Qua ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội về dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhận thấy nhiều ý kiến là hợp lý và sẽ tiếp thu.
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của luật này chỉ quy định điều chỉnh đối với vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Theo đó, trên cơ sở kế thừa pháp lệnh thì dự thảo quy định về vũ khí gồm vũ khí hạng nhẹ, các loại bom, mìn, đạn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi, hóa cụ... là phù hợp với tội danh được quy định tại Điều 304 Bộ luật hình sự về hành vi vi phạm về tội chế tạo, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự. Đồng thời, thực hiện pháp lệnh các lực lượng chức năng vừa qua đã tiếp nhận, thu gom, thanh lý và tiêu hủy số lượng lớn vũ khí hạng nhẹ và các loại bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Một điều thực tế nữa là qua đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để có những hoạt động vi phạm pháp luật khác. Việc cần thiết phải quy định đối với các loại vũ khí này trong dự thảo luật là cần thiết.
Đối với vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ là phương tiện đặc biệt có liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Thực tế trong những năm qua đã có nhiều những vụ án, đối tượng tự sản xuất vật liệu nổ từ các tiền chất thuốc nổ để gây án. Vì vậy, cần phải quy định trong dự thảo luật để quản lý chặt chẽ, hạn chế đối tượng lợi dụng, sử dụng hoạt động phạm tội và đặc biệt liên quan đến các tội về khủng bố, thế giới rất quan tâm và chúng ta đang ngăn ngừa triệt để các loại tội phạm này. Đối với loại vũ khí hạng nặng, vũ khí sinh học, vũ khí hóa học không quy định trong phạm vi điều chỉnh của luật này. Vì vũ khí hạng nặng để sử dụng phục vụ vào mục đích quốc phòng bảo vệ Tổ quốc nên cần thiết điều chỉnh theo quy định của luật pháp về quốc phòng.
Về vũ khí sinh học, vũ khí hóa học thì hiện nay Việt Nam đã tham gia các hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân và công ước chống phát triển sản xuất, tàng trữ vũ khí sinh học độc hại và phá hủy chúng. Công ước cấm sử dụng và phát triển, tàng trữ vũ khí hóa học và phá hủy chúng. Chúng ta đã tham gia các công ước quốc tế về những vấn đề này nên không đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật này.
Đối với pháo nổ, pháo hoa, do tính chất đặc thù đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 36 ngày 15/4/2009 của Chính phủ, về quản lý, sử dụng pháo nên không cần thiết phải bổ sung quy định về pháo nổ, pháo hoa trong dự thảo luật.
Đối với người nước ngoài mang vũ khí vào Việt Nam để bảo vệ nguyên thủ quốc gia, luyện tập thi đấu thể thao không cần quy định trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Vì dự thảo luật cũng đã quy định đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội Việt Nam. Tức là trong dự thảo luật đã quy định bao hàm rộng lớn hơn những điều cụ thể mà các đại biểu góp ý. Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật để luật phù hợp.
Thứ hai, về giải thích từ ngữ. Có ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội về việc bổ sung, điều chỉnh các khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo hướng giải thích về quy chuẩn, tính năng, tác dụng, cách nhận biết và mục đích sử dụng không liệt kê. Đồng thời, ban hành các danh mục cụ thể kèm theo luật này hoặc giao cho Chính phủ quy định trong nghị định hướng dẫn. Ban soạn thảo thấy ý kiến tham gia của các đại biểu hợp lý và sẽ rà soát, tiếp thu, chỉnh sửa các khái niệm đảm bảo chính xác, chặt chẽ, dễ hiểu, phù hợp với thuật ngữ quân sự cũng như đảm bảo tính thống nhất với các quy định trong bộ luật khác có liên quan. Đồng thời, sẽ đề xuất bổ sung dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định các danh mục đối với các loại vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cho cụ thể hóa các khái niệm này.
Thứ ba, về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, Điều 15. Việc quy định đối với các tổ chức, doanh nghiệp được nghiên cứu, chế tạo sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí là vấn đề lớn. Quan trọng liên quan đến Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các nghị quyết của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh nên trong dự thảo luật đề xuất lựa chọn hai phương án. Theo Bộ trưởng Bộ Công an, tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và phiên họp thẩm tra chính thức dự án luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đa số ý kiến lựa chọn phương án 1 để phù hợp với quy định tại Điều 68 của Hiến pháp năm 2013, về xây dựng công nghiệp quốc phòng và an ninh và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, theo hướng nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh theo hướng lưỡng dụng. Tăng cường nguồn lực, đặt cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại cho lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân. Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị lựa chọn phương án 1 là phù hợp.
Thứ tư, về đối tượng trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ. Qua phát biểu của các đại biểu Quốc hội về việc bổ sung, điều chỉnh một số nội dung về trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trong dự thảo luật, Ban soạn thảo thấy qua ý kiến các đại biểu tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ban soạn thảo đã tiếp thu bổ sung đối tượng trang bị vũ khí quân dụng cho cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, lực lượng cơ yếu cảnh sát biển. Đồng thời, dự thảo luật chỉ quy định chung trong việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ còn đã giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể chủng loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho các đối tượng. Tuy nhiên, qua các ý kiến đại biểu Quốc hội về đối tượng trang bị vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, tu chỉnh trong dự thảo luật cho phù hợp với các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.
Thứ năm, quy định về nổ súng, Điều 21 trong dự thảo luật là nội dung đặc biệt quan trọng có liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, tu chỉnh các quy định về nổ súng nhằm đảm bảo chặt chẽ, tránh bị lạm dụng, tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ, đồng thời bảo đảm phù hợp với các bộ luật khác có liên quan, nhất là Bộ luật hình sự.
Thứ sáu, quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp, quản lý và sử dụng vật liệu nổ. Dự thảo luật đang quy định việc tổ chức sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Vì theo quy định của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp thì ngành nghề kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và không giới hạn nhà đầu tư mà chỉ yêu cầu khi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này nhà đầu tư phải đáp ứng được các điều kiện do Chính phủ quy định. Đồng thời, dự thảo luật quy định các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp thì được phép mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp. Doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ công nghiệp thì được phép mua bán lại vật liệu nổ công nghiệp từ các cơ sở sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp nhằm đảm bảo sản phẩm không qua khâu trung gian, giảm thủ tục không cần thiết để thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội thì vật liệu nổ công nghiệp là mặt hàng đặc biệt có liên quan trực tiếp đến an ninh, trật tự, tính mạng, sức khoẻ của con người nên cần phải quản lý chặt chẽ, hạn chế tối đa việc thất thoát. Đồng thời thực tế hiện nay việc sản xuất kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện đã đảm bảo quản lý nhà nước trong các hoạt động vật liệu nổ công nghiệp được chặt chẽ, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng được nhu cầu cung cấp trong nước cũng như xuất khẩu.
Việc sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ và các hoạt động tách rời sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp được hiệu quả hơn, nên dự thảo luật tách bạch giữa khâu sản xuất và kinh doanh. Ban soạn thảo thấy rằng đây là mặt hàng đặc biệt nguy hiểm cần quy định cơ chế quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo yêu cầu quản lý về an ninh, trật tự. Đồng thời, hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp gắn với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, Ban soạn thảo dự kiến sẽ tiếp thu, tu chỉnh vào trong dự án luật