ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG BÌNH: NỬA NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XV NỖ LỰC THỰC HIỆN LỜI HỨA TRƯỚC CỬ TRI

31/12/2023

Hoà chung vào dòng chảy sôi động của Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã đi được nửa chẳng đường của nhiệm kỳ. Với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của các đại biểu, sự phối hợp, hỗ trợ tích cực của các cơ quan Trung ương và địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh đang dần hiện thực hoá lời hứa là đại diện chăm lo cho quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cử tri, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người có công.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG: NỖ LỰC, ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG, GÓP PHẦN VÀO THÀNH CÔNG CHUNG CỦA QUỐC HỘI

ĐOÀN ĐBQH TỈNH QUẢNG BÌNH TIẾP XÚC CỬ TRI HỘI VIÊN PHỤ NỮ CÔNG GIÁO VÀ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

ĐBQH NGUYỄN MINH TÂM: KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV - CẨN TRỌNG, KỸ LƯỠNG, CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT CỦA ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM 2023 ĐÓNG GÓP VÀO THÀNH CÔNG CHUNG HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

Bước vào nhiệm kỳ khoá XV, Quốc hội nước ta phải đối mặt với không ít áp lực, khó khăn và thử thách cả về khách quan và chủ quan: đặc biệt tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong 2 năm đầu nhiệm kỳ; tiếp đó là những ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình chiến tranh, xung đột, suy thoái kinh tế của thế giới; Quốc hội đứng trước yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri là cơ quan lập pháp cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân để góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu của Nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Những khó khăn, thách thức đó đặt ra những đòi hỏi cấp thiết đối với Quốc hội khóa XV nói chung và từng Đoàn ĐBQH tỉnh/thành phố, trong đó tỉnh Quảng Bình phải có quyết tâm và nỗ lực để dám thay đổi, thích ứng với những nhiệm vụ nặng nề trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện tốt vai trò đại diện của Nhân dân, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động trong giai đoạn mới.

Thích ứng linh hoạt với biến động của tình hình thực tiễn, với sự đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tham gia đầy đủ các kỳ họp của Quốc hội, tích cực đóng góp ý kiến phát biểu tại hội trường và thảo luận tại tổ

Trong nửa đầu nhiệm kỳ đã qua, để xây dựng một Quốc hội hành động và trách nhiệm, đồng hành cùng Chính phủ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân, Quốc hội đã thực hiện nhiều đổi mới về phương thức hoạt động. Đóng góp vào nỗ lực đó, dù là một Đoàn ĐBQH có quy mô nhỏ, với hơn 66% đại biểu là đại biểu lần đầu tiên đắc cử nhưng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã nhanh chóng kiện toàn về tổ chức, lề lối làm việc để bắt nhịp cùng sự đổi mới của Quốc hội.

Từ đại biểu chuyên trách đến đại biểu kiêm nhiệm đều tham gia đầy đủ, có trách nhiệm 6 kỳ họp thường lệ, 4 kỳ họp bất thường của Quốc hội khoá XV, tham gia đầy đủ các kỳ họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức như các Hội nghị triển khai hoạt động giám sát, các phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội… Tại 10 kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã tham gia phát biểu 59 lượt tại hội trường, 157 lượt tại tổ; trực tiếp chất vấn 24 lượt, 07 lượt gửi văn bản chất vấn tới các tư lệnh ngành. Các phát biểu đều xuất phát từ những vấn đề bức thiết của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong mỏi của cử tri, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh, kinh tế khó khăn. Nhiều ý kiến tham gia của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã được các cơ quan soạn thảo, trình dự án Luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, đúng như tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri gửi tới diễn đàn của Quốc hội.

Sự thích ứng linh hoạt của Đoàn ĐBQH tỉnh cũng thể hiện thông qua việc đa dạng hoá các hình thức tiếp xúc cử tri để phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế. Từ việc bố trí tiếp xúc cử tri trực tuyến, thu thập ý kiến, nguyện vọng của cử tri thông qua các kênh thông tin điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội… trong thời kỳ dịch bệnh, đến việc đa dạng hoá các đối tượng tiếp xúc cử tri mang tính đặc thù (đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, đối tượng doanh nhân, công nhân, người lao động…) để nắm bắt tác động của chính sách, nắm bắt những khó khăn của cử tri, từ đó thu thập những kiến nghị chất lượng, tập trung hơn.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tới nay, Đoàn đã tổ chức 10 đợt tiếp xúc cử tri thường lệ (cả trực tuyến và trực tiếp), 3 đợt tiếp xúc cử tri chuyên đề, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tiến hành 15 đợt tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi công tác với khoảng 70 điểm tiếp xúc. Từ đó thu thập 154 kiến nghị gửi các cơ quan Trung ương, 140 kiến nghị gửi các cơ quan địa phương. Nhiều kiến nghị được lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm, đôn đốc và theo đuổi để trong dài hạn nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế chính sách, phủ lấp những khoảng trống chính sách cho nhiều đối tượng đặc thù như đội ngũ bán chuyên trách, đối tượng người có công.

Tham gia tích cực vào hoạt động giám sát, phản biện tại địa phương, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã thực hiện 02 cuộc khảo sát, 02 cuộc giám sát của Đoàn, 12 cuộc giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và gửi đến các cơ quan chức năng 301 kiến nghị, trong đó có 86 kiến nghị gửi các cơ quan địa phương, 215 kiến nghị gửi các cơ quan Trung ương.

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình tổ chức nhiều Hội nghị, nhiều đợt tiếp xúc cử tri để nắm bắt tình hình thực tế địa phương và tiếp thu kiến nghị của các cơ quan chức năng

Qua rà soát đã có 10 kiến nghị được hiện thực hoá thành văn bản, chính sách. Sự thích ứng linh hoạt của Đoàn ĐBQH tỉnh thể hiện ở cách tiến hành giám sát: qua báo cáo, qua thu thập thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, qua nghiên cứu tài liệu các cơ quan thanh kiểm tra, kiểm toán, gắn giám sát trực tiếp với khảo sát ý kiến, nguyện vọng các đối tượng chịu sự tác động của chính sách liên quan. Nhờ vậy, các kiến nghị, phản ánh của Đoàn mang tính khách quan, kiến nghị tương đối khả thi, hiệu quả. Nhiều báo cáo giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình được các Đoàn giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, ghi nhận.

Tham gia tích cực vào quá trình rà soát văn bản quy phạm pháp luật - một hoạt động được xem là bước tiến mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội nhiệm kỳ này, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cũng phối hợp với các cơ quan địa phương để phát hiện bất cập, vướng mắc tại 34 luật, 3 pháp lệnh, 33 nghị định, 31 thông tư và 02 loại văn bản khác, từ đó đưa ra đề xuất sửa đổi, điều chỉnh.

Có thể khẳng định, bước tiến trong hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình thể hiện mảnh ghép sinh động của những cải tiến, đổi mới hoạt động của Quốc hội mà ở đó hơi thở cuộc sống dân sinh, nguyện vọng của cử tri được phản ánh kịp thời và được quan tâm, đeo đẳng giải quyết đến tận cùng.

Chú trọng vào hoạt động an sinh xã hội: chăm lo cho đối tượng yếu thế, người có công

Lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trao quà cho các hội viên phụ nữ công giáo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Bên cạnh những hoạt động chuyên môn, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình xem công tác an sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bởi vậy Đoàn ĐBQH tỉnh không chỉ tham gia hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” mà còn là một kênh thông tin quan trọng để nắm bắt độ thẩm thấu của chính sách tới đối tượng yếu thế, đối tượng người có công, xem xét chính sách đã thực sự kịp thời và hiệu quả, khả thi chưa. Đây cũng là cách thức hiện thực hoá một trong những lời hứa của đại biểu khi ứng cử trước cử tri.

Chính vì vậy mà trong 3 năm qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kết nối, trao tặng gần 30 căn nhà đại đoàn kết, trị giá 3 tỉ đồng ở địa bàn trong và ngoài tỉnh; trao tặng 2500 suất quà của Quỹ Thiện tâm trị giá 1,5 tỉ đồng; huy động, trao tặng hàng nghìn những phần quà bằng hiện vật khác cho nhiều đối tượng yếu thế trên địa bàn như cựu chiến binh, người khuyết tật, trẻ mồ côi, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, biên giới gặp khó khăn do đại dịch…

Nắm được ý nghĩa sâu xa của công tác an sinh là chăm lo đối tượng người có công một cách lâu dài, bền vững, Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên thăm hỏi các gia đình người có công trên địa bàn vào những dịp lễ tri ân. Thông qua hoạt động này, Đoàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri là người có công và tham gia kiến nghị chính sách một cách có tình, có lý, lâu dài, cần mẫn. Điển hình là việc kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 24 liệt sỹ thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng, trong đó có trường hợp liệt sỹ là Trần Minh Lợi (Đồn Biên phòng Làng Mô, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), liệt sỹ Dương Xuân Hải (xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch).

Thay mặt Đoàn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Minh Tâm tặng quà và bàn giao nhà “Đại đoàn kết” cho hộ gia đình chính sách 

Xuất phát từ việc bà Phan Thị Hanh, mẹ liệt sĩ Lê Hải Đức hi sinh khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại Quảng Trị chưa thể đủ điều kiện tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (dù có bố đẻ là liệt sỹ và con trai duy nhất cũng là liệt sỹ) do những quy định tại Pháp lệnh trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước. Đoàn ĐBQH tỉnh nhìn nhận trên quan điểm mang tính nhân văn: Để chính sách phù hợp với chủ trương, chính sách về dân số giai đoạn hiện nay, mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con thì việc một người con hy sinh trong thời bình là nỗi mất mát rất lớn, không gì bù đắp nổi và cần được tri ân xứng đáng.

Với quan điểm và tinh thần đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã và đang tiếp tục theo đuổi việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi Pháp lệnh trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước cho phù hợp thực tế, đáp ứng yêu cầu của công tác đền ơn đáp nghĩa giai đoạn hiện nay. Những hoạt động an sinh của Đoàn được các gia đình người có công cảm động, ghi nhận sâu sắc.

Có thể nói, 3 năm không phải là khoảng thời gian dài khi so với chặng đường 78 năm lịch sử hình thành của Quốc hội Việt Nam, tuy nhiên, nửa chặng đường của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã đánh dấu bước trưởng thành đáng kể trong đời hoạt động của mỗi đại biểu Quốc hội, đặc biệt trong giai đoạn Quốc hội có nhiều chuyển mình, đổi mới để ngang tầm nhiệm vụ là cơ quan quyền lực cao nhất trong giai đoạn nhiều thách thức như hiện nay. Xác định được điều đó, mỗi đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã, đang nỗ lực để xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của cử tri và những kết quả đạt được thời gian qua đã phần nào chứng minh được sự nỗ lực đối với lời hứa trước cử tri tỉnh nhà./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác