀ TỔ CHỨC PHÁT TRIỂN QUỸ ĐẤT

Toàn cảnh thảo luận Tổ 10, gồm các Đoàn ĐBQH: Hà Giang, Thái Bình, Đồng Tháp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Khoản 1 Điều 17 về trách nhiệm quản lý của nhà nước đối đất của đồng bào dân tộc thiểu số quy định: “Có chính sách bảo đảm đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng”.

Cho ý kiến về quy định này, đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết nội dung này đã được chỉnh lý theo hướng thu hẹp phạm vi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, đối với đất ở. Việc điều chỉnh này là hợp lý, tuy nhiên về chính sách đối với đất ở đồng bào dân tộc thiểu số chỉ áp dụng với điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là chưa thực sự phù hợp.

Đại biểu Tráng A Dương cho biết, trong thực tế chỉ có các xã khu vực I bước đầu phát triển hoặc xã nông thôn mới cơ bản đủ đất sinh hoạt cộng đồng, còn nhiều xã khu vực II chưa đủ đất sinh hoạt cho cộng đồng. Do đó nếu không có ưu tiên sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện đối với địa bàn này.

Tại khoản 2, Điều 17 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: Có chính sách ưu tiên cho cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có đất để sản xuất, đảm bảo sinh kế thông qua các hình thức: Giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với trường hợp chưa được giao đất để sản xuất; Cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm và thực hiện chính sách miễn tiền thuê đất đối với những trường hợp đã được Nhà nước giao đất sản xuất nhưng thiếu đất sản xuất so với hạn mức.

Góp ý về quy định này, đại biểu Tráng A Dương cho biết, nội dung này đã được chỉnh lý đối tượng chính sách từ sản xuất trực tiếp nông nghiệp ở nông thôn có sản xuất nông nghiệp, thành cá nhân thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nghĩa là phạm vi từ khu vực nông thôn đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc thu hẹp các xã, thôn đặc biệt khó khăn nhưng Chính phủ không lý giải được nguyên nhân tại sao trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách không đề cập đến nội dung này.

Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Đại biểu Tráng A Dương nêu thực tế, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hộ dân, cá nhân thuộc diện nghèo, đối tượng cần được ưu tiền, hỗ trợ sản xuất, nếu địa phương không còn quỹ đất để tạo sinh kế thu nhập như quy định tại khoản 2 Điều 17, thì đối tượng hộ gia đình nghèo dân tộc thiểu số tại các xã khu vực I, khu vực II sẽ không được hưởng chính sách; Quy định này sẽ có tác động tương tự như Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, khi phân định xã vùng DTTS&MN (theo 03 khu vực) đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chính sách đối với nhiều đối tượng tại các địa bàn bị điều chỉnh.

Từ những phân tích ở trên, đại biểu Tráng A Dương đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, giữ nguyên khoản 1 Điều 17 như luật hiện hành; đồng thời chỉnh lý theo hướng ưu tiên chính sách đất ở đối với cá nhân được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 17 đề nghị kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013 và chỉnh lý lại như sau: “Có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất sản xuất, đảm bảo sinh kế thông qua các hình thức như mục a và b khoản 2 Điều 17.

Về nội dung đất nông lâm trường bàn giao cho địa phương, đại biểu Tráng A Dương cơ bản nhất trí giải trình của Chính phủ: đất có nguồn gốc từ nông lâm trường bàn giao cho địa phương và ưu tiên đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, kết quả thực hiện trong thời gian qua tại các địa phương rất hạn chế; việc bàn giao đất cho các hộ dân tộc thiểu số chủ yếu là đất nghèo kệt, không thể canh tác… đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và chỉnh lý về quy định này.

Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế 1 điều quy định riêng về chính sách ưu tiên về đất đai đối với đồng bào, đặc biệt là chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất đối với mục đích đất ở khi cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với đất trong hạn mức đất khi được cấp giấy chứng nhận đất lần đầu trong chuyển đổi mục đích từ đất không phải là đất sản xuất sang đất ở.

Đây cũng là chính sách được quy định tại Điều 11, Điều 12 của Nghị định 45 của Chính phủ quy định về thu tiền đất, tuy nhiên Nghị định mới chỉ cho phép áp dụng những trường hợp do tách hộ và quy định 2 mức là: miễn sử dụng đất đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; giảm 50% tiền sử dụng đất đối với các địa bàn còn lại. Đại biểu đề nghị nâng tầm đưa vào quy định trong dự thảo Luật Đất đai, mở rộng đối tượng cho phép áp dụng đối với các trường hợp được tặng, cho hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất về miễn giảm, giảm sử dụng đất phù hợp với vùng đồng bào đặc biệ khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đồng tình với quan điểm của đại biểu Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với đất đai vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Điều 17.  Đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung vào khoản 1, điều 17 và nội dung tại điều 120 liên quan đến bố trí đất xây dựng công trình văn hóa, nghệ thuật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đại biểu, chúng ta đang tập trung phát triển toàn diện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đến vấn đề văn hóa là rất cần thiết.

Liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị rà soát, thiết kế lại Điều 17 theo hướng khoản 1 quy định chính sách về đất cho cộng đồng và khoản 2 quy định chính sách về đất cho hộ gia đình, cá nhân. Giữ nguyên quy định tại khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật như khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai năm 2013, chính sách ưu tiên về đất ở đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 157. Kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai năm 2013, chỉnh sửa khoản 2 Điều 17 dự thảo Luật để quy định về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số là người nghèo, hộ gia đình nghèo và chỉnh lý đồng bộ khoản 2 Điều 49; đồng thời tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định các chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác