THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: RÀ SOÁT CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM TRONG DỰ ÁN LUẬT TTATGTĐB, TRÁNH CHỒNG CHÉO, TRÙNG LẶP VỚI CÁC LUẬT LIÊN QUAN

10/11/2023

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 10/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Các ý kiến tại Tổ 2 đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát lại quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật, tránh chồng chéo, trùng lặp với các luật liên quan.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: NHIỀU ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI ĐỀ NGHỊ ''LUẬT HOÁ QUYỀN TƯ PHÁP''

THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: KHẮC PHỤC NHỮNG TỒN TẠI, BẤT CẬP CỦA HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỰC TIỄN

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2 sáng 10/11

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi - Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ 2. Tổ 2 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng - Tổ phó Tổ 2 điều hành phiên thảo luận.

Qua thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), đa số các ý kiến thảo luận tại Tổ 2 cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật TTATGTĐB và cho rằng, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) được ban hành năm 2008, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này. Hơn nữa, Luật GTĐB năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ và lĩnh vực TTATGTĐB, nên không bao quát hết các nội dung về lĩnh vực TTATGTĐB, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành.

Do vậy, các đại biểu khẳng định, việc ban hành Luật này là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Góp ý về xe ưu tiên tại Điều 3, đại biểu Nguyễn Thanh Sang - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, khoản 36 Điều này quy định xe ưu tiên là xe chữa cháy, của lực lượng phòng cháy và chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp… Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật mới chỉ quy định xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, nhưng không quy định xe cơ quan điều tra VKSNDTC đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, như vậy chưa tương ứng với các cơ quan điều tra chuyên trách trong công an nhân dân và quân đội nhân dân, chưa đảm bảo điều kiện để cơ quan điều tra VKSNDTC hoàn thành nhiệm vụ.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thanh Sang đề nghị bổ sung quy định “xe VKSNDTC làm nhiệm vụ khẩn cấp là đối tượng xe ưu tiên tại khoản 36 Điều 3 vào dự án Luật này.

Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, khoản 1 Điều này quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đại biểu cho rằng quy định như vậy còn chung chung, cần phải nêu rõ “có nồng độ cồn vượt quá quy định hay không?”. Bên cạnh đó, về mặt quan điểm, đại biểu nêu rõ, chắc chắn phải hạn chế người tham gia giao thông sử dụng rượu bia vì gây nhiều tác hại, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn giao thông.

Tuy nhiên, đại biểu lưu ý cần quy định hợp lý vì quy định này liên quan đến Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định 100/2019/NĐ-CP đưa ra mức xử phạt, thấp nhấp là 2-3 triệu đồng đối với hơi thở có nồng độ cồn dưới 50mg/l, không có tác dụng giúp người tham gia giao thông hạn chế việc uống rượu bia. Và chắc chắn sẽ vi phạm nếu đo nồng độ cồn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Vì vậy, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, nếu Luật TTATGTĐB được thông qua thì cần phải có Nghị định mới thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Trong nỗ lực giảm bớt hoặc cấm người tham gia giao thông sử dụng rượu bia thì vẫn cần có sự hợp lý, việc giảm bớt hoặc cấm cần có lộ trình. “Việc hạn chế rượu bia cần thực hiện dần dần để khi đo nồng độ cồn không quá nhiều, uống nhiều thì đo sẽ nhiều. Nếu uống rất ít thì khi đo nồng độ cồn cũng ở mức dưới 50mg/100ml máu. Ở đây không có quy định mức sàn…”, đại biểu phân tích.

Do đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm là “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép”.

Cùng quan tâm đến quy định các hành vi bị nghiêm cấm của dự thảo Luật này, đại biểu Dương Ngọc Hải - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, không nên quy định “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” trong luật này. Vì các hành vi này trong Luật Phòng chống tác hại của rượu bia đã quy định hành vi cấm này, do đó không cần quy định trong dự thảo Luật TTATGTĐB. Đại biểu nhận thấy, chỉ cần quy định trong dự thảo Luật là “cần chấp hành nghiêm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và không quy định hành vi nêu trên là hành vi cấm”.

Đại biểu Dương Ngọc Hải - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Tương tự hành vi trên, một số hành vi bị nghiêm cấm như: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông… Đại biểu cho rằng, các hành vi này đã được điều chỉnh trong Luật Hình sự nên cũng không cần quy định trong Luật TTATGTĐB. Nếu quy định hết trong Luật TTATGTĐB thì sẽ có rất nhiều hành vi cấm, đo đó, địa biểu Dương Ngọc Hải đề nghị cần xem xét, sàng lọc lại các nội dung này.

Về quy định diện tích cho kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đại biểu Dương Ngọc Hải băn khoăn với hiện trạng giao thông ở nước ta, đặc biệt ở thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, quy định như dự thảo có hợp lý không, dựa trên cơ sở nào?  đại biểu cho rằng, quy định tỉ lệ diện tích như dự thảo không có tính khả thi, không thực hiện được. Đề nghị cần xem xét lại, thay vào đó, nên quy định trong Luật này theo hướng phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm hạn chế sử dụng xe cá nhân. Đây mới là nội dung quan trọng, cần ưu tiên phát triển mà dự thảo Luật TTATGTĐB chưa đề cập.

Đồng thời các ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, sắp xếp các quy định cấm liên quan đến TTATGTĐB để bảo đảm tính thống nhất, logic, tránh trùng lặp với các quy định khác trong dự thảo Luật hoặc trùng lặp với quy định của các luật chuyên ngành khác; nghiên cứu, sắp xếp các hành vi bị nghiêm cấm theo nhóm chủ thể, nội dung cho dễ theo dõi. Bên cạnh đó, cần rà soát lại nội dung của cả hai Luật TTATGTĐB và Luật Đường bộ để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, bảo bảo tính thống nhất, khả thi.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu còn góp ý, thảo luận về dự án Luật Đường bộ và Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Một số hình ảnh tại Tổ 2:

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng - Tổ phó Tổ 2 điều hành phiên thảo luận.

Các đại biểu tại Tổ 2

Đại biểu Trần Kim Yến - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho rằng, quy định  khoản 1 Điều 17 về dừng xe, đỗ xe chưa định lượng được, đề nghị cân nhắc và điều chỉnh nội dung này cho phù  hợp với thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đánh giá cao sự nỗ lực, kiên trì của Bộ Công an khi trình dự thảo Luật TTATGTĐB tại Kỳ họp thứ 6.

Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh góp ý về Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh góp ý về Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh thống và cần thiết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu trong Kỳ họp lần này.

Đại biểu Hà Phước Thắng - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh phát biểu kết luận phiên thảo luận Tổ 2./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác