Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp quyết liệt, hiệu quả để khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém

16/11/2016

Kết thúc nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng tập trung thực hiện nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là tổ chức khắc phục hạn chế của ngành và có báo cáo Quốc hội vào các kỳ họp sau.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận nội dung chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD- ĐT

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn Bộ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về những đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tổ chức thi cử; Việc phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp vì chất lượng đào tạo, về tình trạng sinh viên mới ra trường không có việc làm; Về thực hiện đề án chuẩn hóa năng lực ngoại ngữ giáo viên, đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; Tình trạng dạy thêm, học thêm, về đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ và đào tạo đại học, sau đại học diện cử tuyển không cử tuyển là con em của đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, đại biểu Quốc hội còn quan tâm đến một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng như vấn đề bạo lực học đường, hệ thống quản lý chất lượng văn bằng, những bất cập, sai sót trong chương trình sách giáo khoa. Quản lý các cơ sở giáo dục các cấp có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam.

Việc tổ chức thực hiện đề án mô hình trường học mới VNEN cũng được các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi rất thẳng thắn, bám sát thực tiễn, bám sát những vấn đề chất vấn và có tranh luận sôi nổi.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tuy mới nhận nhiệm vụ và trả lời chất vấn lần đầu nhưng đã thể hiện nắm rất rõ tình hình, đặc biệt là thực trạng của ngành mình những vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực ngành quản lý. Bộ trưởng đã thẳng thắn trả lời và cũng nhận rõ trách nhiệm trong từng câu hỏi, từng câu trả lời Bộ trưởng đều nhận trách nhiệm về ngành, về cá nhân Bộ trưởng. Bộ trưởng làm rõ được những vấn đề đại biểu nêu cũng như đề xuất hướng khắc phục của ngành.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc trả lời một số nội dung còn dài, chưa thỏa mãn được đại biểu Quốc hội. Do đó, thể hiện có sự tranh luận đi, tranh luận lại nhiều lần so với các Bộ trưởng trước, đây cũng là việc bình thường bởi vì giáo dục là vấn đề quốc sách, là vấn đề tương lai của đất nước, của dân tộc là ngành đào tạo ra nguồn nhân lực để xây dựng và phát triển đất nước, nên việc tranh luận để làm sao cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo tốt hơn là nhiệm vụ của tất cả chúng ta.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội chỉ đạo quyết liệt để thực hiện những giải pháp đã đề ra, đồng thời tham mưu cho Chính phủ một số vấn đề.

Thứ nhất, tiếp tục triển khai các giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo trong đó chú trọng đổi mới tổ chức thi cử nhưng phải có lộ trình, không tạo áp lực cho học sinh, cho gia đình và tránh việc phải thường xuyên thay đổi cách thức, phương thức gây tốn kém thời gian, tiền bạc, nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm thực tiễn lắng nghe ý kiến nhân dân để sớm hoàn thiện phương án tổ chức thi.

Thứ hai, rà soát quy hoạch lại hệ thống trường đại học, có giải pháp và đề ra lộ trình để sớm khắc phục những bất cập trong quy hoạch trường đại học, ngành nghề đào tạo, chất lượng đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và từng bước khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm. Định hướng phân luồng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông và nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu việc làm để định hướng cho công tác đào tạo.

Thứ ba, đánh giá toàn diện việc thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đề án mô hình trường học mới VNEN, có giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước theo yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thứ tư, có giải pháp khắc phục triệt để những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm gây sức ép cho phụ huynh học sinh, rà soát lại chương trình sách giáo khoa đã triển khai và kịp thời phát hiện những sai sót, bất cập, mâu thuẫn để có những giải pháp khắc phục đảm bảo chất lượng phù hợp với định hướng đổi mới.

Thứ năm, rà soát, hoàn thiện, khắc phục bất cập trong chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số, chính sách về cử tuyển đối với học sinh dân tộc thiểu số gắn với nhu cầu bố trí việc làm tại địa phương, có chính sách hỗ trợ đối với sinh viên dân tộc thiểu số ở các trường đại học, sau đại học, tốt nghiệp loại khá, giỏi. Nhiều năm qua, chúng ta đánh giá cao sự nỗ lực của ngành giáo dục, đào tạo; đánh giá cao sự tâm huyết, yêu nghề, công lao của các thế hệ nhà giáo Việt Nam, sự thông minh, cần cù, hiếu học của học sinh, sinh viên, sự quan tâm của gia đình và xã hội đến việc học hành của con em chúng ta. Đồng thời, chúng ta nghiêm túc nhìn nhận lại thực trạng học sinh nước ta phải chịu áp lực học tập hết sức nặng nề so với các nước khác, nhất là cấp học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhưng cao đẳng, đại học tốt nghiệp ra trường thì khó tìm được việc làm. Đây là một thực trạng cần phải được đánh giá, phân tích, tìm giải pháp khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.

Về những nêu trên, đề nghị Bộ trưởng quan tâm tập trung tăng cường quản lý nhà nước, có giải pháp quyết liệt, hiệu quả, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, xử lý và ngăn chặn sai phạm, có báo cáo với Quốc hội vào các kỳ họp sau. Phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba, xin dừng tại đây. Tại phiên chất vấn, nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 sắp đến, thay mặt Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi lời cảm ơn sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến tất cả các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác làm việc trong ngành giáo dục đào tạo.

Đặng Mai- Minh Hằng