ĐOÀN ĐBQH TỈNH NAM ĐỊNH: ĐÓNG GÓP NHIỀU Ý KIẾN TÂM HUYẾT, TRÁCH NHIỆM TRONG HOẠT ĐỘNG LẬP PHÁP, GIÁM SÁT VÀ QUYẾT ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG

14/01/2024

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng cho biết, năm 2023, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân, các đại biểu trong Đoàn đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, góp phần vào thành công chung của Quốc hội trên cả 3 nhiệm vụ lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH ĐẮK NÔNG: NÊU CAO TINH THẦN TRÁCH NHIỆM TRƯỚC ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN, CHỦ ĐỘNG THAM GIA VÀO CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI VÀ ĐỊA PHƯƠNG

Năm 2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, góp phần vào thành công chung của Quốc hội

Chủ động tham gia đóng góp ý kiến vào công tác lập pháp

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định khóa XV có 08 đại biểu Quốc hội, Với tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, trong năm 2023 các nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch công tác đều được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh triển khai thực hiện, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Các vị đại biểu Quốc hội luôn chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và thực hiện tốt trách nhiệm của mình, tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Quốc hội; thảo luận, chất vấn một cách dân chủ, thẳng thắn với tinh thần xây dựng; tham gia biểu quyết, quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn một cách có trách nhiệm cao trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng nội dung từng vấn đề.

Trên cơ sở các dự thảo Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội nghị để các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật, đã tổng hợp 111 ý kiến gửi cơ quan chủ trì thẩm tra theo quy định đối với 15 dự án Luật được trình thông qua tại 2 kỳ họp thường lệ trong năm.

Giám sát đúng, trúng vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị cụ thể hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Về hoạt động giám sát, khảo sát, thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định thành lập Đoàn, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai giám sát 03 chuyên đề: 01 chuyên đề Đoàn chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Quốc hội và 02 chuyên đề Đoàn chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức thực hiện theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể: Chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”. Đoàn đã tiến hành khảo sát tại một số trạm y tế cấp xã và trung tâm y tế cấp huyện; tổ chức giám sát trực tiếp tại Ủy ban nhân dân các huyện Hải Hậu, Vụ Bản, Trực Ninh và thành phố Nam Định, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh, Sở Tài chính, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thông qua hoạt động giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã có những đánh giá toàn diện, khách quan việc thi hành pháp luật hiện hành.

Chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã tiến hành khảo sát tại một số cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập; tổ chức giám sát trực tiếp tại Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo. Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh Nam Định”, Đoàn đã tiến hành khảo sát tại một số doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng (như Công ty Xăng dầu Hà Nam Ninh, Công ty Điện lực Nam Định) và tổ chức giám sát trực tiếp tại UBND tỉnh.

Thông qua hoạt động giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã có những đánh giá toàn diện, khách quan việc thi hành pháp luật hiện hành, báo cáo tới Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị, đề xuất 24 vấn đề với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương để rà soát, sửa đổi, điều chỉnh những quy định chưa phù hợp và bổ sung những quy định mới cần thiết; đồng thời đưa ra những kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành chức năng, các đơn vị có liên quan để đảm bảo triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao, hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội, hiện nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đang triển khai xây dựng kế hoạch giám sát 03 chuyên đề theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó:  Chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh”, tổ chức giám sát trong tháng 01/2024. Chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh", tổ chức giám sát trong tháng 01/2024. Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh", dự kiến tổ chức giám sát trong tháng 3/2024.

Về hoạt động chất vấn, tại các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề xuất các nhóm vấn đề chất vấn đối với 02 lĩnh vực là những vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, các vị Đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ tài liệu, bám sát thực tiễn và lĩnh vực được chất vấn, đặt các câu hỏi và tranh luận có chất lượng, đúng và trúng các vấn đề cử tri quan tâm. Tại các phiên chất vấn của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có 05 lượt Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cáo, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, cùng Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng,

Tại các kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, cùng Quốc hội xem xét, thông qua các vấn đề quan trọng của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền một cách thận trọng, chặt chẽ, với sự đồng thuận, thống nhất cao trên cơ sở tuân thủ đúng các nguyên tắc, quy định của Đảng và Nhà nước.

Các ý kiến của Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định có chất lượng, mang tính thực tiễn cao, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận.

Tại kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, căn cứ vào thực tiễn, kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác đã luôn chủ động nghiên cứu, tham gia ý kiến một cách toàn diện, đầy đủ và trách nhiệm đối với các nội dung thuộc chương trình, công tác xây dựng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đã có 22 ý kiến phát biểu tại hội trường về các nội dung quan trọng như: kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; công tác thực hành, tiết kiệm chống lãng phí; việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; góp ý vào Dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi);….

Đã có 44 ý kiến phát biểu tại tổ thảo luận về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; góp ý các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;…. Các ý kiến phát biểu đi thẳng vào trọng tâm, có chất lượng, mang tính thực tiễn cao, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận.

Tăng cường đổi mới, đa dạng về đối tượng, hình thức và nội dung tiếp xúc cử tri.

Hoạt động tiếp xúc cử tri luôn được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định quan tâm, coi trọng, tăng cường đổi mới, đa dạng về đối tượng tiếp xúc, hình thức và nội dung, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn: đã tổ chức tiếp xúc cử tri bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến; thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri bằng các hình thức: tiếp thu trực tiếp tại các hội nghị tiếp xúc, qua văn bản và thư điện tử mà cử tri gửi đến Đoàn.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận tổ quốc các huyện thành phố tổ chức 30 cuộc tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức 02 cuộc tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động tiếp xúc cử tri luôn được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định quan tâm, coi trọng

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thông báo với cử tri về những nội dung liên quan đến chương trình kỳ họp Quốc hội, kết quả việc giải quyết những ý kiến, kiến nghị mà cử tri đã nêu từ các cuộc tiếp xúc trước và báo cáo kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng thời lắng nghe và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri về những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn đã tổng hợp 28 ý kiến, kiến nghị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Viêt Nam để chuyển đến các Bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết theo quy định.

Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân của đại biểu Quốc hội đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Trong năm 2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã thực hiện tiếp 06 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 180 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến, đã chuyển 72 đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, giải quyết; hướng dẫn, giải thích 06 đơn. Đa số các vụ việc gửi đến đều là vụ việc cũ, một số vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhiều lần, nhưng công dân không nhất trí, vẫn cố tình khiếu kiện kéo dài hoặc đơn thư từ các tỉnh, thành phố khác chuyển về.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng.

Ngoài ra, đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách, đồng chí Nguyễn Hải Dũng, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định về vai trò, trách nhiệm của mình đối với các hoạt động của Quốc hội cũng như các công tác tại địa phương.

Căn cứ vào Chương trình giám sát, chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024 và tình hình thực tiễn tại địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định xây dựng và ban hành Chương trình công tác, chương trình giám sát năm 2024 của Đoàn ĐBQH tỉnh.

Tổ chức giám sát và báo cáo kết quả giám sát 03 chuyên đề theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo thời hạn theo quy định. Tổ chức khảo sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị chịu sự tác động của các dự án Luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại các kỳ họp thứ bảy, thứ tám Quốc hội khóa XV. Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật dự kiến trình Quốc hội thông qua tại các kỳ họp thứ bảy, thứ tám Quốc hội khóa XV.

Phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đặc biệt thực hiện tốt các quy chế phối hợp công tác giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh trong việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trước và sau kỳ họp thứ bảy, thứ tám Quốc hội khóa XV. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức cho các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham dự các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi được triệu tập...

Lan Hương - Nghĩa Đức