THẢO LUẬN TỔ 3: CẦN QUY ĐỊNH RÕ HƠN VỀ HÀNH VI CHẬM ĐÓNG, TRỐN ĐÓNG BẢO HIỂM BẢO HIỂM XÃ HỘI

02/11/2023

Chiều 02/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tại tổ 3, các đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn về hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm bảo hiểm xã hội.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 3: CẦN CHÚ TRỌNG ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN CHO NGƯỜI DÂN

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 3 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu cơ bản nhất trí với việc kế thừa, giữ các quy định về mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, cách tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đang quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và chỉ tập trung sửa đổi một số nội dung như đã đề cập tại Tờ trình số 527 nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28.

Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý, Luật Bảo hiểm xã hội phải phản ánh được tính lịch sử phát triển chính sách bảo hiểm xã hội, tâm lý xã hội của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, sức khỏe nhân dân, đặc điểm dân số, phải dựa trên những căn cứ khoa học, thực tiễn, có đánh giá kỹ lưỡng, tính toán chi tiết và phải có tính dự báo cao. Việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội phải bảo đảm tính đồng bộ, pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội với tinh thần bảo hiểm xã hội là trụ cột của an sinh xã hội, hình thành mạng lưới an sinh xã hội và bảo đảm tính khả thi.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) phải làm rõ những vấn đề cần đánh giá và định hướng dài hạn trong việc điều chỉnh, bổ sung các quy định hướng tới mục tiêu của Nghị quyết số 28 đã xác định  và lộ trình thực hiện; Làm rõ những vấn đề cần phải thận trọng xem xét và cân nhắc để phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, bảo đảm của ngân sách Nhà nước đối với các chính sách, chế độ có sử dụng ngân sách nhà nước, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn và có tính đến việc chia sẻ và tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong chính sách này.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, tại Điều 20 về đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội, Điều 20 của dự thảo luật có quy định: Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là rất chung chung. Theo Bộ luật Lao động, độ tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy mâu thuẫn với điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, được quy định tại Điều 21, cụ thể: Đối tượng quy định tại Điều 20 của Luật này được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ điều kiện sau: Đủ 75 tuổi trở lên; Không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ. Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại điểm a khoản 1 Điều này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Đại biểu cho rằng quy định này chưa rõ ràng, dễ dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau, vì vậy, cần nghiên cứu để quy định rõ ràng, cụ thể hơn nữa, đảm bảo nhất quán, minh bạch trong áp dụng pháp luật.

Về phạm vi điều chỉnh, các đại biểu nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ sẽ góp phần mở rộng diện bao phủ đối tượng hưởng các chế độ hưu trí đa dạng và không chỉ dựa trên cơ sở đóng góp của cá nhân mà còn dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước (phi đóng góp) tương tự như một số đối tượng đang hưởng lương hưu. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, cần đánh giá sâu hơn tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách nhà nước, việc đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh, áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này và sự ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, việc quy định mở rộng một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của dự án Luật không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đã được Nghị quyết số 28 đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: vừa mở rộng đối tượng, vừa có giải pháp hiệu quả hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, phương án nâng cao dịch vụ cung cấp để giữ người lao động ở lại hệ thống lâu dài, vừa phải tăng cường thực hiện tốt hơn quy định về khai trình lao động, kiểm soát thu nhập và tiền lương tốt hơn gắn với nâng cao thu nhập và mức sống cho người lao động.

Đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu

Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Lương Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ “chế độ hưu trí” để đảm bảo thống nhất cách hiểu đối với khái niệm này. Cùng với đó, cần quy định rõ hơn về hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm bảo hiểm xã hội. Điều 36 của dự thảo luật có quy định, chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các trường hợp sau đây: Người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nhưng quá thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 33 của Luật này mà chưa đóng hoặc đóng chưa đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc đã đăng ký. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động trong vòng 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này.

Điều 36 cũng quy định, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm các trường hợp sau đây: Người sử dụng lao động chưa nộp hoặc nộp hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động sau thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều này; Người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định; Các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này mà người sử dụng lao động có khả năng đóng nhưng không đóng.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu xem xét trường hợp người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không thể đóng đúng thời hạn quy định do trở ngại khách quan, gặp việc bất khả kháng, ví dụ như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn. Đại biểu cho rằng trong các trường hợp này, không nên xác định rằng các đối tượng đó trốn đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cần bổ sung vào Điều 37 của luật về trách nhiệm của người sử dụng lao động quy định, người sử dụng lao động phải đền bù nếu người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ, kịp thời, hoặc gây tổn hại đến quyền lợi của người lao động.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Hồng An, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội liên quan mật thiết đến Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế về an sinh xã hội. Đây là công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi và quan trọng nhất, quy định các mức độ bảo vệ tối thiểu cần đảm bảo liên quan đến diện bao phủ, mức độ đầy đủ, các quyền lợi, điều kiện được hưởng và thời hạn đối với 9 chế độ của hệ thống an sinh xã hội, trong đó có chế độ bảo hiểm xã hội. Để đảm bảo tương thích với Công ước 102, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chế độ trợ cấp trẻ em và tăng cường các mức hưởng, qua đó giúp người lao động giảm bớt khó khăn trước mắt của người lao động khi sinh con và có con nhỏ, giữ chân họ ở lại hệ thống bảo hiểm xã hội thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần. Việc này cũng giúp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tăng nguồn thu vào Quỹ bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn và trung hạn, góp phần hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội nước ta tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tại phiên họp

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tại phiên họp

Đại biểu Trần Thị Hồng An, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội liên quan mật thiết và cần tương thích với Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế về an sinh xã hội

Các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, những hành vi bị cấm, được quy định trong dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về những nội dung trọng tâm trong dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Hồ Hương - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác