THẢO LUẬN TỔ 8: CẦN TÌM NHỮNG ĐÒN BẨY KINH TẾ MỚI ĐỂ DUY TRÌ DÒNG VỐN ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM

10/11/2023

Sáng ngày 10/11, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Góp ý vào dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết phải áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời đề nghị Chính phủ cần thiết kế chính sách mới để duy trì dòng vốn chuyển dịch vào Việt Nam, nhất là vào lĩnh vực công nghệ cao.

CHÍNH PHỦ CẦN ĐÁNH GIÁ ĐẦY ĐỦ TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ DO VIỆC THỰC HIỆN THUẾ TỐI THIỂU TOÀN CẦU

Tổ 8 gồm các Đoàn ĐBQH Thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Định và Điện Biên

Theo đánh giá, việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; cũng như hạn chế được hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận. Theo đó, Việt Nam ủng hộ và chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam. Điều này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Nhà nước để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế…

Việc Việt Nam dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, đồng thời áp thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn (QDMTT) được cho là bước đi cần thiết để vừa chủ động giành được quyền đánh thuế, vừa tạo môi trường đầu tư thuận lợi để giữ chân và thu hút dòng đầu tư nước ngoài.

Thượng toạ Thích Đức Thiện, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu

Thảo luận tại Tổ 8, Thượng toạ Thích Đức Thiện, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, tán thành với sự cần thiết cần xem xét thông qua Nghị quyết này để tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Bởi qua rà soát của Tổng cục thuế, năm 2022 có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu với phần thuế thu nhập doanh nghiệp  chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỷ đồng. Cùng với đó, có 6 tập đoàn trong nước chịu ảnh hưởng của thuế này, gồm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tập đoàn Hòa Phát với số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung dự kiến gần 73 tỷ đồng.

Như vậy, ngân sách nhà nước có thể tăng thu hàng chục nghìn tỷ đồng trong trường hợp Việt Nam quyết định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và các nước mà 6 tập đoàn trong nước đầu tư không áp dụng và các tập đoàn nước ngoài chọn nộp thuế ở Việt Nam thay vì nộp về nước mẹ. Nam.

Cũng nhất trí ban hành Nghị quyết, đại biểu Tạ Thị Yên, ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm đến nội dung này vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi của những doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, thuế tối thiểu toàn cầu không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Do đó, cần áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu như một loại thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp và theo quy định của Hiến pháp thì Quốc hội sẽ xem xét, quy định việc này. Trong khi đó, thuế tối thiểu toàn cầu không mâu thuẫn với quy định về bảo hộ đầu tư với các quy định về đối xử quốc gia, đối xử tối huệ quốc, đối xử đầu tư, bồi thường thiệt hại, trưng dụng, chuyển tiền và thế quyền của các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết.

Đại biểu Tạ Thị Yên cũng tán thành với ban hành thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là khoản thuế mới, bổ sung thêm so với thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, chưa được quy định trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì vậy, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết quy định về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu theo đề nghị của Chính phủ. Điều này cũng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước trong cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung, tăng cường hội nhập quốc tế, đồng thời cũng hạn chế được hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Đại biểu Tạ Thị Yên, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu

Đại biểu Tạ Thị Yên cũng đồng tình với đề nghị của Chính phủ về thời hạn áp dụng từ năm tài chính 2024, trùng với lộ trình chung của các nước, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Nhà nước để doanh nghiệp yên tâm, tiếp tục đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam; thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, đồng thời giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu.

Tuy nhiên, theo đại biểu Tạ Thị Yên, sau khi áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, Bộ Tài chính cần có đánh giá tác động của chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung thu ngân sách nhà nước để từ đó cân đối lại NSNN trung hạn 5 năm 2021-2025, rà soát, điều chỉnh chính sách chi, có thể là tăng chi cho đầu tư phát triển, báo cáo Quốc hội, vì thuế thu nhập doanh nghiệp luôn được coi là công cụ mạnh để Chính phủ điều tiết vĩ mô nền kinh tế.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, khi có nguồn thu bổ sung cho NSNN từ sắc thuế doanh nghiệp bổ sung này,  thì Chính phủ có thể xem xét, cân nhắc, báo cáo Quốc hội sửa đổi thuế thu nhập cá nhân theo hướng điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cũng như ngưỡng thu nhập chịu thuế của thuế thu nhập cá nhân nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, kể cả từ các nước, để khoan sức dân, kích cầu tiêu dùng, kích thích phát triển kinh tế theo xu thế chung và định hướng cải cách chính sách thuế.

Theo đại biểu Tạ Thị Yên, để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần tìm ra được những đòn bẩy kinh tế mới, kể cả các ưu đãi khác hoặc có những giải pháp phi kinh tế mới tương xứng, hữu hiệu, toàn diện, phát huy lợi thế so sánh, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực, thủ tục hành chính của ngành mình, địa phương mình, để quá trình chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn được diễn ra một cách thuận lợi, nhất là khi đầu tư vào các ngành công nghệ cao, năng lượng mới, mang lại việc làm, thu nhập cho người dân và sự phát triển cho đất nước.

Cùng quan điểm, đại biểu Thích Đức Thiện cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành chuyên môn nghiên cứu các chính sách để vừa bảo đảm tăng thu thuế nhưng cũng phải bảo đảm được môi trường đầu tư ở Việt Nam. Nếu không giải quyết nhanh, sẽ khó đón các tập đoàn lớn đến đầu tư tại Việt Nam.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 8 sáng ngày 10/11:

Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 8 gồm các Đoàn ĐBQH ( TP. Cần thơ, Vĩnh Long, Bình Định, Điện Biên)

Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ tham dự phiên thảo luận

Đại biểu Lê Kim Toàn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định điều hành phiên thảo luận

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham dự phiên thảo luận 

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tham dự phiên thảo luận 

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định phát biểu tại phiên thảo luận 

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại phiên thảo luận

Hải Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác