ĐOÀN ĐBQH TỈNH THANH HÓA GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT TẠI BHXH TỈNH
Dự hội nghị tiếp xúc có các đồng chí: Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và các sở LĐ,TB&XH, NN&PTNT, Ban Dân tộc tỉnh; lãnh đạo và cử tri huyện Thường Xuân.
ĐBQH chuyên trách Cầm Thị Mẫn thông báo dự kiến thời gian, nội dung chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Tại hội nghị tiếp xúc, cử tri huyện Thường Xuân đã nghe ĐBQH chuyên trách Cầm Thị Mẫn đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa thông báo dự kiến thời gian, nội dung chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Thường Xuân.
Theo dự kiến chương trình, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10/2023 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội và dự kiến bế mạc vào ngày 29/11/2023. Kỳ họp này được tiến hành theo 2 đợt, gồm: Đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20 đến ngày 29/11/2023.
Tại Kỳ họp thứ 6 này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Các đại biểu dự hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Thường Xuân
Đồng thời, cho ý kiến đối với 8 dự án luật là Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng - an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đặc biệt, Quốc hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 (trong đó có xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024); xem xét Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026; xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ, gồm: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Cử tri huyện Thường Xuân kiến nghị, phản ánh tới các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân địa phương.
Trong không khí dân chủ, cử tri huyện Thường Xuân đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa có ý kiến đề xuất với các bộ, ngành liên quan xem xét giảm thời gian đóng BHXH tự nguyện xuống còn 10 đến 15 năm đối với người tham gia BHXH tự nguyện ở khu vực nông thôn, miền núi; hộ dân có mức sống trung bình, hộ nghèo, hộ cận nghèo; có chính sách hỗ trợ mua BHYT cho người tham gia BHXH tự nguyện đóng đủ từ 5 năm trở lên. Nâng mức phụ cấp và các chế độ đãi ngộ cho cấp phó các đoàn thể xã, thị trấn. Đồng thời, quan tâm có chính sách hỗ trợ BHYT cho hội viên hội cựu quân nhân, người dân tộc thiểu số.
Cử tri huyện Thường Xuân cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách nâng mức hỗ trợ kinh phí khi di chuyển các phần mộ liệt sĩ đang ở nơi khác về địa phương; thực hiện việc cấp lại Bằng Tổ quốc ghi công, huân, huy chương bị hư hỏng, thất lạc; xem xét, giải quyết diện tích đất tranh chấp giữa thôn Vịn, xã Bát Mọt với xã Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An).
Nhân dân trong huyện mong muốn Trung ương, tỉnh tiếp tục có chính sách rà soát lại tình hình phát triển kinh tế - xã hội của những xã, thôn hiện nay còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, hộ cận nghèo trên 20% thì xem xét đưa trở về vùng đặc biệt khó khăn, nhằm có thêm nguồn lực phát triển. Tiếp tục quan tâm đầu tư làm đường giao thông đi qua 2 xã Xuân Chinh, Xuân Lẹ và tuyến đường giao thông từ xã Xuân Lộc đi xã Luận Khê.
Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tiếp thu các ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri huyện Thường Xuân.
Sau khi lãnh đạo huyện Thường Xuân và các sở, ngành của tỉnh giải trình các vấn đề thuộc thẩm quyền, thay mặt các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung trân trọng cảm ơn tình cảm, sự tin tưởng của cử tri huyện Thường Xuân dành cho các ĐBQH. Đồng thời trao đổi, làm rõ một số nội dung cử tri quan tâm, kiến nghị tới các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa; thông tin đến cử tri về các vấn đề liên quan đến cải cách chính sách tiền lương.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Thường Xuân và tỉnh Thanh Hóa tập trung giải quyết dứt điểm, có hiệu quả những nội dung, vấn đề thuộc thẩm quyền mà cử tri kiến nghị, phản ánh tại hội nghị tiếp xúc. Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cũng nghiêm túc tiếp thu các ý kiến vượt thẩm quyền của địa phương; Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của cử tri huyện Thường Xuân để chuyển đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương xem xét, giải quyết.
Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung; Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội trao quà cho các gia đình người có công và hộ nghèo trên địa bàn huyện Thường Xuân.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung; Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã trao 30 suất quà cho các gia đình người có công và hộ nghèo trên địa bàn huyện Thường Xuân.