HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN DỰ THẢO LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)
Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh góp ý Dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Theo bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, qua 10 năm thi hành, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các nghị quyết, văn kiện của Đảng đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về cải cách tư pháp, cần phải thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Tòa án nhân dân là rất cần thiết.
Góp ý với Dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi), bà Ung Thị Xuân Hương đề nghị, cần quy định nội hàm “quyền tư pháp” trong dự thảo Luật là cơ sở để quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án được quy định tại Điều 3, Dự thảo Luật; bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của Tòa án vì việc ra quyết định khởi tố vụ án thuộc chức năng của cơ quan điều tra, công tố. Tòa án là cơ quan xét xử nhưng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính vô tư, khách quan trong quá trình xét xử vụ án đó.
Cũng theo bà Ung Thị Xuân Hương, những nghiên cứu kỹ hơn cùng những tác động của việc thành lập các tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử để đảm bảo tính chuyên môn hóa với những vụ việc có tính đặc thù như: hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản… Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa nêu rõ được cách thức tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, chưa nêu được sự khác biệt giữa Tòa chuyên trách và Tòa án nhân dân chuyên biệt, dễ dẫn đến phức tạp hóa hệ thống Tòa án.
Quang cảnh Hội thảo.
Cũng về vấn đề này, Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn phương án thành lập các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, vì điều này phù hợp với nội dung Nghị quyết 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị việc tổ chức Tòa án nhân dân sẽ bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm, để phù hợp với nguyên tắc xét xử sơ thẩm, phúc thẩm hiện nay.
Luật sư Phạm Công Hùng, Giám đốc Công ty Luật Công Hùng và cộng sự, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh lại không đồng ý với ý kiến này. Luật sư Phạm Công Hùng cho rằng, cần giữ phương án tổ chức Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án quân sự Trung ương; Tòa án nhân dân quân khu và tương đương; Tòa án quân sự khu vực.
Theo Luật sư Phạm Công Hùng, chưa nên đưa vào Dự thảo Luật về việc thành lập Tòa án nhân dân phúc thẩm và Tòa án nhân dân sơ thẩm, vì các cơ sở lý luận và thực tiễn để thành lập 2 Tòa án trên chưa thật sự phù hợp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã có ý kiến góp ý với Dự thảo Luật, nhất trí về tầm quan trọng của việc xây dựng Tòa án điện tử; các quy định về hoạt động thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử; quyền hạn và nhiệm vụ Tòa án nhân dân khi giải quyết, xét xử vụ án…
Dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) xin ý kiến Đoàn Đại biểu Quốc hội và các cơ quan liên quan gồm 9 chương và 153 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.