CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: XÂY DỰNG LUẬT THỦ ĐÔ KHÔNG PHẢI CHỈ RIÊNG CỦA HÀ NỘI MÀ THỰC CHẤT LÀ CHO CẢ NƯỚC
THẢO LUẬN TỔ 04 VỀ DỰ ÁN LUẬT THỦ ĐÔ (SỬA ĐỔI): RÀ SOÁT CÁC QUY ĐỊNH VỀ HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH BẢO ĐẢM KHẢ THI, CHẶT CHẼ
Thảo luận tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế
Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo Luật Lưu trữ có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 04 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; Quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; Quy định về hoạt động lưu trữ tư; Quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ năm 2011 và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật như được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Ghi nhận nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình; đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung giao quy định chi tiết, bảo đảm yêu cầu luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế; quy định rõ thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, bổ sung các hoạt động chỉnh lý tài liệu, bảo quản tài liệu lưu trữ và số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc nhận định: Trong thực tiễn UBND cấp huyện vẫn có kho lưu trữ, giao cho Phòng Nội vụ cấp huyện quản lý, chỉ đạo hoạt động lưu trữ tại cấp huyện. Tuy nhiên, điều luật chỉ quy định trách nhiệm quản lý tài liệu lưu trữ đối với UBND cấp tỉnh và cấp xã, không đề cập đến cấp huyện. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ đối với UBND cấp huyện theo quy định.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu
Điều luật mới quy định 2 nội dung: Là nguyên tắc và yêu cầu đối với tài liệu lưu trữ dự phòng và giao cho Chính phủ tiếp tục quy định chi tiết. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần luật hoá, quy định rõ tiêu chuẩn, giá trị pháp lý của tài liệu lưu trữ dự phòng vào nội dung điều luật vì đây là cơ sở pháp lý quan trọng về lưu trữ đối với nguồn tài liệu dự phòng. Còn các nội dung khác về tài liệu lưu trữ dự phòng sẽ do Chính phủ thể chế hoá.
Về tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện tại Điều 25 dự thảo Luật, đại biểu nhận định điều luật mới quy định tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện gồm các loại tài liệu nào và thẩm quyền cho phép tiếp cận. Theo Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc quy định như vậy là chưa đầy đủ và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm 2 nội dung vào điều luật gồm: Quy định cụ thể tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện; Điều kiện để được khai thác tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện.
Về giải mật tài liệu lưu trữ tại Điều 27 dự thảo Luật, đại biểu cho biết hiện dự thảo mới quy định việc giải mật và trách nhiệm của người đứng đầu giải mật tài liệu lưu trữ đối cơ quan của Đảng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, của cơ quan, tổ chức không còn hoạt động tại thời điểm giải mật và giải mật lưu trữ lịch sử của Nhà nước. Đối với giải mật lưu trữ tại cơ quan đang hoạt động điều luật chưa quy định rõ. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung rõ về quy định giải mật tài liệu đối với lưu trữ cơ quan.
Hiện nay, ngoài Luật Lưu trữ quy định chung các vấn đề về lưu trữ thì còn có một số luật khác như Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật Công chứng, Luật Điều ước quốc tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh... có quy định đặc thù về lưu trữ. Điều này đòi hỏi cần làm rõ mối quan hệ giữa dự thảo Luật với các luật nói trên, quy định rõ trong Luật trường hợp nào áp dụng pháp luật lưu trữ, trường hợp nào áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành để tránh trùng lặp, thiếu thống nhất giữa các luật.
Đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế
Quan tâm đến thời gian lưu trữ hồ sơ tại bệnh viện, đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đối với hồ sơ bình thường lưu trữ 10 năm còn hồ sơ tử vong lưu trữ vĩnh viễn, song thời gian như vậy sẽ gây khó khăn cho các bệnh viện. Bởi vì, hiện đã có hồ sơ điện tử, song vẫn còn số lượng lớn hồ sơ cũ là giấy, đại biểu đề nghị, nên chăng có sự điều chỉnh, hồ sơ bệnh án không liên quan đến chuyên môn, pháp lý nên rút ngắn đến thời gian lưu trữ.
Dẫn chứng từ lĩnh vực khác, cho biết các hồ sơ tài chính hay hồ sơ đấu thầu thường có số lượng lớn, đại biểu bày tỏ băn khoăn khi hiện nay thực hiện đấu thầu trên mạng thì việc lưu trữ hồ sơ gốc đối với các bên tham gia đấu thầu được xác định như thế nào? Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ về thời gian lưu trữ hồ sơ trong từng lĩnh vực.