ĐÀ NẴNG: CỬ TRI HUYỆN HÒA VANG KIẾN NGHỊ XỬ LÝ NGHIÊM TÌNH TRẠNG LỪA ĐẢO QUA MẠNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng (hàng đầu, bên trái) cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng dự phiên bế mạc kỳ họp. Ảnh: Vũ Hưng
* Cử tri Ngô Thị Tuyết Hồng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận Hải Châu: Kỳ họp chất lượng, hiệu quả
Kỳ họp diễn ra trong hai đợt với 23 ngày. Qua theo dõi kỳ họp, tôi nhận thấy Quốc hội, chủ tọa kỳ họp, các đại biểu Quốc hội và đơn vị liên quan làm việc hết công suất, hiệu quả. Quốc hội góp ý, thảo luận, qua đó kịp thời thông qua nhiều dự án luật quan trọng; đồng thời góp ý nhiều dự án luật khác, nổi bật là Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là luật rất quan trọng, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực và đời sống xã hội. Do đó, việc góp ý kỹ dự án luật trước khi ban hành sẽ hoàn chỉnh hơn, mang lại được lợi ích cho Nhà nước và nhân dân.
Đặc biệt, cử tri đồng tình, ủng hộ việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một trong những điểm mới, được cử tri hết sức quan tâm trong thời điểm hiện nay. Việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh nói trên giúp đội ngũ lãnh đạo “tự soi, tự sửa”, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công vụ, ngăn ngừa được thực trạng “không dám làm, không dám đụng chạm” của một bộ phận cán bộ lãnh đạo; đồng thời, cũng ngăn ngừa được tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
* Cử tri Nguyễn Kim Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân thành phố: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố góp ý nhiều nội dung quan trọng
Qua theo dõi trực tiếp thảo luận ở hội trường cũng như báo chí đăng tải thông tin Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố thảo luận ở tổ, tôi nhận thấy các đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố thể hiện được được trách nhiệm, sự gửi gắm của cử tri. Hầu hết các buổi thảo luận hội trường, đại biểu Quốc hội thành phố đều có bài phát biểu chất lượng; có đại biểu theo đuổi vấn đề từ kỳ họp này đến kỳ họp khác; có đại biểu đăng đàn phát biểu và chất vấn các bộ trưởng trước những vấn đề nóng.
Còn tại các buổi thảo luận ở hội trường, qua theo dõi báo chí tôi thấy tất cả các đại biểu đều góp ý. Nhiều dự thảo luật, các đại biểu mạnh dạn đề cập đến những vấn đề còn tồn tại, bất cập, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung; đồng thời góp ý và gợi mở thêm nhiều nội dung quan trọng, chất lượng, giúp cơ quan soạn thảo có cơ sở pháp lý để bổ sung, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội ban hành. Với tinh thần, trách nhiệm đó, cử tri chúng tôi mong các kỳ họp tới, các đại biểu tiếp tục phát biểu, trong đó cần tập trung vào những vấn đề “nóng”, những vấn đề cử tri cả nước cũng như thành phố Đà Nẵng quan tâm…
* Cử tri Phan Văn Cương, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ: Đại biểu Quốc hội thể hiện bản lĩnh trước những vấn đề phức tạp
Qua theo dõi, tôi nhận thấy tại kỳ họp lần này, nhiều đại biểu Quốc hội rất trách nhiệm, tâm huyết trước những vấn đề mà cử tri quan tâm, bức xúc. Trong đó đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đã theo sát vấn đề in ấn, phát hành sách giáo khoa. Đại biểu kiên quyết “Nếu chúng ta không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng “chạy chọt”, “đi đêm” trong việc in ấn, phát hành sách giáo khoa thì rồi có ngày hối không kịp, giống như vụ Công ty CP Việt Á hoặc như các vụ án hình sự về đấu thầu trang thiết bị trong chính ngành giáo dục. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm”. Đây là một phát biểu “trúng”, đúng vào nỗi bức xúc của cử tri trong cả nước bởi thời gian qua, việc in ấn, phát hành sách giáo khoa luôn có vấn đề, là “hạt sạn” của ngành giáo dục tồn tại nhiều năm qua mà chưa xử lý dứt điểm…
* Cử tri Bùi Ngọc Phi, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu: Chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua được Đảng ta thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, tình trạng “tham nhũng vặt” vẫn phức tạp. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố với các quận, huyện, cử tri thành phố đã nhiều lần kiến nghị đẩy mạnh hơn nữa công tác này để cán bộ đảng viên “không dám” tham nhũng.
Do đó, tôi mong muốn cần tiếp tục ngăn chặn tham nhũng “từ sớm, từ xa”, nhất là trong việc xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, không để kẽ hở để cán bộ, công chức lợi dụng. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý Nhà nước trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc chỉ thiên về tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý mà chưa xem xét thỏa đáng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.