Đại biểu Quốc hội bàn về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

09/09/2014

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cấm kinh doanh mại dâm, các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người, các loại động vật biến đổi gien...

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (9/9), các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), trong đó có nội dung ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiến hành tập hợp, rà soát và xây dựng Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Theo kết quả rà soát, hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại 391 văn bản pháp luật.

Sau khi xem xét, cân nhắc đã thu hẹp lại còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh như quy định tại Điều 4 của Dự thảo Luật và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thể hiện trong danh mục.

Trong các ngành nghề bị cấm trong dự thảo Luật có: Kinh doanh mại dâm; Mua, bán người và các bộ phận cơ thể người; Các hoạt động liên quan đến sinh sản vô tính trên người; Kinh doanh các loại động vật biến đổi gien; Kinh doanh văn hóa phẩm xâm phạm an ninh quốc gia, đạo đức xã hội...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được giao Chính phủ công bố sau khi báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu đề nghị danh mục không chỉ báo cáo mà cần phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua mới được công bố.

Ý kiến nhiều đại biểu đều nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của Luật Đầu tư, đặc biệt sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua. Việc ngành nghề bị cấm hay đầu tư, kinh doanh có điều kiện là rất quan trọng, ảnh hưởng đến quyền của người dân nên cần thảo luận, nghiên cứu kỹ. Việc thể hiện các ngành nghề cấm cần phải rõ, cụ thể, tránh nhiều cách hiểu.

“Điều cấm thì không thiết kế “trừ được Nhà nước đặt hàng”. Nhà nước cụ thể là ai? Nên thiết kế riêng nếu không Luật không nghiêm”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nêu ý kiến.

Đại biểu Lê Đắc Lâm cho rằng không nên cấm việc đầu tư kinh doanh quân trang, quân dụng; động vật biến đổi gen mà nên chuyển sang đầu tư kinh doanh có điều kiện. Về kinh doanh mại dâm, có ý kiến cho rằng cần xem xét khi thể hiện trong luật này “vì nếu không hiển nhiên nó tồn tại một nghề tại Việt Nam”.

Còn theo đại biểu Trần Du Lịch “đã cấm thì không ai được làm, còn có người được làm thì ngành nghề đó phải đưa vào danh mục có điều kiện. Xét nghĩa rộng, không có ngành nghề nào mà kinh doanh không có điều kiện, và tất cả đã được quy định tại các luật chuyên ngành”.

Cổng thông tin điện tử