ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ HÀ NỘI SẼ TIẾP XÚC VỚI CỬ TRI LÀ CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN, NGƯỜI LAO ĐỘNG
Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các đại biểu quan tâm đến thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ hưu, nhà ở, chế độ, chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần... cho người lao động.
Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam Nguyễn Văn Dần cho rằng, tại khoản 1, điều 47 dự thảo Luật BHXH quy định người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 30 ngày trở lên/năm, trong 30 ngày đầu kể từ ngày kết thúc hưởng chế độ ốm đau mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức tối đa 10 ngày. Cho rằng thời gian như vậy là quá ngắn, ông Nguyễn Văn Dần đề nghị nâng mức nghỉ ốm đau sau điều trị lên 60 ngày vì người ốm đau, sau phẫu thuật cần có thời gian theo dõi, khám lại.
Đại diện người lao động nêu ý kiến
Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh Nguyễn Minh Tuấn cho biết, theo quy định trẻ em là những người dưới 16 tuổi và trên thực tế khi các cháu ốm đau hoặc bị bệnh phải điều trị dài ngày tại các cơ sở khám, chữa bệnh thì cha mẹ vẫn phải nghỉ việc để chăm sóc. Tuy nhiên dự thảo Luật BHXH chỉ quy định những trường hợp có con dưới 7 tuổi ốm đau cha mẹ mới được nghỉ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội xem xét, có chính sách cho người lao động có con từ 7 đến dưới 16 tuổi cũng được nghỉ việc để chăm sóc khi con ốm đau.
Đại diện Trung tâm Quản lý buồng không lưu (Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam) Vũ Hoàng Hồng đề xuất giảm đóng bảo hiểm xã hội với nam là 31 năm, nữ là 30 năm thì được hưởng tối đa 75% lương; khi đóng tới mức tối đa 30 năm với nữ và 32 năm với nam thì người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội nữa, mà tiền đóng bảo hiểm xã hội doanh nghiệp sẽ trả cho người lao động.
Đề xuất nghiên cứu mức đóng bảo hiểm y tế giống nhau hoặc giảm bớt sự chênh lệch và mức hưởng tương xứng mức đóng; đề nghị có sự phối hợp với Bộ Y tế để khi người lao động đi khám chữa bệnh được hưởng các dịch vụ y tế phù hợp.
"Hướng tới nam 62 tuổi và nữ 60 tuổi nghỉ hưu, nên điều chỉnh mức hưởng lao động nam đóng 17 năm, nữ đóng 15 năm thì được hưởng 45% lương; nam đóng 32 năm thì hưởng đủ 75% lương (hướng tới công bằng và bình đẳng giới giữa nam và nữ)", đại diện Trung tâm Quản lý buồng không lưu (Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam) đề nghị.
Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội ban hành thêm nhiều chính sách hỗ trợ về giá nhà ở cho công nhân lao động. Khuyến khích thêm nhiều chủ đầu tư tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội (nhà ở, trường học, bệnh viện...) cho đối tượng là người lao động, vì đây là đối tượng chính, có vai trò khôi phục, thúc đẩy nền kinh tế.
Góp ý vào Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), các ý kiến đề nghị giữ nguyên nguồn kinh phí công đoàn 2%; bổ sung quy định bảo đảm về tổ chức, cán bộ theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ Công đoàn là cán bộ, công chức sau khi thống nhất với Tổng LĐLĐ Việt Nam; Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tuyển dụng được cán bộ Công đoàn xuất thân từ công nhân, xuất thân từ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn...
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV SXTMVA (Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội) Nguyễn Tràng Huy đề nghị giữ nguyên nguồn kinh phí công đoàn 2% và bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp Công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp… Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính công đoàn…
Trong khi đó, Chủ tịch LĐLĐ quận Đống Đa Lê Thị Kim Huệ đề nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Công đoàn cần bổ sung quy định cụ thể trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn bằng 2% tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì được xem xét miễn, giảm hoặc tạm dừng đóng. Và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để các doanh nghiệp thực hiện.
Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàn Kiếm Hoàng Hữu Tiến đề nghị Quốc hội khi sửa đổi Luật Công đoàn cần bổ sung quy định bảo đảm về tổ chức, cán bộ theo hướng: Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ Công đoàn là cán bộ, công chức sau khi thống nhất với Tổng LĐLĐ Việt Nam. Việc giao chỉ tiêu biên chế căn cứ theo số lượng đoàn viên, số lượng Công đoàn cơ sở mà đơn vị đó quản lý, có tính đến yếu tố đặc thù ngành (hoạt động tập trung hay phân tán...), địa phương (miền núi, hải đảo...); căn cứ khung biên chế chung giao cho cấp ủy quản lý tổ chức bộ máy, biên chế theo Quy định số 212-QĐ/TW như hiện nay, vừa đảm bảo nguyên tắc quản lý của Đảng, vừa đảm bảo tính hệ thống của tổ chức Công đoàn.
Việc giao chỉ tiêu và lộ trình tinh giản biên chế cần tính tới đặc thù của tổ chức Công đoàn đó là: Số doanh nghiệp, số Công đoàn cơ sở và đoàn viên ngày càng tăng nhanh; hội nhập quốc tế càng sâu rộng thì tình hình quan hệ lao động ngày càng diễn biến khó lường... Cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tuyển dụng được cán bộ Công đoàn xuất thân từ công nhân, xuất thân từ phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Cơ chế tuyển dụng thông qua các kỳ thi tuyển công chức như hiện nay không thể thu hút, tuyển dụng được cán bộ Công đoàn xuất thân từ công nhân, cán bộ Công đoàn cơ sở ưu tú...
Trao đổi tại Hội nghị, ông Lê Văn Long, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã tiếp thu ý kiến của cử tri. Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cũng làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến chế độ, chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần.
Thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương đã tiếp thu toàn bộ các ý kiến của cử tri đưa ra tại Hội nghị, đồng thời cũng giải đáp ý kiến của đoàn viên, người lao động về vấn đề tín dụng đen và về chính sách nhà trẻ, mẫu giáo.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai giải đáp kiến nghị của đoàn viên, người lao động.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, đây là lần thứ hai Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phối hợp với LĐLĐ Thành phố tổ chức tiếp xúc cử tri là cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động. Trước đó, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng đã tiếp xúc, đối thoại với người lao động.
Hội nghị đã ghi nhận những ý kiến quan tâm đóng góp vào 2 Dự thảo Luật lớn, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cho biết, Đoàn sẽ tổng hợp để cập nhật, bổ sung vào các dự án Luật và chuyển đến cơ quan soạn thảo đầy đủ.
Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố và LĐLĐ Thành phố tặng quà cho công nhân lao động.