Cấp giám đốc thẩm, tái thẩm để đơn tồn đọng quá nhiều

09/11/2013

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 7-11, các đại biểu Quốc hội nhận xét, công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm có chuyển biến nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện vẫn còn tồn đọng hơn 10 nghìn đơn trong hai ngành tòa án, kiểm sát.

Đơn tồn đọng quá lớn

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) nhận định, công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm có chuyển biến nhưng vẫn còn hạn chế. Năm qua, ngành tòa án giải quyết gần 7.500 đơn, đạt tỷ lệ 63,3% vượt chỉ tiêu của Nghị quyết số 37/2012/QH13. Trong khi đó, ngành kiểm sát chỉ giải quyết hơn 2.000 đơn, đạt tỷ lệ 25% là quá thấp. Con số tồn đọng hơn 10 nghìn đơn của cả hai ngành tòa án, kiểm sát là quá lớn.

Giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục đặc biệt được tiến hành theo trình tự cực kỳ chặt chẽ. Việc kháng nghị chỉ giao duy nhất người đứng đầu các ngành tòa án, kiểm sát thực hiện. Nhưng cách làm như hiện nay dẫn đến nhận thức của xã hội, kể cả cơ quan nhà nước xem giám đốc thẩm, tái thẩm là cấp xét xử thứ ba. Tâm lý người dân dường như thiếu tin ở cấp phúc thẩm, cố gắng chờ điều kỳ diệu sẽ xảy ra ở cấp xét xử thứ ba này làm thay đổi bản án và thời gian qua nhiều bản án, quyết định bị hủy theo trình tự đặc biệt này.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị ngành tòa án, kiểm sát cần đổi mới công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, quy định chặt chẽ không để bị lợi dụng. Chất lượng xét xử giám đốc thẩm, phúc thẩm cũng cần tăng cường và thực hiện triệt để nguyên tắc xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Chỉ nên kháng nghị xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm trong trường hợp cần phải thay đổi nội dung bản án cho đúng với pháp luật, còn kháng nghị khác thì không nên, nhằm tránh tiêu cực, mất thời gian. Đề nghị ngành tòa án, kiểm sát siết chặt kỷ cương trong công tác cán bộ đối với thẩm phán, kiểm sát viên có án bị hủy do lỗi chủ quan sẽ phải tiến hành kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân sai phạm. Những vụ án oan sai cần xử lý kịp thời, đúng pháp luật, nhằm đem lại công lý cho xã hội. Kiên quyết không bổ nhiệm lại những người có án bị hủy, khắc phục tình trạng che giấu số lượng án bị hủy mỗi khi làm thủ tục tái bổ nhiệm. Làm được điều này chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng xét xử án, giảm tình trạng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm quá nhiều như hiện nay.

Ông Nghĩa đánh giá, qua giám sát cho thấy số người bị tạm giữ hình sự, nhưng sau đó được trả tự do chuyển sang xử lý hành chính 2.464 người, giảm 0,69% so với năm 2013 không đạt chỉ tiêu Nghị quyết 37. Ngành công an tạm đình chỉ điều tra 5.906 người, cao hơn năm 2013. Điều này thể hiện tình trạng lạm dụng việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt khẩn cấp, bắt thay đổi điều tra vẫn còn những vi phạm nghiêm trọng trực tiếp xâm hại đến quyền cơ bản của con người và quyền được tự do thân thể. Ông Nghĩa băn khoăn về vai trò của ngành kiểm sát trong công tác kiểm sát, tạm giữ, tạm giam, khởi tố điều tra như thế nào để chấm dứt ngay tình trạng nêu trên. Nghị quyết sắp tới của Quốc hội về công tác tư pháp cần yêu cầu xử lý nghiêm các điều tra viên, kiểm sát viên đã khởi tố bắt giam người không có tội.

Đại biểu Vũ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 37/2012/QH13 với những chỉ tiêu và yêu cầu rất cụ thể, rất cao đối với công tác của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và thi hành án hình sự, dân sự. Báo cáo của các cơ quan thi hành cho thấy, tỷ lệ án hình sự truy tố đúng tội phạm, đúng luật đạt trên 95% so với chỉ tiêu của Quốc hội đã đề ra. Thông qua xét xử, Viện Kiểm sát đã phát hiện và ban hành hơn một nghìn bản kháng nghị phúc thẩm, tăng 17% số kháng nghị được cấp phúc thẩm hình sự được chấp nhận, đạt 76,3%, ban hành 121 kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, tăng 16,3%.

Tỷ lệ xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm đã được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt 93,6% tăng 92%, vượt chỉ tiêu của Quốc hội. Điển hình như kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thông qua sự vào cuộc của Cục Điều tra Viện Kiểm sát tối cao, đã giúp Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao kháng nghị theo trình tự tái thẩm để minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang đã bị hai cấp xét xử với mức án tù chung thân và chấp hành được mười năm về tội giết người. Số bị án phải đình chỉ do không phạm tội ở Viện Kiểm sát giảm 51,8% so với cùng kỳ, số bị cáo bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm 50% so với cùng kỳ, mặc dù thông qua xét xử cấp phúc thẩm mới y án chấp nhận hai trường hợp.

Giảm 1% tỷ lệ án bị hủy, sửa: Khó khả thi

Đại biểu Nguyễn Trọng Trường, tỉnh Bắc Ninh, cho rằng, chỉ tiêu Nghị quyết 37 của Quốc hội là giảm ít nhất 1% tỷ lệ bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan so với năm 2012 rất khó đạt với ngành tòa án. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán là trên dưới 2%. Trong khi đó, trong bốn năm qua, mỗi năm tỷ lệ này chỉ giảm 0,1%.

Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng các loại án có xu hướng tăng về tính chất phức tạp, thẩm quyền của tòa án được mở rộng với một số loại việc mới, đặc biệt. Số lượng án hành chính trong năm 2013 đã tăng 1.561 vụ, đây là một loại án khó, phức tạp, thời gian thực hiện Luật Tố tụng hành chính chưa nhiều, trong đó có nhiều quy định mới liên quan đến Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật khác chưa có hướng dẫn kịp thời, nên quá trình áp dụng pháp luật còn nhiều hạn chế, thiếu sót dẫn đến bản án bị hủy, sửa, phần lớn các trường hợp bị hủy, sửa là ở Tòa án cấp huyện khi xét xử các vụ án liên quan tới quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong đó, với mô hình tổ chức hiện nay, Tòa án nhân cấp huyện còn nhiều mối quan hệ gắn với chính quyền địa phương, đây là thực tế để khắc phục vấn đề này. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo tòa án nhân dân cấp tỉnh rút những vụ án hành chính phức tạp của cấp huyện lên để xét xử sơ thẩm. Cần sớm triển khai việc tổ chức hệ thống tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử, trong đó có thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc không đạt chỉ tiêu theo nghị quyết do các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật chưa đầy đủ, chế định án lệ chưa được quy định. Do đó, chỉ tiêu 1% này nên được xem xét điều chỉnh.

HỒNG VÂN - NGÂN ANH

(http://www.nhandan.com.vn/)