ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH YÊN BÁI TIẾP XÚC CỬ TRI TẠI HUYỆN LỤC YÊN
Cùng dự Hội nghị tiếp xúc cử tri có các đồng chí: Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái; Hoàng Thị Thanh Bình - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Mù Cang Chải.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung đã báo cáo với cử tri huyện Mù Cang Chải về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, Kỳ họp sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2024 và dự kiến bế mạc vào ngày 27/6/2024. Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt: đợt 1 từ ngày 20/5 đến 08/6/2024; đợt 2 từ ngày 17/6 đến 27/6/2024, theo hình thức họp trực tiếp tại Hà Nội.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến vào 11 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Trên tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, cử tri huyện Mù Cang Chải đề nghị Trung ương xem xét, ban hành chính sách đặc thù đối với các xã vùng cao đạt chuẩn nông thôn mới để tạo động lực và duy trì bền vững các tiêu chí đã đạt được; xem xét điều chỉnh các tiêu chí thiếu hụt của hộ nghèo trong chuẩn nghèo mới giai đoạn 2025-2030 cho phù hợp.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh gặp gỡ, trao đổi với các cử tri đồng bào dân tộc thiểu số huyện Mù Cang Chải
Đối với Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái, sau 1 năm triển khai, cử tri huyện Mù Cang Chải cho rằng mức hỗ trợ 60 triệu đồng để làm mới nhà ở cho hộ nghèo đối với huyện vùng cao Mù Cang Chải là chưa đảm bảo do chi phí vận chuyển cao, giá cả vật liệu thường cao gấp 3 - 4 lần so với vùng thấp, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm hỗ trợ về lực lượng nhưng các hộ có nhu cầu được hỗ trợ làm nhà vẫn rất khó thực hiện.
Cử tri đề nghị tỉnh xem xét cấp bổ sung kinh phí chi khác cho các trạm y tế xã thuộc Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải; xem xét cấp bổ sung xe cứu thương, tăng tiền trực cho đội ngũ cán bộ y tế; đề nghị Trung ương và tỉnh có hướng dẫn bằng văn bản để người dân khai thác rừng phòng hộ và rừng đặc dụng phù hợp, tránh trường hợp người dân chăm sóc, bảo vệ rừng mà không được sử dụng gỗ làm những vật dụng thiết yếu dẫn đến người dân không còn tha thiết bảo vệ rừng.
Cử tri cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh các tiêu chí đặc thù trong xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với từng vùng miền. Chẳng hạn như tiêu chí 15.3 về trẻ thấp còi, do đặc điểm người dân Mù Cang Chải khá thấp nên mặc dù các bé rất khỏe nhưng không đủ chiều cao, cân nặng nên rất khó thực hiện tiêu chí này...
Cử tri huyện Mù Cang Chải nêu ý kiến, kiến nghị với ĐBQH tỉnh Yên Bái tại buổi tiếp xúc.
Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đề nghị Tỉnh ủy xem xét điều chỉnh Quyết định số 105-QĐ/TU, ngày 17/12/2020 của Tỉnh ủy về phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức, bộ máy của Liên đoàn Lao động tỉnh, trong đó tăng thêm tổng biên chế cho Liên đoàn Lao động tỉnh để tăng thêm cho Liên đoàn Lao động huyện Mù Cang Chải 1 biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm theo quy định; đề nghị Quốc hội có giải pháp đảm bảo quyền lợi của người thụ hưởng chính sách bảo hiểm xã hội khi từ ngày 1/7/2024 sẽ không còn mức lương cơ sở.
Cử tri cũng cho biết hiện nay trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đang triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội, phải thu hồi đất sản xuất của người dân, tuy nhiên mức giá đền bù rất thấp so với giá mua bán trên thị trường, do đó, đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh mức bồi thường giá đất sản xuất phù hợp theo giá thị trường để người dân có thể mua lại đất sản xuất, ổn định đời sống.
Đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm điều chỉnh nâng mức thu hút cao hơn, có hình thức đào tạo tại chỗ cho đối tượng y sĩ học lên bác sĩ và tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong thời gian tới; quan tâm điều chỉnh nâng mức và mở rộng đối tượng thu hút giáo viên đối với nhiều bộ môn khác chứ không chỉ riêng đối với giáo viên môn Tin học và Ngoại ngữ như hiện nay.
Cùng với đó, cử tri cho biết, hiện nay hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã cũng như các trang thiết bị phục vụ hoạt động đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp trầm trọng; vị trí nhiều điểm bưu điện văn hóa xã không còn phù hợp với quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội của các xã, ảnh hưởng đến mỹ quan cơ quan hành chính. Việc sửa chữa, nâng cấp đã được triển khai thực hiện nhưng tiến độ còn chậm, việc di dời còn gặp nhiều khó khăn do đất và tài sản trên đất của các điểm bưu điện văn hóa này thuộc sự quản lý của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Do đó, cử tri đề nghị Đoàn ĐBQH kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam rà soát, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính và ủy ban nhân dân các tỉnh tháo gỡ.
Các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái dự Hội nghị tiếp xúc với cử tri huyện Mù Cang Chải
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước đã tiếp thu và trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Đức Duy trân trọng cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của cử tri dành cho Đoàn ĐBQH tỉnh và tiếp thu đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.
Thông tin tới cử tri về tình hình quốc tế, trong nước và của tỉnh Yên Bái trong 4 tháng đầu năm, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn, thách thức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đã đem lại những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.
Về các nội dung liên quan đến chế độ, chính sách, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, để hỗ trợ người dân tại các xã đặc biệt khó khăn được công nhận nông thôn mới, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 37/2023/NQ-HĐND ngày 08/7/2023 về Quy định chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế; Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND ngày 08/7/2023 về việc quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái từ năm học 2023-2024 đến hết năm học 2025 - 2026,…
Hiện, tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện các chế độ, chính sách trên địa bàn các xã khu vực II, khu vực III đạt chuẩn nông thôn mới. Trên cơ sở kết quả đánh giá kết quả thực hiện, tỉnh sẽ đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tiếp tục duy trì cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân, cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên,… tại các xã đặc biệt khó khăn đã về đích nông thôn mới.
Về đề nghị nâng mức hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cho biết Yên Bái là tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn với mức hỗ trợ gấp 1,5 lần so với mức hỗ trợ của trung ương và đến nay đã đạt được những kết quả rất tích cực. Quan điểm nhất quán của tỉnh là từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo phải ở nhà tạm, nhà dột nát. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá định mức hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Liên quan đến việc đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH) khi thực hiện cải cách tiền lương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) mới nhất đã sửa đổi các quy định hiện hành về chế độ, trợ cấp BHXH theo hướng quy định các khoản trợ cấp BHXH bằng số tiền cụ thể, không thấp hơn mức hiện hưởng gần nhất trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, nhằm đảo bảo quyền lợi cho người lao động; đồng thời quy định các mức này được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH.
Về các ý kiến, kiến nghị liên quan đến điều chỉnh tăng mức thu hút giáo viên, bác sĩ và mở rộng đối tượng thu hút đối với nhiều bộ môn khác (ngoài giáo viên môn Tin học và Ngoại ngữ), tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, đánh giá sự cần thiết phải điều chỉnh Nghị quyết của HĐND tỉnh để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về đề nghị nâng định mức chi thường xuyên cho các trạm y tế xã, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 49/2022/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 của HĐND tỉnh, trong đó điều chỉnh tăng định mức chi thường xuyên cho lĩnh vực y tế từ mức 16-18 triệu đồng/xã/năm lên mức 20-22 triệu đồng/xã/năm, tương đương với tỷ lệ tăng 22,2%; mức tăng này đã cao hơn so với mức tăng lương cơ sở từ 1.490.000 triệu đồng lên 1.800.000 triệu đồng (tăng 20,8%). Trong bối cảnh ngân sách địa phương còn khó khăn, đây là mức tăng khá tích cực và thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh đối với ngành y tế.
Ngoài định mức chi thường xuyên trên, trạm y tế xã còn được sử dụng số thu từ hoạt động khám chữa bệnh và các khoản thu khác theo quy định. Do đó, việc bố trí như vậy là hợp lý, bảo đảm phù hợp với khả năng của ngân sách địa phương cũng như khuyến khích các trạm y tế xã nâng cao năng lực khám chữa bệnh, giúp giảm tải cho y tế tuyến trên.
Đối với lĩnh vực tài nguyên, đất đai, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị huyện Mù Cang Chải rà soát, thống kê, đánh giá hiện trạng của các bưu điện văn hóa xã; giao UBND tỉnh nghiên cứu đánh giá lại hiện trạng của các bưu điện văn hóa xã trên toàn tỉnh và có buổi làm việc với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.
Liên quan đến ý kiến đề nghị điều chỉnh mức bồi thường giá đất sản xuất phù hợp theo giá thị trường, đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Mù Cang Chải tổng hợp các nội dung vướng mắc gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn thực hiện hoặc kiến nghị UBND tỉnh sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật tỉnh đã ban hành cho phù hợp với điều kiện của địa phương và đảm bảo theo các văn bản pháp luật của Trung ương đã ban hành.
Các ý kiến, kiến nghị khác thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu và chuyển tới Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương xem xét, giải quyết và trả lời cử tri theo thẩm quyền.
Trước đó, chiều 3/5, sau khi dự sinh hoạt chi bộ cơ sở tại thị xã Nghĩa Lộ, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy đã đến thăm mô hình trồng thử nghiệm cây sâm tại bản Dào Xa, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải.