THẢO LUẬN TỔ 13: GẮN TRÁCH NHIỆM CỤ THỂ ĐỐI VỚI CHỦ PHƯƠNG TIỆN KHI ĐƯA PHƯƠNG TIỆN VÀO THAM GIA GIAO THÔNG

10/11/2023

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, sáng 10/11, thảo luận tại Tổ 13 (gồm các Đoàn ĐBQH Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang) về dự thảo Luật Đường bộ, các ý kiến thống nhất với sự cần thiết xây dựng luật, nhằm tạo bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phát triển phương tiện giao thông đường bộ, phát triển vận tải đường bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

THẢO LUẬN TỔ 13: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG THÊM CÁC PHƯƠNG THỨC THU THẬP CHỨNG CỨ VÀO DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Toàn cảnh Phiên thảo luận Tổ 13, cho ý kiến về dự thảo Luật Đường bộ

Góp ý về phạm vi điều chỉnh, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị bổ sung quy định về “hợp tác quốc tế trong hoạt động đường bộ” thống nhất với quy định tại khoản 8 Điều 87. Về phân loại đường theo chức năng phục vụ, khoản 1 Điều 11  quy định: “Việc phân loại đường bộ theo chức năng phục vụ liên kết vùng, kết nối các khu vực, địa bàn dân cư, nơi làm việc của các cơ quan, tổ chức và cơ sở sản xuất, kinh doanh làm căn cứ lập các quy hoạch có liên quan đến đường bộ, xác định mức độ ưu tiên khi cắm biển báo hiệu, tổ chức giao thông và thực hiện đấu nối các tuyến đường”, đại biểu đề nghị bỏ từ “cắm” thay bằng từ “lắp đặt” đảm bảo thống nhất và dễ hiểu.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam cho biết, khoản 1 Điều 8 quy định: “Đường cao tốc được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng”, đại biểu băn khoăn về “quy chuẩn kỹ thuật riêng”, đề nghị quy định cụ thể dễ áp dụng, tránh tình trạng Luật được thông qua phải ban hành nhiều nghị định hướng dẫn thực hiện.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Tại điểm a khoản 2 Điều 83 quy định: “Đảm bảo thực hiện quy định tại Điều 39 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, đại biểu đề nghị quy định chi tiết nội dung này, không nên quy định áp dụng thực hiện theo điều khoản trong luật khác, để tránh khi sửa đổi luật này lại kéo theo điều chỉnh luật khác. Ngoài ra, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Quốc hội cho ý kiến và chưa được thông qua, nếu thông qua mà quy định tại Điều 39 có sửa đổi, điều chỉnh sang Điều khác sẽ không phù hợp, thống nhất với dự thảo Luật Đường bộ.

Qua tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Đường bộ của Chính phủ. Dự thảo Luật đã phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế của Luật Giao thông đường bộ 2008 như cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ; ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành đặc biệt là hệ thống giao thông thông minh; điều chỉnh các loại hình kinh doanh vận tải phù hợp với thực tế.

Về các nội dung cụ thể, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị bổ sung thêm quy định về hành vi nghiêm cấm tại Điều 9: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để can thiệp, tác động vi phạm pháp luật đường bộ” để đồng bộ với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đối với quy định về hành lang an toàn đường bộ (Điều 18), đại biểu cho biết, trên thực tế có một số tuyến đường bộ đi chung với đập của hồ chứa thuỷ lợi; đề nghị bổ sung vào khoản 5, Điều 18 như sau: “Đường bộ đi chung với đê, đập của hồ chứa thuỷ lợi hoặc có hành lang an toàn chồng lấn hành lang đê, đập của hồ chứa thuỷ lợi, việc phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên, bố trí hành lang bảo vệ đê, đập của hồ chứa thuỷ lợi”.

Về xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo (Điều 22), đại biểu Trần Thị Vân cho biết, việc lắp đặt biển quảng cáo che khuất tầm nhìn không chỉ không ảnh hưởng đến tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông, mà còn ảnh hưởng đến người tham gia giao thông khác như người đi bộ, người dẫn dắt vật nuôi khi bị che tầm nhìn cũng rất dễ gây tai nạn giao thông. Đại biểu đề nghị sửa lại điểm a, khoản 2, Điều 22 như sau: “Không được che khuất biển báo hiệu đường bộ; không ảnh hưởng đến tầm nhìn người tham gia giao thông đường bộ; không ảnh hưởng đến đường bộ”.

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn góp ý vào khoản 1 Điều 7 về Hệ thống giao thông thông minh, đề nghị cân nhắc sửa cụm từ “Hệ thống giao thông có trí tuệ” thành một cụm từ khác, ví dụ như, có thể dùng là: “Hệ thống giao thông có ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo”, để phù hợp hơn với nội hàm của Hệ thống giao thông thông minh. Cơ quan soạn thảo cân nhắc điều sửa cụm từ “miền dịch vụ giao thông thông minh” thành “khu vực dịch vụ giao thông”, để đảm bảo tính rõ ràng, dễ hiểu khoản 2 Điều 7). Tại Điều 9 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung thêm một hành vi bị nghiêm cấm là hoạt động của phương tiện có nguy cơ gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Góp ý về quy định liên quan đến Bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ (Điều 25), đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bổ sung quy định phù hợp để yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng hoạt động của phương tiện có nguy cơ gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đối với quy định về hoạt động vận tải đường bộ tại khoản 7 Điều 61, đại biểu đề nghị bổ sung thêm một loại hình Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô dưới 9 chỗ mà không phải xe taxi. Hiện nay có loại hình này, có loại thì đã đăng ký sử dụng biển màu vàng, tuy nhiên vẫn có nhiều xe sử dụng biển trắng để kinh doanh vận tải hành khách. Loại hình này phục vụ nhu cầu du lịch hoặc nhu cầu gia đình, cá nhân.

Tại khoản 2 Điều 63 và khoản 2 Điều 67 liên quan đến quy định Vận tải hành khách bằng xe ô tô, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung nội dung: “Chủ phương tiện chịu trách nhiệm duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện theo tiêu chuẩn quy định khi tham gia giao thông giữa hai kỳ kiểm định”. Bởi phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao (theo quy định tại Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015). Do đó, cần gắn trách nhiệm cụ thể đối với chủ phương tiện khi đưa phương tiện vào tham gia giao thông, cũng như để phù hợp với Điều 64 và Điều 68 của dự thảo luật quy định về quyền và nghĩa vụ của lái xe, theo đó lái xe có quyền từ chối điều khiển phương tiện khi phát hiện phương tiện không đảm bảo các điều kiện về an toàn.

Tại Điều 89 về Thanh tra đường bộ, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cân nhắc bổ sung vào khoản 1 nội dung: “Trường hợp cần thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, được phép dừng phương tiện giao thông và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó”.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác