Ứng dụng khoa học công nghệ vào tái cơ cấu và phát triển kinh tế

03/11/2016

Theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội đã dành hai ngày 2/11 và 3/11 để thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Dành sự quan tâm đến lĩnh vực khoa học công nghệ, nhiều đại biểu cho rằng tái cơ cấu kinh tế cần quan tâm đến yếu tố khoa học, công nghệ.

Khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế

Đại biểu Trần Văn Minh- Quảng Ninh phát biểu tại Hội trường                            Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Trần Văn Minh - Quảng Ninh cho biết, khoa học và công nghệ được đặt ra với vai trò là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển. Đại hội Đảng XII tiếp tục khẳng định phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước đã đề ra nhiều chỉ tiêu khoa học và công nghệ cần thực hiện và yêu cầu chú trọng những tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế. Thời gian qua khoa học và công nghệ nước ta đã có nhiều tiến bộ nhưng cũng còn nhiều yếu kém.

Nhấn mạnh, nếu như quá vướng bận vào tăng trưởng trong ngắn hạn, thiếu quan tâm đến phát triển khoa học, công nghệ, chúng ta sẽ ngày càng lùi xa so với thế giới. Đại biểu đề nghị trong kế hoạch phát triển khoa học công nghệ cũng như tái cơ cấu cần đặc biệt nhấn mạnh yếu tố khoa học, công nghệ trong cả công tác lập kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lan- Tp.Hà Nội cho rằng khoa học và công nghệ là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế phát triển của đất nước. “Đã đến lúc chúng ta phải tập trung vào ưu tiên cho đầu tư và giáo dục về nông nghiệp, nông thôn để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công và không thể có một nền nông nghiệp phát triển nếu thiếu vai trò dẫn dắt và nguồn lực từ khoa học, công nghệ” đại biểu Lan nêu rõ.

Đại biểu cho biết thêm, khoa học, công nghệ trong nông nghiệp đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận tạo ra những giống mới và một số tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là rau quả xuất khẩu đạt 2,64 triệu đô lần đầu tiên xuất khẩu vượt lúa gạo và dầu thô. Tuy nhiên, nhìn chung hàm lượng khoa học, công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp chưa cao, chưa đạt được như mong muốn, năng suất, chất lượng, tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam chưa cao. Kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ, đặc biệt là chương trình nghiên cứu nông thôn mới còn hạn chế, chưa xứng tầm, chưa có cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học trội hẳn về công nghệ, chưa tạo được sức hút thực sự mạnh để thu hút nguồn nhân lực khoa học, công nghệ. Chưa triển khai có hiệu quả các chính sách để thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp.

Kiến nghị cụ thể các chỉ tiêu về khoa học công nghệ trong kế hoạch tái cơ cấu

Theo đại biểu Trần Văn Minh tái cơ cấu kinh tế cũng rất cần có các chỉ tiêu cụ thể về khoa học và công nghệ thì mới có thể thành công trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng. Vì vậy, việc lập kế hoạch, không chỉ dừng lại ở mức nêu quan điểm chung trong dự thảo như quan tâm, khuyến khích, đẩy mạnh, tăng cường phát triển mà cần cần có các chỉ tiêu cụ thể về khoa học và công nghệ, bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh về khoa học, công nghệ như tỷ lệ đóng góp của TFP vào GDP, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; nghiên cứu bổ sung thêm một số chỉ tiêu khoa học, công nghệ khác còn yếu kém, như tốc độ đổi mới công nghệ, tổng đầu tư xã hội cho khoa học, công nghệ, đóng góp của TFP vào nâng cao năng suất lao động.

Về tổ chức thực hiện, phải quyết tâm khắc phục khó khăn để thực hiện các chỉ tiêu đặt ra. Không chỉ ưu tiên nguồn lực và có giải pháp thu hút nguồn lực mà còn rất cần sự chỉ đạo điều hành quyết liệt trong thực hiện các chỉ tiêu khoa học, công nghệ có kiểm đếm, kiểm điểm nghiêm túc, xử lý kiên quyết khi không hoàn thành.

Tập trung ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp

Cho biết tại Lâm Đồng có khoảng 16% diện tích là sản xuất ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhưng giá trị sản xuất trên diện tích này mang tới hơn 30%; thu nhập bình quân trong ngành nông nghiệp của Lâm Đồng hiện nay gần 150 triệu/ha trong khi bình quân của cả nước ở mức 78 triệu/ha, theo đại biểu Đoàn Văn Việt - Lâm Đồng, tập trung ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ về sinh học là điều kiện quan trọng để chúng ta đổi mới mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích và khẳng định đây chính là sự khác biệt rất lớn trong sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan- Tp. Hà Nội phát biểu tại Hội trường

Về tái cơ cấu trong nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Lan- Tp.Hà Nội cho rằng phải coi đổi mới khoa học, công nghệ là đầu tàu dẫn dắt cho một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển. Để tái cơ cấu bền vững và hướng tới một nền nông nghiệp tri thức cần có chiến lược quy hoạch, kế hoạch đào tạo sử dụng nhân lực khoa học, công nghệ. Cần có chính sách để huy động và tập trung nguồn nhân lực khoa học, công nghệ của toàn xã hội và quốc tế phục vụ cho chương trình nông thôn mới.

Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát lựa chọn ưu tiên đầu tư cho một vài cơ sở đào tạo, Viện nghiên cứu nông nghiệp để thực sự có năng lực và đủ mạnh về đào tạo và nghiên cứu khoa học để phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới. Sau khi đã xác định rõ lợi thế và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh cần có sự ưu tiên tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới.

Bên cạnh đó, cũng cần phải đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động khuyến nông phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, đầy đủ kiến thức, kỹ năng phục vụ trực tiếp cho tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới.

Bảo Yến