THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: RÀ SOÁT, LÀM RÕ CÁC NỘI DUNG CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ KHÁC VỚI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH TRONG THỰC HIỆN 3 CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

16/01/2024

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, sáng 16/01, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đa số ý kiến thống nhất với việc ban hành Nghị quyết cũng như tên gọi của Nghị quyết này, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, làm rõ các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù khác với các quy định của pháp luật hiện hành khi thực hiện 3 CTMTQG để đảm bảo chặt chẽ.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/01: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2

Tổ 2 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh. Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng - Tổ phó Tổ 2 điều hành phiên thảo luận.

Xuất phát từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ tại các Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023, số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Qua thảo luận tại Tổ 2, đa số ý kiến thống nhất với việc ban hành Nghị quyết cũng như tên gọi của Nghị quyết này, tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, làm rõ các nội dung chính sách đặc thù khác với các quy định của pháp luật hiện hành khi thực hiện 3 CTMTQG để đảm bảo chặt chẽ.

Để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh thống nhất chủ trương ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mực tiêu quốc gia. Vì qua báo cáo kết quả giám sát các Chương trình này cho thấy, có rất nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là việc sử dụng nguồn vốn đầu tư. Do đó, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết khẳng định, cần có cơ chế để có thể sử dụng hiệu quả các nguồn vốn được phân bổ hiệu quả cho các Chương trình này. Với các đề xuất của Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc như trong Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết đã nêu, đại biểu bày tỏ ủng hộ với các phương án này.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết cũng như tên gọi của Nghị quyết là Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Đỗ Đức Hiển cũng nhất trí với 8 nhóm chính sách đặc thù được đề xuất trong dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy trong đó có 4 nhóm chính sách được quy định trong dự thảo Nghị quyết khác với quy định của các Luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…

Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh

Để đảm bảo chặt chẽ, đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc và tính toán thêm nên sử dụng từ “thí điểm” trong tên gọi của Nghị quyết vì có những nội dung khác Luật và thực tế bản chất là thí điểm.

Về phạm vi điều chỉnh, rà soát lại Nghị quyết số 108 của Quốc hội, đại biểu Đỗ Đức Hiển nhận thấy, chưa có nội dung liên quan đến việc xử lý thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đối với các địa phương khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn trước, do đó đề nghị cân nhắc, rà soát tổng hợp vấn đề này, trên cơ sở đó báo cáo Quốc hội để bổ sung vào Nghị quyết này. Nếu không đưa vào thì đại biểu lo ngại sau này không có cơ hội để xử lý. Nếu chưa có thì cũng cần báo cáo rõ và cần rà soát thêm.

Góp ý về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG được quy định tại Khoản 7 Điều 4 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Đỗ Đức Hiển nhận thấy, các Chương trình mục tiêu quốc gia có 2 giai đoạn, thời gian thực hiện chỉ còn 2 năm nữa, để thực hiện các nội dung trong Chương trình, việc phân cấp giao cho cấp huyện là cần thiết và địa phương có thể chủ động, vì nếu không thí điểm trong giai đoạn này để thực hiện cho giai đoạn sau thì sẽ lỡ nhịp.

Do đó, đại biểu Đỗ Đức Hiển bày tỏ thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc lựa chọn phương án 2. Tại khoản 7, Điều 4, phương án 2 được quy định như sau: “Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm, dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025”.

Đại biểu đồng tình với phương án 2 theo hướng nên thí điểm cho giai đoạn này và mỗi tỉnh chọn một huyện thí điểm và không bắt buộc, đề nghị Chính phủ nên có tiêu chí lựa chọn để đảm bảo thống nhất về các chính sách.

Các đại biểu tại Tổ 2

Về ban hành quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất tại khoản 3, Điều 4, đại biểu Đỗ Đức Hiển cũng đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc theo hướng phân cấp cho Ủy ban Nhân dân tỉnh quyết định việc ban hành, điều chỉnh quy định về trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án phát triển sản xuất.

Liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tại điểm d khoản 5 Điều 4 nêu rõ “Chính phủ quy định tiêu chí xác định các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ; cơ chế đặc thù trong xác định giá trị còn lại và xử lý tài sản được hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính”. Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho rằng, những nội dung nào đặc thù khác với quy định của pháp luật hiện hành thì phải được nêu trong Nghị quyết này để đảm bảo tính pháp lý. Tuy nhiên, tại điểm d khoản 5 lại giao Chính phủ tiếp tục quy định cơ chế đặc thù, khác với các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước, đại biểu cho rằng việc ủy quyền như vậy sẽ không bảo đảm, nếu trường hợp cơ chế, chính sách đặc thù khác với các Luật, đề nghị Chính phủ cần rà soát kỹ các quy định này, hoặc Chính phủ có thể quy định sau khi được sự đồng ý của UBTVQH sẽ đảm bảo chặt chẽ hơn

Cùng quan tâm đến cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG được quy định tại khoản 7 Điều 4 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh nhận thấy, việc phân cấp cho các địa phương là chủ trương đúng đắn để thực hiện nhanh các thủ tục đầu tư và bố trí vốn. Tuy nhiên để lựa chọn một huyện thì phải có tiêu chí, đại biểu cho rằng, việc giao cho địa phương lựa chọn tiêu chí đó thì không mang tính toàn diện, nên quy định theo hướng để Chính phủ hướng dẫn lựa chọn các tiêu chí và địa phương dựa theo các tiêu chí đó để tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh

Qua kết quả giám sát của Quốc hội về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Nguyễn Minh Đức nhận thấy, có rất nhiều vướng mắc và bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình này, do đó, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết cho các Chương trình này có cơ chế đặc thù. Tại Điều 3 giải thích các thuật ngữ, chủ yếu là “các dự án thành phần, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi, dự án phát triển sản xuất cộng đồng, dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp”… Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, qua các khái niệm này, đối tượng ở đây là các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã với các cá nhân và hộ gia đình… Nếu Nghị quyết này không có quy định cụ thể thì sẽ rất khó triển khai trong thực tế. Trách nhiệm của địa phương là cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và căn cứ vào thực tế để liên kết sản xuất với nhau và đầu tư vào các dự án.

Về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được quy định tại khoản 5 Điều 4, đại biểu Nguyễn Minh Đức nhận thấy, điểm c khoản 5 cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án là Quốc hội, Chính phủ, HĐND tỉnh, huyện và UBND tỉnh, huyện, và băn khoăn không rõ cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án hỗ trợ là cấp nào, UBND hay HĐND? Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, làm rõ thêm.

Góp ý Điều 6 quy định về điều khoản thi hành, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh đề nghị có quy định về việc ưu tiên áp dụng pháp luật vì trong điều khoản thi hành chưa đề cập đến việc ưu tiên áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật. Về ngày có hiệu lực thi hành, Nghị quyết nêu rõ: “Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 18 tháng 01 năm 2024 cho đến khi có quy định mới”. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng, Nghị quyết này có nhiều chính sách đặc thù mà không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đề nghị chỉ nên xác định ngày có hiệu lực vì không rõ “cho đến khi có quy định mới” là như thế nào, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội cũng thảo luận ở tổ về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Một số hình ảnh tại phiên thảo luận tại Tổ 2:

Toàn cảnh phiên thảo luận ở Tổ 2

Về khoản 7 Điều 4 của dự thảo Nghị quyết, đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh đề nghị nên quy định theo hướng để Chính phủ hướng dẫn lựa chọn các tiêu chí và địa phương dựa theo các tiêu chí đó để tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Góp ý Điều 6 quy định về điều khoản thi hành, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh đề nghị có quy định về việc ưu tiên áp dụng pháp luật vì trong điều khoản thi hành chưa đề cập đến việc ưu tiên áp dụng pháp luật khi có xung đột pháp luật. 

Tại điểm c khoản 5 Điều 4, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh bày tỏ băn khoăn không rõ cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án hỗ trợ là cấp nào, UBND hay HĐND? Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, làm rõ thêm.

Tại khoản 7 Điều 4, đại biểu Đỗ Đức Hiển đồng tình với phương án 2 theo hướng nên thí điểm cho giai đoạn này và mỗi tỉnh chọn một huyện thí điểm và không bắt buộc, đề nghị Chính phủ nên có tiêu chí lựa chọn để đảm bảo thống nhất về các chính sách.

Các đại biểu tại Tổ 2

Đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.

Đại diện Vụ Tài chính - Ngân sách giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác