ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ GIANG ĐỀ XUẤT 02 ĐỀ NGHỊ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TRONG NĂM 2024

29/03/2024

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 2024 diễn ra mới đây, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang luôn chủ động đổi mới tư duy và phương thức thực hiện các nhiệm vụ và đề xuất 02 đề nghị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong năm 2024.

LẦN ĐẦU TIÊN ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XV TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ

CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, VĂN PHÒNG QUỐC HỘI VỚI ĐOÀN ĐBQH CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TIẾP TỤC ĐI VÀO NỀN NẾP, CÓ CHIỀU SÂU, ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương và địa phương, đại diện Lãnh đạo Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. 

Cùng với sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử Quốc hội, Đoàn ĐBQH các địa phương rất vui mừng hoạt động công tác năm lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội tổ chức hội nghị tổng kết đánh giá, đây là cơ hội, là luồng gió mới thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với hoạt động của Đoàn ĐBQH có cơ hội được đóng góp, hoàn thiện hơn về yêu cầu nhiệm vụ nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn ĐBQH, ĐBQH ở các địa phương.

Đánh giá và làm rõ về kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2023, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan nhận định: Năm 2023 là năm Quốc hội có khối lượng công việc lớn (2 kỳ họp thường kỳ, 3 kỳ họp bất thường) nhưng với sự đổi mới chủ động, linh hoạt của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc triển khai các kế hoạch, chương trình, nghị quyết liên quan đến công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng đến Đoàn ĐBQH, ĐBQH được tổ chức chủ động, bài bản chuyên nghiệp, đặc biệt rất nhiều hội nghị là “lần đầu tiên” của Quốc hội. Đây chính là cơ sở cho hoạt động chuyên đề. Đoàn ĐBQH đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình xây dựng pháp luật, chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Đoàn ĐBQH tại địa phương. Với khối lượng công việc lớn và nhiều vấn đề khó, phức tạp đòi hỏi đặt ra với ĐBQH trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn (khảo sát, giám sát tại địa phương).

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đã chủ động đổi mới tư duy và phương thức thực hiện các nhiệm vụ. Thông qua khảo sát, giám sát thực tiễn, các ĐBQH đã có thêm góc nhìn tổng thể, toàn diện thể hiện tinh thần trách nhiệm thông qua phát biểu, thảo luận tổ, chất vấn tại kỳ họp và các cuộc họp chuyên đề góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả vào thành công của các kỳ họp Quốc hội.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan.

Trong nhiệm kỳ này, rất nhiều hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy hoạt động, chế độ của ĐBQH và Đoàn ĐBQH được quan tâm triển khai đồng bộ. Đây cũng là sự nỗ lực và quan tâm sát sao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ban Công tác đại biểu để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho vị trí, vai trò và giao nhiệm vụ cụ thể cho Đoàn ĐBQH địa phương hoạt động, đáp ứng yêu cầu hoạt động hiệu lực hiệu quả của Đoàn ĐBQH như Nghị quyết 761 về bồi dưỡng cập nhật kiến thức kỹ năng hoạt động cho đại biểu; Nghị quyết 43 quy định về kỷ niệm chương; Nghị quyết 44 quy đinh về khen thưởng; việc rà soát bổ sung quy hoạch chức danh Phó Trưởng đoàn, Trưởng đoàn cho nhiệm kỳ sau...

Có thể nói, kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH địa phương đạt được những kết quả trên là sự tổng hoà của lãnh chỉ đạo xuyên suốt kịp thời quyết liệt, thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Hội đồng, Uỷ ban của Quốc hội, sự nỗ lực của từ Đoàn ĐBQH và ĐBQH không ngừng tìm tòi, phấn đấu để hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao.

02 đề nghị nhằm nâng cao chất lượng của Đoàn ĐBQH

Để triển khai hiệu quả công tác, nhiệm vụ năm 2024, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan đề xuất một số kiến nghị, đề nghị:

Thứ nhất: Cần quy định cụ thể vị trí, pháp lý cho Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố đúng chức năng, nhiệm vụ để thực thi các nhiệm vụ của Quốc hội ở tại địa phương đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có quy định thống nhất từ Trung ương đến địa phương về cơ cấu cứng của Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách là Uỷ viên Ban Thường vụ. Đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Ban Công tác đại biểu có ý kiến để đưa vào chỉ thị của Bộ Chính trị và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương đối với công tác chuẩn bị nhân sự cấp uỷ địa phương nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Ngoài ra, cần quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chức danh Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách ở các địa phương đảm bảo nguồn cán bộ kế cận và đảm bảo tính chuyên nghiệp của ĐBQH chuyên trách.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết hoạt động của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. 

Thứ hai: Các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho rằng, quan trọng nhất liên quan đến chất lượng thảo luận, tham gia tại các kỳ họp Quốc hội là việc chuẩn bị và gửi tài liệu dự án luật sớm phục vụ kỳ họp để đoàn ĐBQH nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng. Tăng cường việc xây dựng báo cáo giải trình của các cơ quan soạn thảo, gửi cho đại biểu nghiên cứu trước khi thảo luận tại hội trường.

Năm 2024, là năm nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp với khối lượng công việc của Quốc hội rất lớn, hơn ai hết nhiệm vụ của Đoàn ĐBQH, ĐBQH đòi hỏi tiếp tục phải có sự đổi mới, chủ động, linh hoạt, trách nhiệm để hoàn thành tốt các nhiệm vụ kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề ra, rất cần có sự tâm huyết, trách nhiệm và sự nỗ lực của đội ngũ Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách và để hoàn thành nhiệm vụ góp phần xây dựng Quốc hội chuyên nghiệp, hiệu quả./.

Bích Lan - Nghĩa Đức