ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG: TIẾP TỤC TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC MẶT CÔNG TÁC BÁM SÁT HOẠT ĐỘNG QUỐC HỘI, PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN ĐỊA PHƯƠNG

01/02/2024

Trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai toàn diện các mặt công tác. Trong đó, đối với hoạt động giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổ chức thực hiện giám sát 04 chuyên đề theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời thực hiện giám sát, khảo sát những vấn đề nổi cộm được cử tri, Nhân dân quan tâm...

ĐOÀN ĐBQH TỈNH HẬU GIANG: NỖ LỰC, ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG, GÓP PHẦN VÀO THÀNH CÔNG CHUNG CỦA QUỐC HỘI

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang

Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được trong năm 2023, bước sang năm 2024, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm bám sát Chương trình hoạt động của Quốc hội cũng như thực tiễn tại địa phương; chủ động đổi mới phương thức, nâng cao hơn nữa hiệu quả trên các phương diện công tác nhằm; đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chức năng của Quốc hội, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Chia sẻ về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm triển khai trong năm 2024, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cho biết:

Về công tác xây dựng Luật: Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức cho các vị đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến Luật tại các Hội nghị, Hội thảo do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức. Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách,... Phối hợp cùng Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan và các chuyên gia tổ chức lấy ý kiến đóng góp đối với các dự án luật theo chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2024 của Quốc hội. Đồng thời xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp các dự án luật gửi về Tổng Thư ký Quốc hội theo quy định.

Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam

Về công tác giám sát: Tổ chức thực hiện giám sát 04 chuyên đề theo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 (cụ thể 02 chuyên đề theo NQ của Quốc hội gồm: Chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” và 02 chuyên đề theo NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023; chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”); đồng thời tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội tham gia các hoạt động giám sát theo chương trình, kế hoạch của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội mà các đại biểu là thành viên.

Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thực hiện giám sát 01 chuyên đề “việc thực hiện, chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế”. Ngoài ra, tổ chức thực hiện giám sát, khảo sát những vấn đề nổi cộm được cử tri, Nhân dân quan tâm theo chương trình, kế hoạch của Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2024; giám sát, khảo sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến tại các kỳ họp Quốc hội; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng và hoàn thiện báo cáo tổng kết công tác giám sát năm 2024 và kiến nghị một số nội dung để Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình hoạt động giám sát năm 2025; Báo cáo tổng kết việc thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Tạo điều kiện để các vị đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội khóa XV và tại phiên họp chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Về quyết định các vấn đề quan trọng: Cùng với chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của Nhà nước. Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội luôn thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thể hiện tinh thần dân chủ, khách quan, trách nhiệm trong việc thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng theo thẩm quyền của Quốc hội, góp phần vào sự thành công của Quốc hội.

Về hoạt động tiếp xúc cử tri: Phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri theo định kỳ trước và sau Kỳ họp thứ Bảy, thứ Tám, Quốc hội Khóa XV theo đơn vị bầu cử, chuyên đề, lĩnh vực, nhóm đối tượng mà đại biểu quan tâm. Tổng hợp phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các cuộc tiếp xúc cử tri một cách đầy đủ, trung thực và kịp thời gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; đồng thời theo dõi, đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri theo quy định.

Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân: Tổ chức và duy trì công tác tiếp công dân định kỳ, thường xuyên tại Trụ sở Đoàn đại biểu Quốc hội; xây dựng kế hoạch để các vị đại biểu Quốc hội luân phiên tiếp công dân định kỳ theo quy định; kịp thời xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo phản ánh, kiến nghị của công dân theo quy định.

Bên cạnh đó, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri đối với các Bộ, ngành, Trung ương và chính quyền địa phương; Xây dựng và hoàn thiện báo cáo kết quả tiếp công dân, tiếp nhận và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2024 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.

Về hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách: Tạo điều kiện thuận lợi và tổ chức cho các vị đại biểu Quốc hội tham dự các Kỳ họp Quốc hội; Hội nghị đại biểu chuyên trách; tham gia các Đoàn giám sát, khảo sát; các cuộc hội nghị, hội thảo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức và tham dự các hội nghị do địa phương tổ chức.

Giữ mối liên hệ chặt chẽ trong công tác với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành địa phương,… nhằm bảo đảm thực hiện tốt các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và hoạt động của các vị đại biểu Quốc hội.

Về các hoạt động khác: Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Lễ, Tết và các sự kiện trong năm. Đồng thời, chỉ đạo Văn phòng tham mưu, phục vụ kịp thời các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội để giúp cho Đoàn đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch đề ra.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV

Từ thực tế triển khai hoạt động năm 2023 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam đưa ra một số kiến nghị, cụ thể:

Thứ nhất, kiến nghị Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai chương trình giám sát hàng năm cần xem xét về khoảng thời gian triển khai cho các Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện giám sát, hạn chế trong khoảng thời gian ngắn thực hiện nhiều chuyên đề giám sát. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu giao cơ quan Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện giám sát đối với một chuyên đề cụ thể.

Thứ hai, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan được giao phụ trách về nội dung, tài liệu phục vụ các Hội nghị do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tài liệu về các dự thảo Luật,… cần chủ động hoàn thành sớm, kịp thời gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội để có thời gian nghiên cứu, đóng góp sâu hơn.

Thứ ba, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan trong việc giải quyết trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri nên trả lời trọng tâm, tập trung của nội dung cử tri kiến nghị, tránh trường hợp trích dẫn quá nhiều điều khoản quy định của pháp luật./.

Lê Anh