ĐOÀN ĐBQH TP.HÀ NỘI TIẾP XÚC CỬ TRI BÁO CÁO KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV
TẠO ĐỘNG LỰC CHO THỦ ĐÔ HÀ NỘI PHÁT TRIỂN: ƯU TIÊN ĐÀO TẠO NGHỀ CHẤT LƯỢNG CAO VÀ BỐ TRÍ NGÂN SÁCH CHO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRỌNG ĐIỂM
Đề cập về công tác lập pháp, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, thứ 6, Đoàn ĐBQH thành phố đã tổ chức 31 lượt lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến. Đoàn đã tổ chức, phối hợp tổ chức 10 Hội nghị lấy ý kiến vào các dự thảo Luật: phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Tp.Hà Nội tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); phối hợp với UBND Thành phố trong triển khai xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Phối hợp với Liên đoàn lao động Thành phố tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Bảo hiểm Xã hội (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)….
Đoàn ĐBQH Thành phố đã lấy ý kiến góp ý của chuyên gia, các ngành, các đơn vị có liên quan: Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn của Thành phố, các cơ quan, đơn vị Trung ương trên địa bàn, các Viện nghiên cứu, Học viện, trường Đại học... Đồng thời, chỉ đạo Văn phòng đăng các dự thảo Luật và những nội dung cần xin ý kiến lên trang thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố để cá nhân, tổ chức quan tâm khai thác, góp ý kiến. Những ý kiến đóng góp vào các dự án Luật đều được Đoàn tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật. Đây là một trong những cơ sở quan trọng giúp các ĐBQH trong Đoàn tham khảo để phát biểu thảo luận và biểu quyết thông qua các dự án Luật tại kỳ họp thứ 5, thứ 6.
Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Các ĐBQH trong Đoàn là thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội đã tham gia đầy đủ, trách nhiệm vào nội dung các cuộc họp của các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra và góp ý kiến vào các nội dung trình tại kỳ họp thứ 5, thứ 6 của Quốc hội. Đặc biệt, trong năm 2023, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đã chủ trì đề xuất dự án Luật Chuyển đổi giới tính được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.
Hoạt động giám sát, khảo sát được triển khai đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng
Về công tác giám sát, trong năm 2023, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã tổ chức 05 Đoàn giám sát theo Nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Hoạt động giám sát, khảo sát luôn được quan tâm, triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Thực hiện Nghị quyết số 51/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội, Đoàn ĐBQH Thành phố đã tổ chức giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng giai đoạn 2018-2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã mời 11 ĐBQH, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ và một số cơ quan, ban ngành của Thành phố tham dự; đã giám sát trực tiếp tại 6 đơn vị, xem xét báo cáo của 37 đơn vị. Kết thúc đợt giám sát, Đoàn đã kiến nghị 32 nhóm vấn đề gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Thành phố.
Thứ hai: Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 27/11/2017 của Quốc hội, Đoàn ĐBQH Thành phố đã tổ chức giám sát chuyên đề “về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đoàn đã mời 12 ĐBQH, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ và đại diện một số cơ quan, ban ngành của Thành phố tham dự; đã giám sát, khảo sát trực tiếp tại 4 đơn vị, xem xét báo cáo của 39 đơn vị. Kết thúc đợt giám sát, Đoàn đã kiến nghị 40 nhóm vấn đề gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành, đại diện Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Thành phố.
Thứ ba: Thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 ngày 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH Thành phố đã tổ chức giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đoàn đã mời 11 ĐBQH, HĐND, Ủy ban MTTQ Thành phố và đại diện một số cơ quan, ban ngành của Thành phố tham dự. Đoàn đã tiến hành làm việc trực tiếp với UBND Thành phố, các Sở: Công thương, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và UBND các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Sóc Sơn, Gia Lâm; giám sát qua báo cáo của 11 đơn vị. Kết thúc đợt giám sát Đoàn đã kiến nghị 34 nhóm vấn đề gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành, đại diện Thường trực HĐND, UBND Thành phố.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai.
Thứ tư: Thực hiện Nghị quyết số 52/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội, Đoàn ĐBQH Thành phố đã tổ chức giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đoàn đã mời 17 ĐBQH, HĐND, Ủy ban MTTQ và đại diện một số cơ quan, ban ngành của Thành phố tham dự; đã tiến hành giám sát qua báo cáo của UBDN Thành phố; các Sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội; kết quả giám sát, khảo sát của Thường trực HĐND Thành phố, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố; giám sát trực tiếp Ban Dân tộc Thành phố, UBND huyện Ba Vì, khảo sát tại 03 xã của huyện Ba Vì. Kết thúc đợt giám sát, Đoàn đã kiến nghị 16 kiến nghị, đề xuất gửi tới Chính phủ và các Bộ ngành, HĐND, UBND Thành phố.
Thứ năm: Thực hiện kế hoạch, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tổ chức giám sát “Việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vụ tồn đọng, kéo dài trên địa bàn Tp.Hà Nội”. Đoàn giám sát tiến hành xem xét báo cáo của UBND Thành phố, rà soát, khảo sát, đề nghị báo cáo bổ sung cụ thể các vụ việc tồn đọng, kéo dài theo kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết thúc đợt giám sát Đoàn đã gửi 17 kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, UBND Thành phố.
Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã phối hợp tham gia 06 Đoàn giám sát, khảo sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Thường trực HĐND Thành phố như: Phối hợp tham gia Đoàn giám sát của Uỷ ban Xã hội của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2022; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng giai đoạn 2018-2022 làm việc với huyện Đông Anh, quận Bắc Từ Liêm và UBND Thành phố. Phối hợp tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 tại một số trường trên địa bàn huyện Ba Vì, Mê Linh, UBND Thành phố và tiếp Đoàn giám sát làm việc với Đoàn ĐBQH Hà Nội. Phối hợp tham gia Đoàn giám sát của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 về tiếp tục hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020-2022 tại quận Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy. Phối hợp tham gia Đoàn giám sát của Uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; tình hình thực hiện đầu tư công năm 2023, kế hoạch đầu tư công năm 2024; tình hình triển khai Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù, Đoàn đã tiến hành khảo sát một số công trình đầu tư công và làm việc với UBND Thành phố. Phối hợp tham gia Đoàn khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về “Việc chấp hành pháp luật về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù và tha tù trước thời hạn có điều kiện” tại trại giam Thanh Xuân (Bộ Công an). Phối hợp với HĐND Thành phố khảo sát về tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Công tác phối hợp của Đoàn ĐBQH Thành phố tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, HĐND Thành phố luôn được Lãnh đạo Đoàn quan tâm, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả đúng quy chế làm việc. Các vị ĐBQH Đoàn Hà Nội tham gia trách nhiệm các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn ĐBQH Thành phố.
Các ĐBQH trong Đoàn thực hiện tốt trách nhiệm cao hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6. Hoàn thành Báo cáo tổng hợp về hoạt động giám sát năm 2022 và đề xuất các nội dung giám sát tối cao năm 2024; Văn bản đề xuất một số nội dung chất vấn tại phiên họp 21 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Báo cáo Tổng kết Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tham dự các phiên giải trình của các Ủy ban của Quốc hội tổ chức.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) nhận được sự quan tâm của nhiều ĐBQH Tp.Hà Nội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Về việc quyết định các vấn đề quan trọng: Từ sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã tổ chức 03 kỳ họp bất thường từ yêu cầu thực tiễn. Các ĐBQH trong Đoàn dự kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV từ ngày 04/1 đến ngày 05/01/2023; kỳ họp bất thường lần thứ ba (18/01/2023); kỳ họp bất thường lần thứ tư (ngày 02/03/2023). Tại các kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia đầy đủ, nghiêm túc, thực hiện theo nội dung, chương trình kỳ họp. Các ĐBQH đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng cho nội dung của kỳ họp. Tại các kỳ họp bất thường, Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 Luật, 3 Nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Về kỳ họp thứ 5, thứ 6, Quốc hội khóa XV: Các ĐBQH trong Đoàn tham dự kỳ họp thứ 5, thứ 6 đầy đủ, nghiêm túc; tích cực tham gia thảo luận tại Hội trường, tại Tổ và các buổi họp Đoàn. Các ý kiến phát biểu được ĐBQH trong Đoàn nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, thể hiện ý thức và trách nhiệm cao. Nhiều ý kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng xây dựng Luật, Nghị quyết và thành công của kỳ họp Quốc hội.
Về thảo luận, biểu quyết thông qua các dự án Luật, Nghị quyết: Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua 8 dự án luật; 17 Nghị quyết ; Cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án Luật và cho ý kiến 8 dự án luật. Quốc hội cũng quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội có 31 ĐBQH tham gia đầy đủ, nghiêm túc đã có 121 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại tổ và tại hội trường, trong đó: Có 83 lượt đại biểu phát biểu tại Tổ; có 38 lượt đại biểu phát biểu tại Hội trường.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thông qua 7 dự án Luật, 9 Nghị quyết; cho ý kiến vào 8 dự án Luật. Quốc hội cũng quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã có 88 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại tổ và tại hội trường, trong đó có 60 lượt đại biểu phát biểu tại Tổ; có 28 lượt đại biểu phát biểu tại Hội trường.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao
Về giám sát tối cao: Hoạt động giám sát trong kỳ họp diễn ra sôi nổi, Quốc hội giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid -19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; Xem xét báo cáo về kết quả thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Xem xét các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023…
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã dành 2,5 ngày chất vấn 03 Bộ trưởng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về các lĩnh vực: lao động, thương binh và xã hội, khoa học và công nghệ, giao thông vận tải, dân tộc. Các vấn đề được Quốc hội lựa chọn là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mong muốn của Nhân dân và cử tri. Tại các phiên chất vấn, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã có 12 lượt đại biểu chất vấn và tranh luận tại hội trường.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Với phạm vi rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau. Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội có 09 đại biểu chất vấn các Bộ trưởng, Trưởng ngành và ý kiến tranh luận của đại biểu.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, có tính xây dựng cao. Các ĐBQH đã nêu câu hỏi sát thực tế diễn biến của đời sống và nguyện vọng của cử tri, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với cử tri và Nhân dân, với nội dung ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, ít trùng lặp, có đối thoại, tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, sử dụng tối đa hiệu quả thời gian để chất vấn và làm rõ vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm.
Về các hoạt động khác tại kỳ họp: Các ĐBQH là thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã tham gia trách nhiệm các phiên họp thẩm tra, đóng góp báo cáo tiếp thu, giải trình các nội dung trình kỳ họp. Nhân kỳ họp thứ 5, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội chủ trì tổ chức gặp mặt và trao đổi kinh nghiệm hoạt động với 22 Đoàn ĐBQH các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Buổi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với các Đoàn ĐBQH. Ngoài ra, Đoàn đã phối hợp với Ban Công tác đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức gặp mặt các đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại huyện Mê Linh.
Nhân kỳ họp thứ 6, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã chủ trì tổ chức gặp mặt với 26 Đoàn ĐBQH một số tỉnh phía Bắc, vùng Đồng Bằng Sông Hồng. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH Thành phố còn phối hợp với với Ban Công tác đại biểu, UBND Thành phố tổ chức gặp mặt các đại biểu Quốc hội chuyên trách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tại UBND Thành phố.
Về Hội nghị ĐBQH chuyên trách: Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 3 diễn ra từ ngày 5-7/4/2023 và lần thứ 4 vào ngày 28-30/8/2023. Đây là kỳ họp ĐBQH chuyên trách được tổ chức theo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng kết hợp trực tuyến.
Tại hội nghị chuyên trách lần thứ 3, các đại biểu góp ý kiến vào 7 dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5. Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội có 14 ĐBQH Hà Nội tham gia trách nhiệm. Trong 03 ngày làm việc, Đoàn ĐBQH Hà Nội có 7 lượt ý kiến phát biểu đóng góp vào các dự án Luật: Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)…
Tại hội nghị chuyên trách lần thứ 4, các đại biểu đã thảo luận 9 dự án luật, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 6. Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội có 14 ĐBQH Hà Nội tham gia trách nhiệm. Đoàn ĐBQH Hà Nội có 5 lượt ý kiến phát biểu đóng góp vào các dự án Luật như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi)… Nhìn chung, các ĐBQH tham gia đầy đủ, tích cực tham gia thảo luận tại các phiên họp. Các ý kiến phát biểu được ĐBQH trong Đoàn nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, thể hiện ý thức và trách nhiệm cao. Nhiều ý kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng dự án Luật và thành công của hội nghị.
Đánh giá chung về hoạt động của Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội trong năm 2023, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp.Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai nhận định: Trong năm 2023, thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH Thành phố chủ động triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung công việc năm 2023. Mặc dù với khối lượng công việc nhiều, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đề ra trên tất cả lĩnh vực công tác như: tham gia xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đối ngoại…
Công tác giám sát, khảo sát được Đoàn thực hiện đảm bảo tiến độ, nội dung chuẩn bị kỹ lưỡng, tổ chức thực hiện nghiêm túc đúng quy trình, hiệu quả, Đoàn đã báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan có liên quan. Công tác xây dựng Luật ngày càng được tăng cường lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan, đơn vị tổ chức có liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật. Hoạt động Tiếp xúc cử tri của ĐBQH trong Đoàn tiếp tục được đổi mới; phương thức tổ chức ngày càng phong phú, đa dạng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Công tác phối hợp giữa các cơ quan đơn vị trong việc tổ chức các hội nghị Tiếp xúc cử tri ngày càng chặt chẽ.
Công tác tiếp công dân được các vị ĐBQH thực hiện nghiêm túc theo lịch phân công. Công tác theo dõi, phân loại xử lý đơn thư kiến nghị, khiếu nại tố cáo được tăng cường. Các ĐBQH tham dự các kỳ họp đầy đủ; nhiều đại biểu Quốc hội tích cực tham gia thảo luận tại Tổ và Hội trường; các ý kiến phát biểu được các ĐBQH trong Đoàn nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, thể hiện ý thức, trách nhiệm. Nhiều ý kiến được Ủy ban Thường vụ tiếp thu, góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng kỳ họp Quốc hội. Trong quá trình hoạt động, Đoàn ĐBQH Thành phố luôn giữ mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Thành phố. Đồng thời chủ động phối hợp tham gia các Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát, khảo sát tại thành phố Hà Nội./.