Đại biểu QH đi sâu, phân tích tình hình kinh tế-xã hội

26/10/2013

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp, sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015): kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015.

Tình hình kinh tế-xã hội đã có chuyển biến tích cực

Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng dưới sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.”

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, đạt được kết quả đó là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Bên cạnh việc nhấn mạnh các kết quả đã được, nhiều đại biểu Quốc hội đã đi sâu phân tích về những mặt còn hạn chế, yếu kém. Đó là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc; cân đối ngân sách khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch; sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; nợ xấu còn cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%).

Một số ý kiến đánh giá việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Công tác triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm; cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, một số ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Công tác giải quyết việc làm chưa đạt kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khoảng cách giàu-nghèo còn lớn. Nhiều ý kiến đại biểu thể hiện sự lo lắng khi công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nhiều mặt còn hạn chế. Liên tục thời gian gầy đây xảy ra một số vụ việc gây bức xúc trong xã hội; Việc khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện còn chậm....

Nhiều ý kiến cũng đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần tập trung đi sâu phân tích để làm rõ những mặt còn tồn tại, hạn chế, yếu kém, gây bức xúc trong nhân dân.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chỉ ra rằng báo cáo của Chính phủ chưa đi sâu phân tích những hạn chế, bất cập, đặc biệt là những vấn đề xã hội đang bức xúc hiện nay. Đại biểu cho rằng Quốc hội cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc giám sát thực thi pháp luật, xiết chặt kỷ cương từ Trung ương đến địa phương.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược

Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với mục tiêu Chính phủ đề xuất, trong đó tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cùng với việc kiên định thực hiện 3 đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu đề nghị cần quan tâm hơn tới tái cơ cấu khu vực dân doanh. Đại biểu cho rằng cần có chính sách hỗ trợ để tạo sự đồng bộ trong tổng thể nền kinh tế.

Đại biểu cũng đề nghị cần tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng điều mấu chốt đó là việc tạo dựng niềm tin trong dân bằng các chính sách, cam kết của nhà nước, đặc biệt là cam kết ổn định về lãi suất để người dân yên tâm vay vốn, đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất cần thành lập ủy ban quốc gia về tái cơ cấu; trong ủy ban này ngoài Chính phủ còn cần sự tham gia của Quốc hội và các chuyên gia.

Đại biểu cho rằng năm 2014 cần thiết lập ủy ban này với những quy chế, quyền hạn cụ thể. Về vấn đề tái cơ cấu, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đánh giá tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là lĩnh vực đầu tư công chưa có chuyển biến nhiều. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần phân tích rõ vấn đề này để Quốc hội xem xét.

Đại biểu Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng song song với việc thực hiện 3 đột phá chiến lược cần có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực kết hợp với phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới...

Còn hạn chế trong lĩnh vực văn hóa-xã hội

Các ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay đều thể hiện sự lo lắng trước những mặt còn hạn chế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Đại biểu Võ Thị Dung cho rằng nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ đã đưa ra nhận định nhưng phân tích nguyên nhân chưa đủ rõ và cụ thể; các đánh giá về lĩnh vực xã hội chưa sâu sắc, thấu đáo. Đại biểu dẫn chứng Báo cáo của Chính phủ nhận định khoảng cách giàu nghèo lớn như chưa phân tích để thấy được khoảng cách đó đang ở mức độ nào và các giải pháp để hạn chế khoảng cách này chưa rõ ràng, khả thi.

Trên cơ sở tán thành với các nhóm giải pháp mà Chính phủ nêu, đại biểu Võ Thị Dung cho rằng cùng với việc chú trọng thông tin tuyên truyền để tăng đồng thuận xã hội cần quan tâm việc gây dựng lòng tin của nhân dân bằng các hành động của bộ máy nhà nước chính quyền các cấp.

Nhiều ý kiến cũng phản ánh tình trạng còn sự bất cập trong hệ thống pháp luật, cụ thể là việc chậm ban hành các văn bản pháp luật dẫn đến khó thực hiện, chậm áp dụng, khiến luật khó đi vào cuộc sống. Đây cũng là những bất cập đã được nêu nhiều lần, cần có giải pháp giải quyết khắc phục.

Một số ý kiến cũng đề xuất cần có chính sách thúc đẩy thực hiện chương trình nhà ở xã hội- một trong những vấn đề nhân dân rất quan tâm. Các ý kiến khác đề nghị cần có những giải pháp quyết liệt hơn nữa trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện cải cách hành chính. Nhiều ý kiến tỏ ý lo ngại trước thực trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận trong xã hội, đặc biệt vụ việc vừa xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường đang gây luồng bức xúc trong nhân dân...

Trong buổi thảo luận sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phân tích các chỉ tiêu không hoàn thành kế hoạch, hạn chế, yếu kém các nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiệm vụ và giải pháp khắc phục trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội; những kết quả đạt được; khó khăn, hạn chế trong thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược...

Theo Chương trình, chiều nay, các đại biểu Quốc hội tiếp tục làm việc tại tổ về nội dung này./.

 

Quỳnh Hoa-Phúc Hằng (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)