ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG LÀM VIỆC VỚI TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG

25/07/2024

Sáng 25/7, Đoàn khảo sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang do đồng chí Tạ Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn khảo sát đã có buổi làm việc với Trường Đại học Tiền Giang về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”.

 ĐOÀN ĐBQH TỈNH TIỀN GIANG THĂM, TẶNG QUÀ GIA ĐÌNH CHÍNH SÁCH TẠI TX. CAI LẬY

Tham gia Đoàn khảo sát có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.

Đoàn khảo sát làm việc với Trường Đại học Tiền Giang.

Trường Đại học Tiền Giang là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh Tiền Giang, được thành lập theo Quyết định 132/QĐ-TTg ngày 6-6-2005 của Thủ tướng Chính phủ. Trường thực hiện chức năng nhiệm vụ là đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, đáp ứng nhu cầu của địa phương nói riêng và của xã hội nói chung; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…

Theo lãnh đạo nhà trường, thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập được trường tập trung thực hiện đạt một số kết quả quan trọng.

Lãnh đạo Trường Đại học Tiền Giang thông tin tinh hình thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị đến Đoàn khảo sát.

Cụ thể, năm 2020, trường đã xây dựng Đề án Tổ chức bộ máy giai đoạn 2020 - 2025 theo hướng tinh gọn, hiệu quả và trình UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt. Trường hiện có 16 đơn vị (7 phòng, 5 khoa, 4 trung tâm), so với giai đoạn 2015 - 2020 giảm 6 đơn vị. Các đơn vị thuộc trường được phân định chức năng nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng không trùng lắp, không chồng chéo. Về quản lý biên chế, số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (NSNN) hiện nay là 352 người (không bao gồm 26 người lao động do trường chi trả), chiếm tỷ lệ 90,26% trên tổng số người làm việc được giao năm 2024.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Tiền Giang đặc biệt quan tâm chăm lo công tác phát triển đội ngũ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ tiến sĩ. Năm 2021, Đảng ủy trường ban hành Nghị quyết 40-NQ/ĐU về phát triển đội ngũ viên chức có trình độ tiến sĩ giai đoạn 2021 - 2025. Từ năm 2018 đến tháng 7-2024, có 22 viên chức của trường trúng tuyển đầu vào nghiên cứu sinh và 19 viên chức tốt nghiệp nhận Bằng tiến sĩ, nâng tổng số tiến sĩ hiện có của trường là 33 Tiến sĩ...

Đối với việc thực hiện tự chủ tài chính của trường từ năm 2018 - 2023 cho thấy: Nguồn kinh phí NSNN hỗ trợ chi thường xuyên so với tổng thu giảm dần, nếu năm 2018 chiếm 52,47%/tổng thu, thì đến năm 2023 giảm còn 17,13%/tổng thu.

Nguồn thu học phí là nguồn thu chủ lực (bình quân giai đoạn 2018 - 2020, chiếm 60,48%/tổng thu) và tăng dần hằng năm, nếu năm 2018 chiếm 47,53%/tổng thu thì đến năm 2023 tăng lên 82,87%/tổng thu.

Tỷ trọng chi thường xuyên/tổng thu từ năm 2018 đến 2022 tương đối ổn định và chiếm bình quân 78,55%/tổng thu. Tuy nhiên năm 2023, chi vượt tổng thu là 4,68% do thay đổi cơ chế tài chính áp dụng theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP đã ảnh hưởng đến nguồn thu giảm, chi con người tăng...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Trường Đại học Tiền Giang, các sở, ban, ngành liên quan đã làm rõ thêm một số vấn đề Đoàn khảo sát quan tâm, như: Hạn chế, khó khăn trong việc sắp xếp, tinh giản biên chế trong nhà trường; khó khăn khi thực hiện tự chủ tài chính; nguyên nhân đội ngũ viên chức của trường luôn biến động theo từng năm, nhất là sự biến động giảm về đội ngũ viên chức có trình độ tiến sĩ ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó là thiếu hụt đội ngũ nhân sự có trình độ tiến sĩ để giữ ngành đào tạo hiện có và mở các ngành đào tạo mới bậc đại học cũng như để xây dựng đề án đào tạo sau đại học (đào tạo thạc sĩ), vì vậy quy mô đào tạo chưa mở rộng được. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 của Chính phủ còn khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, 2 năm liền (2023 và 2024), trường không được UBND tỉnh Tiền Giang giao nhiệm vụ đào tạo các ngành Sư phạm...

Các đại biểu phát biểu ý kiến tại buổi làm việc.

Lãnh đạo Trường Đại học Tiền Giang cho biết thêm, từ năm 2023 (năm đầu của giai đoạn 2023 - 2025), trường thực hiện cơ chế tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21-6-2021 của Chính phủ. Trong điều kiện ngành Giáo dục ngày càng cạnh tranh gay gắt, các cơ sở giáo dục nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn trong tuyển sinh đầu vào, đặc biệt là đối với trường công lập địa phương, ảnh hưởng đến các nguồn thu hoạt động sự nghiệp ngày càng có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu chi để có thể nâng cao chất lượng giáo dục đòi hỏi ngày càng cao, khi mà nguồn kinh phí NSNN hỗ trợ chi hoạt động cho trường thì lại giảm sâu, đã ảnh hưởng đến hoạt động cũng như nguồn thu nhập của cán bộ, viên chức, người lao động của nhà trường...

Đồng chí Tạ Minh Tâm kết luận tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Tạ Minh Tâm chia sẻ với những khó khăn của Trường Đại học Tiền Giang và ghi nhận các đề xuất kiến nghị của lãnh đạo nhà trường. Đồng chí Tạ Minh Tâm cho biết, mục đích của việc khảo sát chuyên đề nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp và xem xét chuyển ý kiến kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền của trung ương và địa phương để có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới…

(Theo Báo Ấp Bắc)