Hội thảo đề cập các nội dung: việc làm và những vấn đề cần quan tâm ở Việt Nam; đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về việc làm và định hướng hoàn thiện; vấn đề việc làm trong bối cảnh suy giảm kinh tế ở Việt Nam- Thực trạng và giải pháp; định hướng xây dựng Luật việc làm từ thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm của một số nước trên thế giới…
Theo Báo cáo của Cục Việc làm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số lao động mất việc và thiếu việc làm cuối năm 2008 và đầu năm 2009 là 171.000 người, trong đó những địa phương có số lao động mất việc làm lớn là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương. Số lao động mất việc làm tập trung nhiều nhất là ngành dệt may, da giày, chế biến hải sản, nông sản…, chủ yếu là các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu và phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ nước ngoài. Những chính sách mới đã giúp giải quyết một phần về vốn cho các doanh nghiệp gặp khó khăn; cho vay vốn đối với các lao động mất việc làm; ước tính 6 tháng đầu năm 2009 đã tạo việc làm cho khoảng 650.000 người, dự kiến trong năm 2009 là gần 1,5 triệu người. Về thực trạng lao động, việc làm, đa số các ý kiến đều cho rằng: tay nghề của người lao động nước ta còn thấp; trình độ tay nghề còn yếu; ý thức, tác phong lao động còn hạn chế; cách đào tạo nghề chưa phát triển thực chất và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, còn lạc hậu, lãng phí thời gian, tiền bạc...
Hội thảo cũng là dịp để các ĐBQH, các nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn trao đổi, thảo luận về thực trạng và đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về việc làm trong ngắn hạn và dài hạn; cung cấp và thu hút sự quan tâm của đại biểu dân cử các cấp về các vấn đề chính sách, pháp luật liên quan đến việc làm; tăng cường vai trò và công tác giám sát về việc làm; đề xuất và kiến nghị những giải pháp dài hạn về xây dựng pháp luật việc làm hoàn chỉnh hơn theo hướng có luật riêng…