THẢO LUẬN TỔ 14: CẦN CHẶT CHẼ HƠN NỮA TRONG QUẢN LÝ QUẢNG CÁO THUỐC, THỰC PHẨM CHỨC NĂNG
Toàn cảnh phiên họp
Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa.
Tại phiên họp tổ, các đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhấn mạnh việc xây dựng và ban hành Luật này nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; luật hoá những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động cứu nạn, cứu hộ mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang được giao đảm nhiệm nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, một số ý kiến đề nghị thể hiện rõ phạm vi điều chỉnh của Luật này bao gồm cả hoạt động cứu nạn, cứu hộ trong khi chữa cháy và hoạt động cứu nạn, cứu hộ thông thường hàng ngày và chỉ điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ do lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện; bổ sung nội dung điều chỉnh về “quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” và rà soát, thể hiện đầy đủ các chương của dự thảo Luật.
Đánh giá cao những quy định về chính sách của Nhà nước đối với phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại dự thảo Luật, tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách phổ biến kiến thức, kỹ năng này; huấn luyện, diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; có chính sách về đảm bảo đầu tư, phân bổ nguồn lực phục vụ công tác này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng miền; chính sách bảo vệ, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy & cứu nạn, cứu hộ; chính sách huy động các tầng lớp nhân dân, các lực lượng tham gia công tác này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu
Quan tâm đến những nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có tới 25 điều giao Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa. Các đại biểu lưu ý, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản, quy định chi tiết những nội dung đã chín muồi, rõ ràng ngay trong Luật để đảm bảo tính khách quan, thống nhất.
Về thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ, quy định tại Điều 14 là cần thiết, tuy nhiên, cần xem xét lại một số tiêu chuẩn kỹ thuật được cho là cao hơn cả tiêu chuẩn châu Âu, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đại biểu chỉ ra một thực tế, các vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng thường xảy ra tại khu dân cư xuống cấp, nhà trọ, cơ sở kinh doanh karaoke, tập trung ở những ngõ nhỏ, đường hẹp. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn thường ít xảy ra cháy hơn và có khả năng phòng cháy chữa cháy tốt hơn. Do vậy, đại biểu kiến nghị nghiên cứu kỹ lưỡng để có quy định phù hợp với từng loại hình, địa điểm cụ thể. Đối với nhà ở, cần bổ sung quy định chi tiết hơn về nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà cho thuê trọ để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, tránh xảy ra các vụ cháy thương tâm như thời gian qua.
Bày tỏ băn khoăn với những bất cập tồn tại trong quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, quy hoạch này mặc dù là quy hoạch hạ tầng quốc gia, nhưng việc quản lý và thực thi lại đang bộc lộ nhiều thiếu sót, khiến hiệu quả phòng cháy chữa cháy bị ảnh hưởng đáng kể. Thêm vào đó, mối liên hệ giữa quy hoạch này với các quy hoạch ngành khác cũng chưa được làm rõ ràng, dẫn đến sự chồng chéo và thiếu thống nhất trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đóng góp ý kiến
Đối với vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, đại biểu cho biết, Chính phủ đang tiến hành xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Đây là cơ hội để hoàn thiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo hiệu quả phòng cháy, chữa cháy được nâng cao. Do đó, Cơ quan soạn thảo cần tham khảo kỹ lưỡng cách tiếp cận được áp dụng trong việc xây dựng luật này, đồng thời lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như người dân để có được một quy hoạch hoàn chỉnh và hiệu quả.
Cùng quan tâm đến vấn đề tiêu chuẩn kỹ thuật, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cần bám sát thực tế và điều kiện cụ thể của từng dự án, công trình. Việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn rập khuôn sẽ gây cản trở cho hoạt động thi công, cũng như không đảm bảo được hiệu quả sử dụng, do đó, cần xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, các quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng cần đảm bảo sự thống nhất với các quy định khác của pháp luật, tránh trường hợp mâu thuẫn, chồng chéo.
Ngoài ra, đại biểu cũng nhấn mạnh, nội dung quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cần được trình bày một cách rõ ràng, dễ hiểu, sử dụng ngôn ngữ khoa học, chính xác. Việc trình bày rườm rà, khó hiểu sẽ khiến cho việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả phòng cháy, chữa cháy. Việc hoàn thiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy và xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phù hợp là những nhiệm vụ cấp bách cần được thực hiện. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận
Đối với vấn đề đảm bảo điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, theo các đại biểu, cần cân nhắc nghiên cứu quy định riêng với người tham gia chữa cháy và người tham gia cứu nạn, cứu hộ để bổ sung quy định cụ thể hơn về chế độ, chính sách cho từng nhóm đối tượng; nghiên cứu kỹ tính hợp lý của quy định hỗ trợ cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ Quỹ phòng chống thiên tai; nghiên cứu, thể hiện rõ và đầy đủ hơn các nguồn đầu tư và cơ chế để huy động nguồn tài chính ngoài ngân sách đầu tư cho công tác này.
Đồng thời, quy định về bảo hiểm cháy, nổ theo hướng thực hiện theo pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xem xét tính khả thi của quy định giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân các cấp về nhiệm vụ chi bảo đảm cho phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nghiên cứu làm rõ sự cần thiết và bổ sung quy định cụ thể về điều kiện đối với từng hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy; bổ sung quy định cụ thể hơn về chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng như đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học công nghệ trong lĩnh vực này.
Cũng tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng không nhân dân.
Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ 14
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu ý kiến
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tham gia phát biểu
Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đóng góp ý kiến
Đại biểu Nguyễn Hải Hưng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia ý kiến
Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu về dự án Luật Phòng không nhân dân./.