BÌNH THUẬN: GIÁM SÁT VIỆC XÂY DỰNG, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TẠI SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

10/08/2023

Chiều 9/8, ông Nguyễn Hữu Thông, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận dẫn đầu đoàn giám sát làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ ngày 01/01/2019 đến ngày 30/6/2023.

ĐOÀN CÔNG TÁC CỦA BAN DÂN NGUYỆN LÀM VIỆC VỚI UBND TỈNH BÌNH THUẬN

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận được giao xây dựng, ban hành 21 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó sở đã thực hiện 20 văn bản, chậm ban hành 1 văn bản. Quá trình thực hiện công tác tham mưu soạn thảo và công tác tự kiểm tra văn bản còn gặp một số khó khăn như: công chức tham mưu xây dựng, rà soát văn bản quy phạm pháp luật hầu hết làm việc kiêm nhiệm nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả. 6 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chính sách đặc thù, trong quá trình soạn thảo phải lấy ý kiến nhiều lần, chờ văn bản của các bộ, ngành, Trung ương hướng dẫn nên có một số văn bản dẫn đến chậm tiến độ theo quy định.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã nêu ra một số vấn đề còn hạn chế, khó khăn trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận, nhất là việc chủ động trong công tác này để kịp thời góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Sau rà soát Sở Tư Pháp tỉnh Bình Thuận phát hiện có 10 văn bản do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận ban hành không còn phù hợp. Sở cũng chưa kịp thời ban hành văn bản liên quan đến chương trình mục tiêu Quốc gia dẫn đến thực hiện và giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh Bình Thuận còn chậm, chưa đạt yêu cầu, một số vướng mắc chưa được giải quyết triệt để.

Phát biểu kết luật, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông đánh giá cao nỗ lực của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong thời gian qua để xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành nông nghiệp để góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần phải quan tâm như: Phải ưu tiên đầu tư con người cho công tác xây dựng thể chế vì hiện nay nhân lực, vật lực cho công tác này còn rất thiếu. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các văn bản đã được ban hành để kịp thời phát hiện, kiến nghị bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung các quy định đã cũ, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.

Lê Trang