Thảo luận kế hoạch phát triển KT-XH: Đề xuất nhiều giải pháp phát triển môi trường đầu tư kinh doanh

02/11/2016

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, sáng 2/11, tại Hội trường Diên Hồng- Nhà Quốc hội, thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển cho môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta trong thời gian tới.

Cần tạo điều kiện làm việc tốt, tiếp tục thu hút đầu tư nhiều hơn

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn- Tp. Đà Nẵng, trong thời gian qua, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, phát đi những thông điệp rõ ràng, khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp, nỗ lực tháo gỡ các khó khăn và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 19- 2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2016- 2017, định hướng đến 2020, Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Qua đó có thể thấy rõ môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta đã có những bước cải thiện năng lực cạnh tranh được nâng lên, được các tổ chức quốc tế có ý kiến ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, tạo cho doanh nghiệp nhiều kỳ vọng với một bước ngoặt thật sự cải thiện môi trường kinh doanh và mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Sơn cũng cho rằng, cần nhìn nhận rõ việc cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35 còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi phối hợp triển khai theo ngành ngang cùng với nguy cơ của việc xây dựng chương trình hành động mang tính đối phó, qua loa, rập khuôn giữa các tỉnh, thành, các cơ quan, đơn vị. Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rườm rà phức tạp, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu. Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong thời hạn 9 tháng năm 2016 lên tới 16.294 doanh nghiệp; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 28.803 doanh nghiệp; số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục để giải thể trong 9 tháng đầu năm nay là 8.365 doanh nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Bá Sơn: Cần tiếp tục rà soát, cải cách điều kiện kinh doanh                              Ảnh: Đình Nam

Do đó, đại biểu Nguyễn Bá Sơn đền ghị trong thời gian tới, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, cải cách điều kiện kinh doanh, rà soát các rào cản không còn phù hợp với các quy định làm cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh để trình Quốc hội sửa đổi, nhằm đáp ứng tình hình hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tăng cường tiếng nói và mức độ tham gia của khu vực tư nhân Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách, đặc biệt là chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền lợi và hoạt động của doanh nghiệp. Có cơ chế đối thoại thường xuyên hơn, lập nhiều kênh lắng nghe, thu thập thông tin, phản hồi, đồng hành cùng các doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Khuyến khích hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp.

Đánh giá việc các khu công nghiệp trong cả nước đã có những đóng góp rất to lớn cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Nhân Chiến- tỉnh Bắc Ninh cho rằng, có những vấn đề nổi lên về nhà ở, đời sống văn hóa, tinh thần, an sinh xã hội cho công nhân trong các khu công nghiệp còn chưa được quan tâm đúng mức.

Đại biểu phân tích, từ thực tiễn các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Ninh, địa phương đã cùng với các doanh nghiệp rất cố gắng nhưng cũng mới chỉ giải quyết được 16,7% nhu cầu về nhà ở cho công nhân. Hiện còn gần 100 nghìn công nhân có nhu cầu về nhà ở, nhưng chưa được giải quyết. Mặt khác, số trẻ em là con của công nhân có nhu cầu được vào nhà trẻ gần 16 nghìn. Số công nhân có nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí gần 200 nghìn người. Nhiều thôn, xã có số công nhân thuê nhà trọ ở tạm trú nhiều hơn dân số hiện có ở địa phương. Hiện trạng này cũng giống với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước đã làm cho hạ tầng kinh tế- xã hội ở những nơi đó xuống cấp nghiêm trọng vì quá tải.

Do đó, đại biểu cho rằng, rất cần thiết cần có cơ chế chính sách cụ thể từ Trung ương theo hướng nhiều chủ thể cùng tham gia nhằm thúc đẩy các khu công nghiệp phát triển, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách quốc gia. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các địa phương có khu công nghiệp tham gia để giải quyết tốt vấn đề nhà ở, đời sống văn hóa tinh thần, an sinh xã hội cho công nhân và một số vấn đề liên quan đến cuộc sống của nhân dân xung quanh khu công nghiệp. Tạo điều kiện làm việc tốt hơn, tăng thêm môi trường đầu tư hấp dẫn, tiếp tục thu hút đầu tư nhiều hơn.

Cần khuyến khích phát triển đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Đối với các mô hình doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đại biểu Quốc hội Lê Công Đỉnh- tỉnh Long An cho rằng, số lượng doanh nghiệp tham gia vào vấn đề này còn ít, việc tham gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa phổ biến. Nhiều doanh nghiệp thấy được nông nghiệp là lĩnh vực tiềm năng để đầu tư nhưng còn vẫn chần chừ do những vướng mắc như: về đất đai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần diện tích rộng và thời hạn sử dụng đất lâu dài để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa nhằm tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo đồng bộ của sản phẩm trên diện rộng và nhiều lợi ích khác. Tuy nhiên, hiện nay đất sản xuất đang thuộc quyền sử dụng của người dân, mỗi hộ một diện tích nhỏ, manh mún và không đồng đều. Doanh nghiệp rất khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn, còn người dân thì không muốn rời bỏ đất đai vốn là tài sản lớn nhất của mình và tập quán canh tác đã hình thành từ lâu đời.

ĐBQH Lê Công Đỉnh: Có tầm nhìn xa là yếu tố quyết định thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hai hướng. Nếu diện tích lớn thì họ mua lại quyền sử dụng đất của người dân, mở rộng sản xuất rồi tự làm. Còn nếu ứng dụng các công nghệ cao như thủy canh, làm vườn thẳng đứng, trồng bằng giá thể thì họ đăng ký vào khu công nghệ cao. Tuy nhiên, việc hình thành và kêu gọi đầu tư hạ tầng vào khu công nghiệp công nghệ cao còn nhiều trở ngại, chủ yếu do nguyên nhân quỹ đất và chính sách. Ngoài ra, về chính sách, nhà đầu tư không chỉ trông vào những chính sách ưu đãi mà nhà nước dành cho họ, còn quan tâm đến tuổi thọ của các chính sách có lâu dài và nằm trong quy hoạch rõ ràng và ổn định không. Một ví dụ điển hình, nếu sau khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mà chính quyền lại cấp phép cho các dự án công nghiệp liền kề xả chất thải ra nguồn nước vẫn cung cấp cho nông nghiệp thì họ sẽ mất trắng.

Do đó, đại biểu Lê Công Đỉnh khẳng định, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, rõ ràng, có tầm nhìn xa là yếu tố quyết định thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thu Hồng- tỉnh Bắc Giang đề nghị cần tạo môi trường và chính sách khuyến khích phát triển ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Chính phủ và chính quyền các cấp phải tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch. Quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, có chính sách thu hút doanh nghiệp, tham gia đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có cơ chế khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, phù hợp với điều kiện và khả năng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hình thức hợp tác liên kết trong tổ chức sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Quang Minh- Nguyễn Thảo