THẢO LUẬN TỔ 7: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ ĐỦ MẠNH TẠO TIỀN ĐỀ CHO CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG VIỆT NAM PHÁT TRIỂN

10/11/2023

Thảo luận về Dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đa số các đại biểu cho rằng việc xây dựng Dự án Luật nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

 

Toàn cảnh phiên họp 

Tổ 7 gồm các đoàn ĐBQH tỉnh: Thái Nguyên, Đắk Nông, Kon Tum và Long An. 

Chuẩn bị nội lực vững mạnh đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược

Thảo luận tại tổ, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng, đại biểu Đoàn Thái Nguyên nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Bên cạnh cơ sở chính trị, pháp lý, theo đại biểu từ thực tiễn các cuộc chiến tranh, xung đột trên thế giới những năm gần đây, nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, dự báo chiến tranh trong tương lai và yêu cầu bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, đặt ra yêu cầu đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng, an ninh “tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng”; thực hiện động viên công nghiệp rộng khắp.

Để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh Tổ quốc, an ninh quốc gia. Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có 7 chương, 73 điều. Trong đó, dự thảo quy định các nguồn lực đảm bảm cho công nghiệp quốc phòng, an ninh gồm: nguồn vốn, nhân lực, đất đai và triển khai các hoạt động khoa học công nghệ.

Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 

Với nguồn vốn cho đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho hay, dự thảo quy định: Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và được cơ cấu thành khoản mục riêng trong tổng số vốn ngân sách Trung ương được cấp có thẩm quyền phân bổ cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trung hạn, hàng năm; đảm bảo ổn định trong suốt quá trình phân bố và giải ngân. Thủ tướng quyết định việc sử dụng nguồn vốn chuyên biệt phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh bổ sung cho các chương trình, đề án, dự án đầu tư, nhiệm vụ có tính cấp bách, nghiên cứu, chế tạo vũ khí trang bị chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, theo dự thảo luật.

Đại tướng Phan Văn Giang cũng cho biết dự thảo luật quy định cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh; cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.

Cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp

Các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng và 20 năm thực hiện Pháp lệnh động viên công nghiệp cũng như thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh từ Đại hội Đảng lần thứ XI đến nay.

Việc ban hành Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.

Đại biểu Dương Khắc Mai 

Bên cạnh đó, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được tạo dựng nền tảng hành lang pháp lý để xây dựng tiềm lực công nghiệp quốc phòng - an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, phù hợp với thế trận phòng thủ chiến lược; thực hiện động viên công nghiệp rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó trong mọi tình huống.

Các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung được nêu trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp này, tiếp tục rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện các nội dung của dự thảo Luật trên tinh thần phải đặt công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia và cả nền kinh tế, trước yêu cầu xây dựng, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh của đất nước.

Đồng thời đề nghị quy định cụ thể hơn về vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng - an ninh và động viên công nghiệp; ban hành các quy định riêng về đấu thầu đối với mặt hàng công nghiệp quốc phòng - an ninh; có chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đặc thù, đột phá để thúc đẩy phát triển công nghiệp quốc phòng - an ninh; tập trung ưu tiên đối với doanh nghiệp an ninh nòng cốt; tạo đột phá trong giao nhiệm vụ cho từng địa phương, quân khu trong việc xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp; hình thành cơ quan quản lý nhà nước để điều phối hoạt động công nghiệp quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng - an ninh…

Nhiều đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung chế độ, chính sách đối với các nhà khoa học đầu ngành ngoài các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh, các viện nghiên cứu, trường đại học… cho đầy đủ.

Đại biểu Đoàn Thị Hảo

Có đại biểu cho rằng dự thảo Luật trình lần đầu để lấy ý kiến nhưng đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, bảo đảm cơ bản tính phù hợp với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, tại khoản 6 Điều 2 (giải thích từ ngữ) của dự thảo quy định: “Vũ khí trang bị kỹ thuật bao gồm các loại vũ khí, tổ hợp vũ khí, đạn dược, phương tiện, khí tài, trang bị kỹ thuật hỗ trợ; được biên chế cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng thực thi pháp luật”. Trong khi đó, khoản 1, Điều 3 (giải thích từ ngữ) của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lại quy định như sau: “Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”. Như vậy, tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không có khái niệm “tổ hợp vũ khí” mà chỉ có khái niệm “tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất”. Cơ quan soạn thảo cần rà soát, thống nhất chung, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu cũng đề xuất đơn vị soạn thảo nghiên cứu tách riêng nội dung “Hoạt động sản xuất quốc phòng do Bộ Quốc phòng, hoạt động sản xuất an ninh do Bộ Công an quản lý tập trung, thống nhất” để dễ triển khai khi áp dụng thực tiễn, đồng thời phù hợp với vị trí nhiệm vụ riêng biệt của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 3; đồng bộ với cách thức quy định chuyên biệt tại toàn văn dự thảo Luật như Điều 9, khoản 2 Điều 11, Điều 12, Điều 13,…

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành 

Tại điểm a, khoản 2, Điều 17, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại khoản 11 Điều 2 (Giải thích từ ngữ): “Công nghệ lưỡng dụng là công nghệ phục vụ cho cả mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh và dân sự” để quy định cho thống nhất, bao hàm ý nghĩa đầy đủ trong toàn văn dự thảo Luật. Có thể điều chỉnh, bổ sung điểm a, khoản 2, Điều 17 như sau: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật, vật tư kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và các sản phẩm lưỡng dụng phục vụ mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh và dân sự”.

Cũng có ý kiến đề nghị không quy định hưởng chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân mà nên quy định theo hướng “hưởng chính sách ưu đãi theo pháp luật về thuế”. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, quy định cụ thể, minh bạch hơn về chế độ, chính sách đối với các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp, bảo đảm thống nhất với Nghị quyết 27 ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; bảo đảm tính khả thi.

Cao Lệ Quyên

Các bài viết khác