ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC NINH ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC NHỜ SỰ CHỦ ĐỘNG, SÁNG TẠO, CẢI TIẾN VÀ ĐỔI MỚI
9 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, năm 2024 Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm: Tham dự Kỳ họp chuyên đề tháng 01/2024; Giám sát theo chương trình của Quốc hội: Giám sát theo chương trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật, tiếp xúc cử tri chuyên đề và tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7; Tham dự Kỳ họp thứ 7 và tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 7; Giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lấy ý kiến đóng góp xây dựng luật, tiếp xúc cử tri chuyên đề và tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8; Tham dự Kỳ họp thứ 8 và tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8; Tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh triển khai nhiệm vụ năm 2024
Cụ thể, đối với công tác xây dựng pháp luật, trên cơ sở chương trình xây dựng luật của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật và tổng hợp ý kiến đóng góp, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp Quốc hội đúng thời gian quy định.
Tổ chức thực hiện giám sát 02 chuyên đề theo Nghị quyết số 90/2023/QH15 ngày 08/6/2023 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, gồm: Chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 cảu Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; Chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Tổ chức thực hiện giám sát 02 chuyên đề theo Nghị quyết số 833/NQ-UBTVQH15 ngày 27/7/2023 về Chương trình giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, gồm: Chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cáo chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”; Chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Ngoài ra, Đoàn Đại biểu Quốc hội xây dựng kế hoạch và lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề gắn với tình hình thực tế của địa phương: “Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2018 -2023” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại làng nghề và địa bàn dân cư giai đoạn 2018-2023”.
Hoạt động tiếp xúc cử tri và công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tiến hành đúng quy định, tiếp tục đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, kịp thời chuyển đến cơ quan chức năng, các bộ, ngành, Quốc hội...
Cùng với thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh chú trọng tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách
Hồ sơ một số dự án luật gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội còn chậm
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân cho biết, qua quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ tại địa phương, còn một số tồn tại hạn chế, như: Hồ sơ một số dự án luật gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội còn chậm đã ảnh hưởng đến thời gian nghiên cứu của đại biểu Quốc hội và của các cơ quan, đơn vị có liên quan được lấy ý kiến đóng góp. Đa phần các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm nên quỹ thời gian làm nhiệm vụ đại biểu còn hạn chế.
Các cuộc giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thường thực hiện trong khoảng thời gian ngắn trùng vào thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giám sát. Các cuộc giám sát thường tổ chức theo hình thức Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội; ít đại biểu Quốc hộithực hiện chương trình giám sát riêng theo quy định của Luật hoạt động giám sát.
Hoạt động tiếp xúc cử tri chủ yếu được tổ chức định kỳ trước và sau kỳ họp, một số hình thức như tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực đã được quan tâm và tổ chức thực hiện nhưng chưa được thường xuyên; có lúc, có nơi thành phần cử tri tham dự chưa phong phú; chất lượng và tiến độ trả lời kiến nghị của cử tri đôi khi chưa đảm bảo. Một số nội dung trả lời kiến nghị của cử tri còn chung chung, chưa cụ thể, chưa đề cập hết nội dung cử tri nêu, cần làm rõ thêm, dẫn đến việc phải giao lại đã ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ trả lời kiến nghị của cử tri. Vai trò của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa làm tốt việc thông báo rộng rãi nên chưa thu hút được cử tri, các tầng lớp Nhân dân tham dự, tình trạng “đại cử tri” vẫn diễn ra làm cho hiệu quả cuộc tiếp xúc chưa cao...
Kiến nghị bổ sung chế tài đối với các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát chậm hoặc không thực hiện kiến nghị sau giám sát
Để hoàn thành tốt trọng trách được giao, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị Quốc hội đẩy nhanh quá trình chuẩn bị tài liệu dự án luật, tài liệu phục vụ kỳ họp, để đại biểu Quốc hội có nhiều thời gian nghiên cứu, đóng góp ý kiến, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh kiến nghị bổ sung chế tài đối với các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát chậm hoặc không thực hiện kiến nghị sau giám sát
Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, các văn bản hướng dẫn thực hiện có liên quan; Bổ sung quy định cụ thể về chế tài đối với các cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát chậm hoặc không thực hiện các kiến nghị sau giám sát. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tính toán thời gian yêu cầu các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức giám sát và báo cáo kết quả giám sát theo từng chuyên đề tại địa phương hợp lý hơn, tránh tình trạng tập trung tại một thời điểm.
Chính phủ chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ Trung ương đến cơ sở, nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo, giúp thực hiện chế độ thông tin báo cáo nhanh chóng, tổng hợp số liệu liên quan hiệu quả, chính xác.
Ngoài ra, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật và nâng cao kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền, khắc phục tình trạng một số kiến nghị trả lời chậm, quá thời hạn quy định; một số kiến nghị trả lời chung chung, chưa đề cập hết nội dung cử tri nêu; một số kiến nghị giao chưa đúng thẩm quyền, phải giao lại; Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.