NGHỊ QUYẾT SỐ 43 CỦA QUỐC HỘI TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI CỦA HẢI PHÒNG

10/01/2024

Chiều 10/01, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng thực hiện giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2023 (gọi tắt là Nghị quyết số 43) với 4 đơn vị là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục thuế thành phố và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội.

ĐOÀN ĐBQH TP.HẢI PHÒNG LÀM VIỆC VỚI SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Bà Phạm Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng phát biểu tại buổi giám sát. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo của 4 đơn vị báo cáo tập trung vào các vấn đề như thực hiện các chính sách tài khóa, an sinh xã hội, lao động, việc làm và tiền tệ.

Theo báo cáo chung của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, việc thực hiện Nghị quyết 43 giúp thành phố thực hiện thành công mục tiêu kép vừa phòng, chống COVID-19 hiệu quả, vừa duy trì tốc độ phát triển kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Các chính sách nhân văn, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Thành phố còn triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như giảm phí, lệ phí, hỗ trợ về tín dụng, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất của doanh nghiệp.

Cụ thể, về giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/2/2022 đến ngày 31/12/2022 theo kê khai đối với 12.534 lượt người nộp thuế, số thuế kê khai được giảm trên hồ sơ khai thuế là gần 5.218 tỷ đồng. Về an sinh, xã hội, lao động, việc làm, tổng nguồn vốn triển khai trên địa bàn Hải Phòng là hơn 633 tỷ đồng, trong đó có 433 tỷ đồng vốn tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và trên 190 tỷ đồng vốn cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trên 5 tỷ đồng vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên và trên 4 tỷ đồng hỗ trợ các trường mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng của COVID-19.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng kiến nghị Chính phủ ban hành quy định áp dụng mức giảm thuế đồng nhất cho các nhóm đối tượng để thuận lợi trong việc tra cứu, lập hóa đơn và kê khai thuế điện tử của các trường hợp được giảm thuế. Cùng với đó, sớm hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để thực hiện việc kiểm tra, rà soát hỗ trợ nhanh chóng, chính xác khi triển khai thực hiện chính sách liên quan. Ngoài ra, Chính phủ ban hành chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt là các ngành, chuyên ngành khó tuyển và các ngành phục vụ hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Ông Lã Thanh Tân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Chuyên trách thành phố Hải Phòng, phát biểu tại buổi giám sát. (Ảnh: Minh Thu/TTXVN)

Đề xuất cụ thể về chính sách thuế, ông Vũ Huy Khuê, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng kiến nghị Quốc hội tiếp tục cho áp dụng giải pháp giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân, hạn chế rủi ro cho cơ quan thuế. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ các chính sách hỗ trợ người nộp thuế vượt qua các giai đoạn khó khăn, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tại buổi làm việc, ông Lã Thanh Tân, Phó Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng cho biết, buổi giám sát nhằm đánh giá khách quan, trung thực, đầy đủ và toàn diện việc triển khai Nghị quyết số 43 của thành phố Hải Phòng. Hoạt động này còn góp phần đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43; công tác phối hợp của Ủy ban nhân dân thành phố với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và giữa các sở, ngành, địa phương để triển khai các chính sách.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát còn để nhận ra những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 43, kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chính sách.

Sau khi nghe ý kiến, phát biểu của các đại biểu, ông Lã Thanh Tân đánh giá: Việc triển khai hiệu quả các chính sách đã có tác động tích cực, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế, có đóng góp quan trọng trong các kết quả kinh tế, xã hội thành phố trong năm 2022 và 2023 (hai năm liên tiếp thành phố cán mốc thu ngân sách thuộc nhóm trên 100 nghìn tỷ đồng).

Thời gian tới, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đề nghị, Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục rà soát, thực hiện hiệu quả các chính sách trong Nghị quyết số 43, tiếp tục bố trí nguồn vốn đầu tư công của thành phố cho các dự án theo đúng kế hoạch, đồng thời tổng kết đánh giá kết quả thực hiện và rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chính sách.

(Theo TTXVN)