Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 07 luật, 08 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 08 dự án luật; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Tại kỳ họp, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang đã tham dự kỳ họp đầy đủ và đã tích cực, trách nhiệm tham gia các hoạt động cũng như tham gia thảo luận các nội dung tại kỳ họp. Qua 6 phiên thảo luận tổ, 28 phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, Đoàn Đại biểu tỉnh Hà Giang đã tham gia phát biểu thảo luận 23 lượt (14 lượt tại tổ; 09 lượt tại hội trường). thực hiện 01 lượt chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng về vấn đề quy hoạch treo và 01 lượt tranh luận đối với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Các ý kiến thảo luận, chất vấn của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang được Quốc hội, Bộ, ngành quan tâm tiếp thu, trả lời trách nhiệm, đầy đủ.
Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Để chuẩn bị cho kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tiến hành các cuộc tiếp xúc cử tri để thông tin đến cử tri và Nhân dân trên địa bàn về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đồng thời lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cử tri và ghi nhận, tổng hợp để chuyển đến Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Tại kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực thảo luận vào các nội dung của kỳ họp với các ý kiến đa dạng, sâu sắc, phán ánh các mong muốn, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân đến kỳ họp Quốc hội.
Tham gia thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới về đảm bảo an ninh năng lượng gắn với cam kết giảm dần phát thải khí nhà kính, nên việc nắm bắt cơ hội, phát huy và khai thác lợi thế để phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen/amoniac xanh rất quan trọng. Tuy nhiên, ngoài quyết tâm chính trị, cần có khung khổ pháp luật để tạo môi trường thuận lợi, an toàn, bền vững cho chuyển đổi năng lượng thành công.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội Phạm Thúy Chinh – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang
Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo và đề xuất Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích, thúc đẩy và tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển công nghiệp hydrogen, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về hydrogen/amoniac xanh; nghiên cứu, quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng cho năng lượng hydrogen để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng; quy định về sản xuất hydrogen từ các nguồn khác nhau và lưu trữ an toàn hydrogen; quy định về hệ thống phân phối và vận chuyển từ nơi sản xuất, lưu trữ đến nơi sử dụng; xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu, phát triển công nghệ và sử dụng cho nhà đầu tư và thị trường…
Cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đã đề xuất 6 nhóm nội dung. Trong đó nhấn mạnh những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đối khí hậu, thiên tai hạn hán ngày càng diễn ra khốc liệt, Hà Giang là vùng núi đá có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, phải đối mặt với khô hạn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân; ở nhiều xã vùng cao người dân phải đi hàng chục km để lấy nước sinh hoạt, hàng ngàn ha ngô, lúa không cho thu hoạch, mất trắng. Trước diễn đàn Quốc hội, đại biểu Lý Thị Lan cho biết, cử tri Hà Giang đề nghị Chính phủ tiếp tục ưu tiên nguồn lực từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình dự án đầu tư công để đầu tư xây dựng hồ chứa nước đa mục tiêu cho vùng Cao nguyên đá Hà Giang, giải quyết căn cơ việc thiếu nước ăn, nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan
Thảo luận tập trung tại hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 5, đại biểu Tráng A Dương cho rằng việc Quốc hội tiếp tục đưa nội dung này vào nghị sự của chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã thể hiện Quốc hội tiếp tục có những đổi mới về tổ chức và hoạt động; sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tiếp tục khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân, luôn đồng hành với Nhân dân.
Đại biểu cho rằng, theo số liệu báo cáo kết quả giám sát, Kỳ họp thứ 5 đã tiếp nhận, tổng hợp 2.765 kiến nghị của cử tri. Đến nay, 2.751/2.765 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 99,5%. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Quốc hội, Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện tính cầu thị, tiếp thu khi thực hiện công tác quản lý, điều hành và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu Tráng A Dương
Đối với Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, đã tổng hợp và chuyển tới Kỳ họp thứ 5 tổng số 7 ý kiến, kiến nghị (3 kiến nghị trước kỳ họp và 4 kiến nghị sau kỳ họp). Đến nay đã có 6/7 ý kiến, kiến nghị đã nhận được văn bản trả lời. Cử tri Hà Giang vẫn luôn mong mỏi, kiến nghị về vấn đề nước, khô hạn, hệ thống hồ chứa nước cho đồng bào vùng cao Hà Giang sớm được quan tâm, giải quyết.
Đại biểu Tráng Á Dương cũng thông tin thêm, cử tri Hà Giang đánh giá cao trách nhiệm của Quốc hội cũng như người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ban, ngành, các nội dung giải quyết, trả lời kiến nghị đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu và sự mong đợi của cử tri và Nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản trả lời mang tính cung cấp thông tin, khái quát, hướng tiếp cận vấn đề tập trung cho việc nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung vào các quy định trong thời gian tới nên chưa có giải pháp giải quyết triệt để vấn đề vướng mắc, bức xúc.
Đại biểu Hoàng Ngọc Định
Trong các phiên chất vấn, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh cũng tích cực đặt câu hỏi chất vấn và phát biểu tranh luận. Như đại biểu Hoàng Ngọc Định đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nêu rõ ngày 14/6/2019, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 về tiếp tục thực hiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy trình, quản lý, sử dụng đất đai đô thị để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” gây ảnh hưởng đến người dân. Từ khi Nghị quyết số 82 được ban hành đến nay Bộ đã có những giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên.
Hay như đại biểu Phạm Thúy Chính đã có tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về thu hút đầu tư tư nhân trong các dự án PPP (đối tác công – tư). Đại biểu Phạm Thúy Chinh chia sẻ trước những khó khăn, bất cập trong thực hiện các dự án BOT. Tuy nhiên đại biểu không đồng tình việc chỉ nâng tỷ lệ vốn Nhà nước trong các dự án sẽ đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư tư nhân. Đại biểu cho rằng việc quá tập trung vào nâng tỷ lệ vốn Nhà nước trong các dự án PPP sẽ dễ trở thành một hình thái khác của đầu tư công. Theo đại biểu, cần tập trung vào việc Nhà nước đảm bảo cam kết thực hiện nghĩa vụ của mình trong các dự án PPP, các nghĩa vụ này thể hiện thông qua việc Nhà nước mua lại các dự án trong trường hợp do lỗi của Nhà nước, đảm bảo cam kết cân đối vốn và chia sẻ khi giảm doanh thu. Các vấn đề này đã được quy định rất rõ trong Luật PPP, chỉ khi Nhà nước cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình mới đủ sức thu hút các nhà đầu tư tư nhân. Ngoài ra, cần tránh tình trạng chỉ chú trọng vào giai đoạn xây dựng công trình dự án mà chưa chú trọng bao quát toàn vòng đời dự án như vận hành, bảo trì, khai thác, cung cấp dịch vụ; tránh xu hướng coi đầu tư PPP như đầu tư công hay đầu tư tư nhân thuần túy…
Tại các phiên thảo luận tổ, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đều tích cực tham gia phát biểu
Ngoài ra, tại các phiên thảo luận tổ, các đại biểu trong Đoàn cũng tích cực thảo luận các ý kiến góp ý hoàn thiện các dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp của Đoàn ĐBQH tỉnh, các cử tri đánh giá cao những đổi mới hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là đánh giá cao các hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã phản ảnh đúng tâm tư nguyện vọng của cử tri trong tỉnh Hà Giang cũng như những ý kiến tham gia đóng góp xây dựng tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV./.