Cần đánh giá toàn diện kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương

31/10/2024

Đóng góp vào dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, các ĐBQH tại Tổ 5 cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trong thời gian qua; xem xét lại tên gọi cũng như các điều kiện quản lý, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức khi Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Thảo luận Tổ 5: Đề xuất các giải pháp khắc phục đầu tư kéo dài và giải ngân chậm

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tham gia họp tại Tổ 5 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của các tỉnh: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Quảng Nam, Kiên Giang. 

Đa số các ĐBQH đồng thuận đối với việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, bảo đảm các điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phù hợp với các quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, các ĐBQH cho rằng, cần phải xem xét lại tên gọi cũng như các điều kiện quản lý, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố này.

Các ĐBQH tại Tổ 5

Mặc dù đồng tình với dự thảo Nghị quyết về Thành phố Huế trực thuộc Trung ương bao gồm toàn bộ quy mô diện tích và dân số hiện tại nhưng đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc vẫn băn khoăn về tên gọi của thành phố này. Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên Huế có Thành phố Huế, nếu lấy tên là Thành phố Huế trực thuộc Trung ương thì rất dễ nhầm với Thành phố Huế hiện tại. Mặc dù trong hồ sơ có đề cập tới việc lấy ý kiến của Nhân dân nhưng việc lấy ý kiến với nội dung thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương chưa thấy đề cập đến tên của Thành phố Huế trực thộc Trung ương. Để đảm bảo tính đồng thuận cao của Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cân nhắc về việc lấy ý kiến của Nhân dân đối với tên gọi là Thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đề cập về một số nội dung cụ thể của việc triển khai thực hiện chủ trương thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, việc triển khai này cũng sẽ đặt ra nhiều khó khăn, thách thức như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Mặt khác, Chính phủ chưa đề cập kỹ về hướng xử lý là thay đổi phương thức quản lý Nhà nước khi từ cấp tỉnh chuyển lên thành phố trực thuộc Trung ương sẽ như thế nào. Việc chuyển mô hình quản lý đang là từ tỉnh xuống huyện, xã và bây giờ chuyển lên thành phố trực thuộc Trung ương theo phương thức chuyển đổi số sẽ ra sao? Ngoài ra, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sẽ xử lý như thế nào? Đây là những vấn đề trọng tâm cần được Chính phủ và cơ quan thẩm tra làm rõ.

Mô hình chính quyền đô thị đang được thực hiện bởi nhiều văn bản quy định khác nhau

Đóng góp ý kiến về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, đại biểu Nguyễn Việt Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, trong thời gian qua, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Thành phố Hải Phòng đã thực hiện đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh, đời sống Nhân dân ngày càng cao.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước tại địa bàn đang phát triển năng động như Hải Phòng. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng là rất cần thiết.

Băn khoăn về hình thức, cách thức ban hành nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng, đại biểu Nguyễn Việt Thắng cho rằng, hiện nay, mô hình chính quyền đô thị ở nước ta đang được thực hiện bởi nhiều văn bản quy định khác nhau. Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về tổ chức chính quyền đô thị Thành phố Hải Phòng để thực hiện chính thức mà không qua thí điểm sẽ làm tăng thêm sự thiếu thống nhất trong tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên cả nước và tình trạng không thống nhất, không đồng bộ trong hệ thống pháp luật ngày càng gia tăng.

Hiện nay, các thành phố trực thuộc Trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội. Do đó, đại biểu Nguyễn Việt Thắng kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trong thời gian qua. Qua đó, đề suất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời triển khai các chính sách mang tính phổ biến, hiệu quả để thực hiện thống nhất về mô hình chính quyền đô thị trong phạm vi cả nước.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận đối với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương tại Hội trường vào ngày 21/11/2024.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 5

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang

Đại biểu Dương Văn An - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc./.

Bích Lan - Minh Thành

Các bài viết khác