THANH HÓA: NHỮNG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC SAU KHI SẮP XẾP ĐỀU PHÙ HỢP VỚI QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CHUNG CỦA CẢ NƯỚC
THANH HÓA: VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ DỰ ÁN ĐƯỜNG CAO TỐC NHẬN ĐƯỢC SỰ ỦNG HỘ RẤT LỚN CỦA NGƯỜI DÂN
Thực hiện Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH15 ngày 02/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) giai đoạn 2018-2023”, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tiến hành giám sát trực tiếp tại 06 đơn vị, đồng thời, giám sát qua báo cáo đối với 31 cơ quan, đơn vị.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ĐVSN thực hiện nghiêm việc chấm dứt lao động hợp đồng sai quy định. Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 09/9/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh về tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý công chức, viên chức, hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, ĐVSNCL đã yêu cầu các cơ quan đơn vị nhất là các ĐVSNCL tự quyết định và chịu trách nhiệm về số lượng người làm việc tăng thêm từ kết quả thực hiện về tự chủ tài chính; đồng thời chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định.
Đoàn Giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (ảnh: Báo Thanh Hóa).
Kết quả tinh giản biên chế cho thấy, giai đoạn 2015-2021, tỉnh Thanh Hóa đã giảm 6.843 biên chế viên chức, đạt tỷ lệ 10,1% (đã bao gồm số biên chế được Trung ương giao bổ sung). Giai đoạn 2022-2026, thực hiện Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị và Quyết định số 72-QĐ-/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị, tỉnh tiếp tục giảm ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước (giảm 6.086, trong đó, năm 2022 và 2023 đã giảm 1.252 biên chế tương ứng tỷ lệ giảm 2% so với năm 2021).
Về kết quả thực hiện về số lượng lãnh đạo cấp phó do thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập: Việc thực hiện số lượng cấp phó trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh quản lý, trong đó có việc bố trí cấp phó do thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập nhìn chung không vượt quá quy định, cơ bản bảo đảm theo tiêu chí cấp phó quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ.
Về kết quả nâng cao nguồn nhân lực: Công tác tổ chức tuyển dụng viên chức được tỉnh thực hiện đảm bảo theo quy định pháp luật về tuyển dụng viên chức từ đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục, hình thức, nội dung tuyển dụng; trong đó, phương thức tuyển dụng viên chức chủ yếu là thông qua hình thức xét tuyển.
Về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và loại hình doanh nghiệp khác: Trong giai đoạn giám sát, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện hoàn thành việc cổ phần hoá đối với 01 đơn vị là Xí nghiệp giao thông xây dựng Cẩm Thủy. Đối với các đơn vị khác, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao các cơ quan có chức năng nghiên cứu, xem xét thực hiện cổ phần hoá: Đội quản lý giao thông đường bộ huyện Hà Trung; Đội đảm bảo giao thông huyện Triệu Sơn; Hạt giao thông thị xã Nghi Sơn (hiện nay đã sáp nhập với Trung tâm Quản lý Hạ tầng Môi trường và Hỗ trợ đầu tư, trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp); Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Thanh Hóa.
Việc khuyến khích xã hội hoá các dịch vụ sự nghiệp công đạt nhiều kết quả tích cực
Đề cập về thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải cho biết, trên cơ sở danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Nghị quyết, Quyết định về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa thuộc các lĩnh vực: Y tế - Dân số, Lao động - Thương binh và xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Thông tin và truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa - gia đình - Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, nhằm đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn tỉnh; tăng tính chủ động, sáng tạo, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao đời sống cán bộ, viên chức, nâng cao chất lượng các dịch vụ sự nghiệp và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải nhận định: Việc khuyến khích xã hội hoá các dịch vụ sự nghiệp công, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học và công nghệ thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các ngành đều đã xây dựng kế hoạch và tổ chức chỉ đạo triển khai xã hội hóa một số lĩnh vực của ngành; lĩnh vực y tế có sự tham gia đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp tư nhân nên chất lượng khám, chữa bệnh từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện được nâng cao, công tác chăm sóc và bảo đảm sức khoẻ cho Nhân dân được nâng cao.
Công tác xã hội hóa giáo dục được triển khai tích cực nên nhận thức của các cấp, các ngành có nhiều thay đổi, bước đầu đã có sự quan tâm, chăm lo, huy động sự hỗ trợ của Nhân dân, các tổ chức xã hội, đoàn thể, đặc biệt là cha mẹ học sinh trong việc hỗ trợ xây dựng trường lớp. Tỷ lệ học sinh ngoài công lập dần được nâng lên góp phần giảm áp lực đối với các trường công lập và giảm chi ngân sách nhà nước… Tuy nhiên, kết quả giám sát thực tế, tại các huyện việc thực hiện xã hội hoá trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ còn nhiều khó khăn, chậm đổi mới và chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Về nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập: Công tác tổ chức, sắp xếp lại nhằm nâng cao năng lực quản trị của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, kịp thời theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, Kế hoạch của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh.
Việc sắp xếp lại được tổ chức để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của từng đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, giảm hoặc sáp nhập các phòng, ban, tổ, đội trực thuộc của đơn vị hoạt động không hiệu quả hoặc có nhiệm vụ tương đồng. Phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị của ĐVSNCL được chỉ đạo thực hiện đổi mới, bảo đảm sự chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội; đảm bảo tự chủ về nguồn thu và quản lý nguồn thu của các ĐVSNCL.
Chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của các đơn vị được nâng lên thông qua việc sửa đổi, bổ sung ban hành quy chế hoạt động, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý tài sản công, xác định rõ thẩm quyền trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân, nhất là người đứng đầu, thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán đúng quy định, bảo đảm công khai minh bạch trong hoạt động tài chính của đơn vị sự nghiệp.
Mô hình quản lý một số đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp đã được thay đổi theo mô hình Hội đồng trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và quy định của pháp luật. Công tác kiểm định đánh giá và xếp hạng các ĐVSNCL được thực hiện nghiêm túc góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập trong từng ngành, lĩnh vực; đổi mới phương thức đầu tư cho mỗi loại tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập theo hệ thống phân loại, xếp hạng.
Các đơn vị công lập thực hiện tự chủ đã sắp xếp tổ chức bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính hiệu quả hơn
Đề cập về việc hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải, tính đến thời điểm 31/12/2023, Thanh Hóa có 2.181 ĐVSNCL được giao tự chủ tài chính. Trong đó có 03 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 46 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 227 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 1.905 đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Về tự chủ về nhân sự, tổ chức bộ máy, thực hiện nhiệm vụ: Các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thực hiện tự chủ về nhân sự, tổ chức bộ máy và tự quyết định số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm. Đối với các ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thì từng bước thay thế việc trả lương từ nguồn ngân sách nhà nước bằng nguồn thu sự nghiệp.
Đối với danh mục dịch vụ sự nghiệp công: Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục sự nghiệp công thuộc các lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường; xây dựng; khoa học và công nghệ; giao thông; văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch. Đồng thời, đã ban hành quyết định ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật ở một số lĩnh vực làm cơ sở thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ theo Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.
Về việc thực hiện đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát ngân sách nhà nước: Thực hiện quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định hoặc ủy quyền quyết định đặt hàng các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đối với Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, thông tin truyền thông, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp….
Về việc đẩy mạnh chuyển đổi các ĐVSNCL sang mô hình tự chủ hoàn toàn cả về chi đầu tư, chi thường xuyên: Tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các ĐVSNCL có khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên, tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu ĐVSNCL bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội; đảm bảo tự chủ về nguồn thu, các ĐVSNCL đã chủ động trong việc tìm kiếm, khai thác và phát triển các hoạt động sự nghiệp nhằm tăng nguồn thu sự nghiệp cho đơn vị; tự chủ trong việc đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, tạo điều kiện mở rộng hoạt động sự nghiệp, dịch vụ trong đơn vị; trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để tái đầu tư, tự chủ về chi thường xuyên và đầu tư giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn lực để phát triển và nâng cao số lượng, chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từ đó phát triển nguồn thu.
Về việc chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công: Các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phần lớn là các đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, các đơn vị này không có nguồn thu hoặc có nguồn thu nhưng chiếm tỷ lệ nguồn thu thấp, dưới 10%.
Về việc xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về tài chính và tài sản công của ĐVSNCL: Tỉnh Thanh Hóa hiện đang áp dụng hệ thống thông tin quản lý ngân sách (Tabmis) và phần mềm quản lý tài sản công.
Về việc bảo đảm nguồn kinh phí để giải quyết chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL trực thuộc: Nguồn kinh phí để giải quyết chính sách đối với những người dôi dư do sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL trực thuộc và thực hiện tinh giản biến chế được tỉnh triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Về thuận lợi của việc ĐVSNCL thực hiện cơ chế tự chủ; xu hướng ĐVSNCL chuyển từ tự chủ hoàn toàn sang tự chủ một phần: Các đơn vị đã bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyền quyết định số lượng người làm việc và chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt đề án vị trí việc làm theo thẩm quyền quy định tại Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ. Các ĐVSNCL thực hiện cơ chế tự chủ thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ đối với dịch vụ sự nghiệp công nằm trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền ban hành và theo giá do cơ quan có thẩm quyền quy định theo pháp luật về giá.
Về hiệu quả của việc các ĐVSNCL thực hiện cơ chế tự chủ: Việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị công lập đã giúp các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, sắp xếp tổ chức bộ máy, sử dụng nguồn nhân lực và tài chính có hiệu quả; huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, hiện đại hóa cơ sở vật chất phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ công, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Công tác quản lý tài chính được hoàn thiện và nâng cao thông qua việc xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, cơ chế quản lý, sử dụng nguồn tài chính; từng bước chủ động tổ chức sắp xếp lại nhân sự tinh gọn, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người lao động gắn với trách nhiệm và hiệu quả công tác của người lao động; chủ động quyết định các giải pháp để nâng cao chất lượng lao động và hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Hải cho rằng, qua giám sát thực tế cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực thể thao, văn hoá. Các đơn vị sự nghiệp lĩnh vực thể thao, văn hoá ở tỉnh cũng như cấp huyện sau khi sắp xếp phần lớn không thực hiện được đầy đủ nội dung các yêu cầu về thực hiện cơ chế tự chủ như: Việc chuyển đổi mô hình sang tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư; chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công; thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công … Phần lớn hoạt động vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước.
Nguyên nhân cơ bản do khó khăn trong cạnh tranh với khu vực tư nhân, không có đủ nguồn lực để thực hiện do cơ sở vật chất hiện có đã quá xuống cấp dẫn đến không có nguồn thu sự nghiệp; cơ chế, chính sách, danh mục dịch vụ công cơ bản thiết yếu, định mức kinh tế - kỹ thuật còn thiếu chưa đồng bộ, thống nhất.
Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ĐVSNCL: Việc phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các ĐVSNCL được tăng cường thực hiện cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính; thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý và điều hành đơn vị sự nghiệp được quy định rõ ràng; kết quả thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là tiêu chí làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm của các cơ quan, đơn vị.
Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có sự phối hợp tốt với cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính trong quản lý ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực sự nghiệp, kiểm tra giám sát chặt chẽ trong việc chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp đảm bảo theo quy định. Trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, quản lý, điều hành cơ quan, đơn vị cũng như việc phân công thực hiện nhiệm vụ của các vị trí việc làm được quy định cụ thể trong các đề án sắp xếp, đề án vị trí việc làm, quy chế tổ chức, hoạt động của từng ĐVSNCL và được tổ chức thực hiện nghiêm túc; ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, trong từng vị trí việc làm đã được nâng lên.
Công tác kiểm định, đánh giá độc lập về chất lượng dịch vụ sự nghiệp công đã được tổ chức thực hiện trên một số lĩnh vực như giáo dục, cơ sở khám chữa bệnh, xây dựng, giao thông đảm bảo theo đúng quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị sự nghiệp cung ứng dịch vụ sự nghiệp công được tăng cường thường xuyên góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Ngoài ra, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các ĐVSNCL giúp phát hiện các chính sách, các quy định và các chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị không còn phù hợp, không khả thi để báo cáo kịp thời với người đứng đầu có các điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp.
Qua giám sát thực tế tại Sở Văn Hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý của một số đơn vị cần rà soát, sắp xếp lại hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để đảm bảo sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý Nhà nước; hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các chính sách đổi mới, xắp xếp các ĐVSNCL./.